Thứ 3, 23/04/2024, 16:37[GMT+7]

Đông Hưng gian nan “giải cứu lợn”

Thứ 4, 17/05/2017 | 09:58:57
1,140 lượt xem
Nhiều tháng nay, người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Đông Hưng “dở khóc, dở cười” vì giá lợn hơi giảm thấp kỷ lục. Không ít hộ chăn nuôi đành phải ngậm ngùi bán rẻ, chịu lỗ hoặc tự mổ lợn để bán với hy vọng vớt vát được phần nào.

Lao đao vì lợn

Hơn 160 hộ dân ở xã Đông Kinh - vùng chăn nuôi tập trung của huyện Đông Hưng đang lao đao vì giá lợn xuống thấp kỷ lục kéo dài. Nhiều hộ chăn nuôi đang phải từng ngày vật lộn với đàn lợn hàng trăm con. Đàn lợn hơn 200 con của gia đình chị Phan Thị Mai (thôn Duyên Hà) dù đã đến kỳ xuất chuồng song muốn chờ giá nhích lên mới bán cho đỡ lỗ nên ban đầu chị dốc hết vốn liếng mua thức ăn cho lợn ăn cầm chừng. Nhưng chờ mãi mà giá lợn vẫn giảm, trong khi lợn càng to ăn càng nhiều, càng lỗ nên chị Mai đành quyết định bán. Hai mẹ con chị thay nhau ra đón suốt mấy tuần mới đón được thương lái vào cân, họ chỉ trả 26.000 đồng/kg lợn hơi. 

Chị Mai cho biết: Với giá bán như vậy gia đình tôi lỗ gần 500 triệu đồng. Cứ đà này người chăn nuôi như chúng tôi chỉ còn nước “treo chuồng”. 

Dù bị lỗ nhưng gia đình chị Mai vẫn được coi là may mắn hơn nhiều hộ chăn nuôi khác. Đơn cử như hộ ông Đỗ Văn Lợi nuôi tới 1.000 con lợn, cả nái, thịt và lợn con. Đã gần nửa năm nay ông Lợi chưa xuất chuồng được con nào trong khi lợn nái vẫn đẻ, lợn con cũng không bán được, ông đành phải nuôi. Nếu có xuất được chuồng ông Lợi cũng bị lỗ hàng tỷ đồng.

Chưa bao giờ giá lợn hơi lại xuống thấp và kéo dài như đợt này nên hầu hết người chăn nuôi đều bị ảnh hưởng, có người trắng tay, trở thành con nợ của ngân hàng. 

Anh Phạm Xuân Soạn (thôn Trung, xã Đông Phương) nhẩm tính: Gia đình nuôi lợn nái nên không mất chi phí mua lợn giống song để nuôi được một con lợn từ bé đến khi xuất chuồng chi phí mất khoảng 3 triệu đồng, bán với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg, lỗ 1,5 triệu đồng/con. Gia đình nuôi 150 con lợn thịt, xuất chuồng 100 con lỗ 150 triệu đồng. Giá lợn thấp mà giá thức ăn không giảm, nợ ngân hàng 300 triệu đồng chưa biết bao giờ mới trả được.

Gian nan “giải cứu lợn”

Trong thời gian chờ được trợ giúp, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Đông Hưng đã chủ động tự “giải cứu lợn”, tự cứu mình bằng nhiều cách. Đa số chọn giải pháp bán chịu lỗ khi lợn đến kỳ xuất chuồng, không tái đàn giống chị Phan Thị Mai (xã Đông Kinh). Còn anh Phạm Xuân Soạn (thôn Trung, xã Đông Phương) thì dùng rau, bèo trộn cùng cám cho lợn ăn để giảm chi phí. Anh Phan Văn Mác (xã Đông Kinh), anh Hoàng Văn Nghiêm (thôn Trần Phú, xã Đông Phương) thì vận động người thân, người cùng thôn, các gia đình có hiếu, hỷ, giỗ chạp mua về giết cho tủ lạnh hoặc gửi cho con cháu đi làm xa ăn dần và làm cỗ đãi khách. Anh Nghiêm cho biết, chưa bao giờ người chăn nuôi khốn khổ như bây giờ, đã chịu lỗ nặng còn phải đi vận động từng người mua lợn với giá bán như cho. Lợn giống trước đây trên 1 triệu đồng/con, giờ xuống còn 200.000 - 250.000 đồng/con, nhiều gia đình có lợn nái đẻ tiếc rẻ muốn để nuôi nhưng do giá cám không giảm, đại lý bán cám không cho chịu tiền nên đành phá đàn bán cho họ làm thịt đông lạnh… 

Một số hộ bất đắc dĩ tự mổ lợn đưa đi bán hy vọng vớt vát phần nào. Gia đình anh Hoàng Văn Thiệm (thôn Trung, xã Đông Phương) cứ đến phiên chợ Vàng của xã lại mổ lợn mang ra bán. Anh Thiệm cho biết: Nếu bán cho thương lái thì lỗ khoảng 1,5 triệu đồng/con, còn tự giết bán mỗi con giảm được 500.000 đồng tiền lỗ. Gia đình nuôi 30 con lợn thịt, chịu lỗ khoảng 30 triệu đồng. Buồn bã, chán nản, lo lắng đang là tâm trạng chung của cả người đã bán được lợn lẫn người chưa bán được lợn. Họ đều có chung mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý; ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay lãi suất ưu đãi; các công ty, đại lý giảm giá thức ăn chăn nuôi…

Huyện đang tiến hành rà soát chính xác tổng đàn lợn trên địa bàn và tình hình nợ ngân hàng của các hộ chăn nuôi, trên cơ sở đó sẽ đưa ra giải pháp “cứu lợn” cho bà con. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi giai đoạn này cần bình tĩnh và vẫn phải duy trì các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêu độc khử trùng môi trường, phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin và áp dụng biện pháp chống nắng nóng, không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi của gia đình. Khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp và người dân tiêu thụ lợn thịt cho các hộ chăn nuôi.
(Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng)


Chị Vũ Thị Thuần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Hưng

Chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, người thân, bạn bè mua thịt lợn; phổ biến và hỗ trợ người chăn nuôi tiếp cận chính sách, giải pháp “giải cứu lợn” của các cấp, các ngành; lập danh sách các hộ vay vốn nuôi lợn đang gặp khó khăn, đề xuất ngân hàng cho giãn nợ, cho vay vốn mới. Về lâu dài, vận động các hộ phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi giá trị; hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ cho người chăn nuôi…


Chị Phạm Thị Luận, thị trấn Đông Hưng

Trước đây thi thoảng tôi mới mua thịt lợn về ăn nhưng từ ngày giá lợn giảm sâu, để chung tay “giải cứu lợn” cho người chăn nuôi ngày nào tôi cũng mua thịt lợn về chế biến đủ các món, ngoài ra tôi còn mua gửi cho các con ở Hà Nội.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày