Thứ 5, 28/03/2024, 19:53[GMT+7]

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Thứ 4, 24/05/2017 | 09:17:11
1,959 lượt xem
Thời gian qua, ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kèm mưa đã tạo điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh trên lúa phát sinh, gây hại. Để bảo đảm cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt và tạo tiền đề cho một vụ xuân năng suất, sản lượng cao, nông dân cần chủ động, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra diễn biến sâu bệnh hại để phòng, trừ kịp thời.

Nông dân các địa phương phòng bệnh đạo ôn cổ bông bảo vệ lúa xuân. Ảnh: Mai Trang

Thăm thửa ruộng lúa bông đã quay ngang của gia đình mình, bà Đinh Thị Chiến, thôn Bắc Sơn, xã Quang Bình (Kiến Xương) cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 4 sào, chủ yếu là giống lúa Thiên ưu 8. Do được chăm sóc, bón phân cân đối nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, theo thông báo của HTX, tôi thường xuyên thăm đồng, thực hiện phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông hai lần, khi lúa nứt áo đòng và khi lúa trỗ xong. Đến nay, lúa đang vào mẩy, dự kiến cho năng suất cao. 

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiến Xương cho biết: Diện tích cần phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông đợt này của huyện khoảng trên 1.000ha, trong đó diện tích lúa trỗ sau ngày 20/5 phải phun 2 lần: lần 1 khi lúa thấp thó trỗ, lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn; đối với diện tích đã trỗ hoàn toàn nhưng chưa quay ngang bông, khi lúa thấp thó trỗ đã được phun phòng phải phun lại lần 2. Hai ngày qua thời tiết tạnh ráo, nông dân tích cực phun trừ sâu bệnh, đến nay cơ bản lúa đã được phun trừ bảo đảm hiệu quả.

Tiền Hải cũng là một trong những huyện có diện tích phải phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông cao. Bà Nguyễn Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Thời tiết những ngày qua liên tục có mưa, tạo thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh và xâm nhập, gây hại cổ bông và cổ gié, nếu không tổ chức phòng, trừ kịp thời bệnh sẽ gây hại trên diện rộng. Để bảo vệ năng suất lúa, Trạm đã gửi thông báo khẩn đến các địa phương, khuyến cáo nông dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo tổ chức phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm như BC15, TBR225, nếp, Thiên ưu 8… Bên cạnh đó, nông dân cũng cần lưu ý phun trừ sâu đục thân hai chấm đối với diện tích lúa trỗ sau ngày 20/5. 

Theo ông Cao Bá Muồn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Tây Lương: Vụ xuân năm nay, Tây Lương gieo cấy 340ha, trong đó có 50ha giống lúa Bắc thơm 7 do Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khang Long ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch. Hiện cơ bản lúa xuân đã trỗ xong. Tuy nhiên, trên đồng ruộng đang xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại, trong đó đáng lưu ý là bệnh đạo ôn cổ bông, đục thân hai chấm và rầy. Trước diễn biến sâu bệnh hại, theo thông báo, hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, từ ngày 19/5 đến nay, HTX chỉ đạo, đôn đốc xã viên tập trung phun thuốc cho diện tích lúa nhiễm sâu bệnh đến ngưỡng phòng, trừ. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích lúa xuân của HTX đều sinh trưởng, phát triển tốt. Là một trong những xã gieo cấy giống lúa Bắc thơm 7 (giống lúa dễ nhiễm rầy cuối vụ) cao với 70% cơ cấu giống lúa, HTX cũng khuyến cáo bà con kiểm tra, theo dõi đồng ruộng, tổ chức phun trừ rầy kịp thời bởi theo dự báo từ sau ngày 25/5 sẽ có lứa rầy nở rộ.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có trên 90% diện tích lúa xuân đã trỗ bông. Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của thời tiết khiến bệnh đạo ôn cổ bông xâm nhiễm và gây hại cho lúa xuân, đặc biệt là diện tích lúa trỗ sau ngày 15/5. Chi cục đã chỉ đạo cán bộ tăng cường thăm đồng, kiểm tra, nắm chắc tình hình phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại để tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc trực tiếp chỉ đạo nông dân thực hiện phòng, trừ kịp thời. Tập huấn cho nông dân về biện pháp sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của các cửa hàng, đại lý trên toàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh cùng hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, nông dân đang tích cực phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông và một số đối tượng sâu bệnh hại khác, bảo vệ năng suất, sản lượng lúa xuân.


Một số biện pháp kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh

1. Bệnh đạo ôn cổ bông:
- Khuyến cáo nông dân nên dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu để phòng, trừ như: Filia 525SE, Bump 650WP, Katana 20SC, Fuarmy 30WP, Kasai-S 92SC, Fujibem 777WP, Fendy 2WP, Bankan 600WP.
- Nồng độ và liều lượng sử dụng của thuốc theo hướng dẫn trên bao gói.
- Ruộng phòng, trừ sâu bệnh phải có nước hiệu quả phun trừ mới cao.
- Ở giai đoạn lúa trỗ bông phơi màu, khuyến cáo phun trừ sâu bệnh từ 15 giờ chiều trở đi.
- Sau phun thuốc trong vòng 3 giờ nếu gặp mưa phải phun lại ngay theo nồng độ hướng dẫn.

2. Rầy các loại:
- Đối với những ruộng lúa chưa trỗ bông, khuyến cáo nông dân nên dùng một trong các loại thuốc nội hấp lưu dẫn như: Pentalty 40WP, Midan 10WP, Oshin 20WP, Sutin 5EC…
- Đối với những ruộng lúa ở giai đoạn chắc xanh đến chín, nếu mật độ rầy 1.500 con/m2 trở lên, khuyến cáo nông dân dùng một trong các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi như: Penalty gold 50EC, NiBas 50ND, Bassa 50EC… để phòng, trừ. Khi phun phải rẽ lúa thành từng băng, mỗi băng khoảng 4 - 5 hàng lúa, phun thuốc kỹ vào nơi rầy cư trú, lượng nước thuốc phun phải bảo đảm từ 3 - 4 bình/sào.

(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) 

Lưu Ngần