Thứ 7, 20/04/2024, 18:57[GMT+7]

Chủ động phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa xuân

Thứ 5, 25/05/2017 | 08:50:04
3,768 lượt xem
Để bảo vệ 10.290ha lúa xuân trong giai đoạn trỗ bông, hiện nay, huyện Tiền Hải đang tích cực tuyên truyền nông dân phòng, trừ sâu bệnh cuối vụ, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng.

Nông dân xã Đông Minh (Tiền Hải) phun thuốc bảo vệ lúa xuân.

Ông Tạ Văn Chinh, thôn Hải Nhuận, xã Đông Quý cho biết: Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nông dân gieo cấy lúa cũng vất vả hơn. Được HTX tuyên truyền trong giai đoạn lúa trỗ bông thời tiết mưa nắng xen kẽ rất thuận lợi các đối tượng sâu bệnh phát sinh,  trong đó có bệnh đạo ôn cổ bông nếu không được phòng, trừ sẽ gây mất mùa. Do đó, gia đình tôi đã chủ động mua thuốc về phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên diện tích lúa xuân của gia đình. 

Còn ông Trần Văn Huyền, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Phú cho biết: Hiện nay lúa xuân đang trong giai đoạn trỗ bông, chuẩn bị vào chắc hạt. Công tác phòng, trừ sâu bệnh cho lúa ngay từ đầu vụ được HTX triển khai nghiêm túc.  HTX thường xuyên khuyến cáo nông dân vào tháng 5 có rất nhiều đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại như đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy nâu... nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ gây hại lúa xuân. HTX phối hợp với Đài Truyền thanh xã thông báo ngày hai lần trên hệ thống loa của địa phương để nông dân chủ động phun thuốc đúng đối tượng sâu bệnh gây hại, tránh tình trạng phun thuốc tràn lan ảnh hưởng đến môi trường. Cùng với đó, HTX cử cán bộ phối hợp với ngành chuyên môn của huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, quá trình sinh trưởng của lúa và sự phát sinh sâu bệnh nhằm lựa chọn thời điểm phun thuốc thích hợp.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Đối với bệnh đạo ôn cổ bông thì phương châm phòng là chính, do đó huyện chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân cần chủ động thăm đồng, xác định rõ những diện tích cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Với tình hình thời tiết và diễn biến bệnh hại phức tạp như hiện nay, giai đoạn lúa trỗ bông, khi gặp thời tiết mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao, kết hợp với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát triển gây hại mạnh, làm giảm năng suất nhiều diện tích lúa nếu không quyết liệt chỉ đạo phòng, trừ. Tiền Hải đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tích cực xuống cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, kết hợp với thăm đồng để chủ động tuyên truyền đến nông dân cách phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ bông. Khuyến cáo nông dân chú ý trên các giống dễ nhiễm, những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và cả trên những diện tích không nhiễm bệnh đạo ôn lá chủ động phòng, trừ khi lúa trỗ bông, gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh. Các HTX chỉ đạo tổ thủy nông điều tiết nước hợp lý để giúp lúa trỗ bông được thuận lợi và tăng hiệu lực của thuốc. Khi phun thuốc, nông dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”. Nên phun vào sáng sớm và chiều mát, phun thuốc gặp mưa cần phải phun lại. Ngoài ra, ngành chuyên môn trực tiếp thăm đồng, hướng dẫn nông dân nhận biết và các biện pháp phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông, đồng thời khuyến cáo đối với trà lúa vào giai đoạn đang trỗ bông cần giữ đủ nước ruộng để lúa sinh trưởng, trỗ bông thuận lợi. Tuyệt đối không được bón thêm phân đạm, phun phân bón qua lá, hoặc thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa. Hiện nay lúa chuẩn bị vào chắc hạt nông dân cần tích cực hơn nữa thực hiện theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để hạn chế thấp nhất sự lây lan của bệnh ra diện rộng, nhất là diện tích trà lúa muộn đang vào giai đoạn trỗ để mỗi vụ lúa thêm niềm vui thắng lợi.

Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại xã Thụy Hà (Thái Thụy).

* Vụ xuân này, xã Thụy Bình (Thái Thụy) gieo cấy hơn 272ha lúa, trong đó giống BC15 chiếm 70% diện tích. Hiện nay, nông dân địa phương đang tập trung phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông bảo vệ lúa xuân.

Gia đình ông Bùi Ngọc Chu ở thôn Trà Hồi gieo cấy 2,7 mẫu lúa, trong đó giống BC15 chiếm 90%. Ông Chu cho biết: Với nhiều năm kinh nghiệm, cứ đến giai đoạn lúa bắt đầu trỗ bông và trỗ bông hoàn toàn là tôi phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho toàn bộ diện tích lúa. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa xuân của gia đình đã trỗ bông hoàn toàn nên tôi phun phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông lần 2 cho 100% diện tích bằng các loại thuốc đặc hiệu. Lần 1 tôi đã phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông từ ngày 15/5 khi lúa mới bắt đầu trỗ.

Cùng với gia đình ông Chu, hiện nay, nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã Thụy Bình cũng đang tích cực phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông bảo vệ lúa xuân. Bà Nguyễn Thị Nhan ở thôn An Ninh cho biết: Bệnh đạo ôn cổ bông khi đã phát hiện muộn thì xem như vô phương cứu chữa, nếu có phun cũng chỉ chặn và bảo vệ được một phần nhỏ bông, gié hạt chưa bị bệnh xâm nhập. Với bệnh này phương châm phòng là chính, vì vậy, tôi đã chủ động mua thuốc về phun phòng, trừ cho toàn bộ diện tích lúa của gia đình.

Theo ông Bùi Ngọc Vư, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Bình: Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn xã trong giai đoạn trỗ bông hoàn toàn và vào mẩy. Nhìn chung lúa trong xã tương đối đẹp và đồng đều. Từ ngày 15 - 16/5, diện tích lúa xuân của địa phương bắt đầu trỗ bông, HTX đã tuyên truyền, vận động người dân tổ chức phun phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông kết hợp với sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ. Kết quả, đến nay toàn xã phun phòng, trừ được gần 40% so với tổng diện tích. Tuy nhiên, trong thời điểm lúa trỗ bông đã gặp mưa, trời âm u, ít nắng, là điều kiện thuận lợi để cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa. Để hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra, HTX đã chỉ đạo, vận động nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lần 2 cho toàn bộ diện tích lúa trỗ sau ngày 15/5. Để đợt phun phòng, trừ sâu bệnh lần này đạt hiệu quả cao, HTX đã chủ động nguồn thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng để cung ứng cho nông dân; khuyến cáo người dân sử dụng những loại thuốc theo hướng dẫn của của cơ quan chuyên môn như Filia 525SE, Bump 650WP, Katana 20SC, Fuarmy 30WP…, nồng độ và liều lượng sử dụng in trên bao gói thuốc. Lúa xuân đang trong giai đoạn trỗ bông phơi màu nên người dân chỉ phun trừ sâu bệnh từ 15 giờ chiều trở đi, ruộng phải có nước, sau khi phun trong vòng 3 ngày nếu gặp mưa phải phun lại ngay đúng nồng độ hướng dẫn. Các hộ gia đình hợp đồng sản xuất giống lúa BC15 phải khẩn trương khử lẫn trong ruộng, để bảo đảm sản lượng thóc giống đủ chất lượng cung ứng cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình…

Mạnh Thắng - Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày