Thứ 6, 19/04/2024, 12:00[GMT+7]

Các địa phương phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân cuối vụ

Thứ 6, 26/05/2017 | 07:58:32
924 lượt xem

Nông dân xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

* Vụ xuân năm 2017, huyện Quỳnh Phụ gieo cấy 11.600ha lúa, đến nay cơ bản lúa đã trỗ xong, một số diện tích đã cho thu hoạch. Hiện nay, trên đồng ruộng, tình hình sâu gây hại lúa xuân như rầy các loại, sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục diễn biến phức tạp. Mật độ rầy trung bình từ 100 - 200 con/m2, nơi cao từ 500 - 700 con/m2, cá biệt có những nơi mật độ hàng vạn con. Rầy đã gây cháy lúa cục bộ tại một số xã như Quỳnh Hưng, Quỳnh Xá, An Khê…, nếu không tổ chức phòng, trừ dự báo rầy sẽ gây cháy lúa trên diện rộng sau ngày 25/5.

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chú ý những chân ruộng trũng, chân mạ dược xuân, chân đất thường xuyên xảy ra cháy rầy và những giống lúa nhiễm rầy cao như BC15, Q5, nếp các loại… Phát hiện và kịp thời phun trừ khi mật độ rầy từ 1.500 con/m2 (35 - 40 con/khóm) trở lên. Khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật tiếp xúc trực tiếp như Basa 50EC, Penalty gold 50EC, Victory 585EC… Khi phun phải rẽ 4 - 5 hàng lúa thành một lối và phun trực tiếp vào vị trí rầy bám, sau 5 - 7 ngày phun lần 2 nếu phát hiện rầy non tiếp tục nở rộ. Những diện tích lúa xuân trỗ sau ngày 20/5 khuyến cáo nông dân phun trừ sâu đục thân hai chấm kết hợp trừ đạo ôn cổ bông trên các giống lúa nhiễm bệnh. Phun lần 1 khi lúa thấp thó trỗ, phun lần 2 khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn.

Quỳnh Phụ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nội dung và các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh; các HTX DVNN chủ động cung ứng thuốc bảo vệ thực vật…, quyết tâm giành thắng lợi vụ lúa xuân.

* Qua kiểm tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương, toàn huyện có 1.500ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông (chủ yếu ở diện tích cấy lúa giống BC15, TBR225, nếp, Thiên ưu 8 và một số giống lúa khác).

Từ ngày 20/5 đến nay, nông dân các địa phương đã dùng thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của ngành chuyên môn phun trừ được 1.300ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con tiếp tục ra đồng phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên diện tích còn lại. Theo chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đối với diện tích lúa đang trỗ, nông dân phải phun kép, lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn; riêng diện tích lúa đã trỗ hoàn toàn nhưng chưa quay ngang bông tiến hành phun lần 2 ngay để phòng bệnh đạo ôn cổ bông và cổ gié gây hại làm giảm năng suất lúa.

Ngoài tuyên truyền, vận động nông dân tập trung phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông, thời điểm này, huyện Kiến Xương còn chỉ đạo các xã, thị trấn và nông dân điều tiết nước hợp lý, diệt cỏ lồng vực, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại; tăng cường hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ bệnh khô vằn, lem lép hạt, bạc lá và rầy các loại gây hại trên lúa xuân cuối vụ.

* Để bảo vệ 205ha lúa xuân trỗ bông sinh trưởng tốt, hiện nay, xã Tây Giang (Tiền Hải) đã phát động nông dân tập trung phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông đang gây hại trên một số diện tích. Dự báo, với tình hình thời tiết và diễn biến bệnh hại phức tạp như hiện nay, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ gây hại mạnh, làm giảm năng suất nhiều diện tích lúa nếu không quyết liệt phun thuốc phòng, trừ. Do đó, xã Tây Giang đã tăng cường cán bộ chuyên môn bám ruộng, khẩn trương hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông. Phối hợp với ngành chức năng kiểm soát giá và chất lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Xử lý nghiêm các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh. Thường xuyên khuyến cáo nông dân chủ động phòng, trừ nhằm giảm thiểu thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra.


Một số biện pháp kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh

1. Bệnh đạo ôn cổ bông:
- Khuyến cáo nông dân nên dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu để phòng, trừ như: Filia 525SE, Bump 650WP, Katana 20SC, Fuarmy 30WP, Kasai-S 92SC, Fujibem 777WP, Fendy 2WP, Bankan 600WP.
- Nồng độ và liều lượng sử dụng của thuốc theo hướng dẫn trên bao gói.
- Ruộng phòng, trừ sâu bệnh phải có nước hiệu quả phun trừ mới cao.
- Ở giai đoạn lúa trỗ bông phơi màu, khuyến cáo phun trừ sâu bệnh từ 15 giờ chiều trở đi.
- Sau phun thuốc trong vòng 3 giờ nếu gặp mưa phải phun lại ngay theo nồng độ hướng dẫn.
2. Rầy các loại:
- Đối với những ruộng lúa chưa trỗ bông, khuyến cáo nông dân nên dùng một trong các loại thuốc nội hấp lưu dẫn như: Pentalty 40WP, Midan 10WP, Oshin 20WP, Sutin 5EC…
- Đối với những ruộng lúa ở giai đoạn chắc xanh đến chín, nếu mật độ rầy 1.500 con/m2 trở lên, khuyến cáo nông dân dùng một trong các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi như: Penalty gold 50EC, NiBas 50ND, Bassa 50EC… để phòng, trừ. Khi phun phải rẽ lúa thành từng băng, mỗi băng khoảng 4 - 5 hàng lúa, phun thuốc kỹ vào nơi rầy cư trú, lượng nước thuốc phun phải bảo đảm từ 3 - 4 bình/sào.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày