Thứ 5, 25/04/2024, 14:11[GMT+7]

Đẩy lùi hàng giả, hàng nhái trên đất ven biển

Thứ 5, 29/06/2017 | 09:03:05
696 lượt xem
Những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan cũng như tình trạng tư thương “làm mưa làm gió” trên thị trường Thái Thụy ngày càng thuyên giảm là kết quả rất đáng tự hào của lực lượng QLTT huyện Thái Thụy. Với nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đội QLTT huyện Thái Thụy đã từng bước đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái, góp phần giữ vững ổn định thị trường nông thôn.

Đội kiểm tra mặt hàng rượu ngoại bày bán trong các cửa hàng trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Thái Hùng, Đội trưởng Đội QLTT huyện Thái Thụy cho biết: Thái Thụy có 48 xã, thị trấn, vừa là huyện ven biển vừa giáp ranh với các huyện của thành phố Hải Phòng. Điều này vừa đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng mang tới những khó khăn riêng cho lực lượng QLTT. Các đối tượng kinh doanh ngày một tinh xảo, phương thức kinh doanh đa dạng trong khi đó quân số của Đội mỏng nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, sự hiểu biết của người dân chưa cao, chính quyền địa phương nhiều nơi vào cuộc chưa tích cực. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng chồng chéo, gây nhiều khó khăn cho lực lượng thực thi áp dụng. Đặc biệt, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trước những khó khăn trên, Đội đã triển khai nhiệm vụ cho anh em theo dõi địa bàn xã kết hợp với chính quyền địa phương để sàng lọc quản lý. Cùng với đó, triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyên đề theo tháng, năm. Hầu như mỗi tháng Đội đều thành lập một chuyên đề, trong đó đầu năm thường đi sâu kiểm tra lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá, sau đó đến lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đồ điện tử điện lạnh, thiết bị y tế, xăng dầu, vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, do là địa bàn nông thôn nên hàng năm Đội tập trung vào 3 chuyên đề lớn là vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế và vật tư nông nghiệp. Nhờ vậy, đến nay, hàng giả, hàng kém chất lượng ở 3 lĩnh vực này rất khó luồn lách vào thị trường Thái Thụy. 

Theo số liệu từ năm 2014 đến nay, Đội đã phát hiện, xử lý 99 vụ vi phạm lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, 59 vụ vi phạm lĩnh vực y tế, 44 vụ vi phạm lĩnh vực vật tư nông nghiệp, tổng số tiền xử phạt trên 237 triệu đồng. Thông qua các chuyên đề kiểm tra, Đội đã hướng dẫn, tuyên truyền về những điểm mới trong quy định của pháp luật đối với mặt hàng đang kinh doanh cho cơ sở. Qua đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn trong quá trình kinh doanh cũng như tiếp thu ý kiến phản hồi của các hộ kinh doanh về những điều không phù hợp trong quy định của pháp luật để phản ánh, kiến nghị kịp thời với cấp trên.

Theo ông Hùng, kinh nghiệm để bắt được những vụ vi phạm ở địa bàn nông thôn là phải nắm chắc địa bàn, xây dựng nguồn tin cơ sở, đồng thời phải kết hợp với các doanh nghiệp, chủ sở hữu các mặt hàng và các cơ quan chức năng. Quan trọng hơn là phải thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho anh em trong Đội. Ngoài việc tham gia những lớp đào tạo do Chi cục tổ chức, việc tự học hỏi, nghiên cứu tài liệu và trao đổi kiến thức với nhau luôn được cán bộ, công chức trong Đội chú trọng. Trước mỗi chuyên đề, Đội thực hiện tìm kiếm, thu thập tài liệu, cập nhật những vấn đề mới liên quan đến chuyên đề, họp triển khai và xây dựng nhiều tình huống, đề ra hướng giải quyết, khi kết thúc chuyên đề tổ chức họp tổng kết, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền rất cần thiết, hàng tháng Đội đều có bài đăng tải trên Đài TTTH huyện để tuyên truyền, nhắc nhở cũng như nêu gương điển hình tiên tiến và phê phán những hành vi vi phạm. Qua công tác tuyên truyền đã làm cho đối tượng kinh doanh thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong kinh doanh, lợi ích của việc tuân thủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật để từ đó hưởng ứng thực hiện.

           Quốc Cường