Thứ 5, 25/04/2024, 17:53[GMT+7]

Thương hiệu Trà Lý: Trường tồn với thời gian

Thứ 2, 23/01/2017 | 10:10:31
526 lượt xem
Từ một nhà máy chỉ tiêu thụ hàng ở thị trường nội địa, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Đỗ Thị Đông, đến nay, Sợi Trà Lý đã có ba nhà máy hoạt động xuất khẩu ra thị trường quốc tế với công nghệ sản xuất hiện đại, chất lượng cao, tạo việc làm cho gần 800 lao động.

Bà Đỗ Thị Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý được khen thưởng do có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội.

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Đỗ Thị Đông là người không muốn nói nhiều về bản thân, không muốn khoe thành tích bởi theo bà, sự thành công của Trà Lý không phải do công sức một người mà là có sự chung lưng, góp sức, nỗ lực, đồng lòng, đoàn kết của cả một tập thể. Tuy nhiên không thể phủ nhận, người đứng đầu doanh nghiệp, đặc biệt đối với ngành sợi không phải ai cũng làm được như bà bởi lĩnh vực này cần người có kinh nghiệm, năng động, vốn đầu tư lớn… để tổ chức sản xuất khoa học, bảo đảm năng suất, sản lượng và chất lượng. Về nguyên liệu, Trà Lý phải nhập 100% nguyên liệu của nước ngoài, mỗi tháng bình quân có hơn 100 container nhập nguyên liệu và xuất sản phẩm, tương đương với hơn 1.000 tấn nguyên liệu, gần 1.000 tấn sản phẩm. Do đó việc nhập nguyên liệu và kho chứa nguyên liệu cũng là cả một vấn đề. Đặc biệt, bông là nguồn nguyên liệu nông sản theo mùa vụ nên buộc phải mua dự trữ, có thời điểm phải chứa tới 6.000 tấn nguyên liệu trong kho và có những lô hàng phải mất tới 3 tháng mới cập tới cảng Hải Phòng, vì thế nhu cầu về dự trữ nguồn hàng, chính sách về vốn để đáp ứng cho việc mua nguyên liệu dự trữ rất lớn.

 

Xác định những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh là không tránh khỏi, đôi khi phải chấp nhận mua nguyên liệu giá cao nhưng giá bán sản phẩm không thay đổi. Một thuận lợi của Trà Lý là có những nhà máy khấu hao nhanh nên phần vốn vay trung, dài hạn không nhiều, sức ép về trả nợ ngân hàng không bị nặng nề. Bà Đông chia sẻ: Tôi chỉ trăn trở có một nghề duy nhất là dệt sợi nên những kết quả đạt được, sự thành công như ngày hôm nay tôi rất hài lòng. Từ một cổ đông chiến lược sang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty vào năm 2009 trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tôi phải đảm nhận khoản lỗ lớn tới mức hết cả vốn điều lệ tưởng như không vực lên được. Hàng hóa làm ra không xuất khẩu được chỉ bó bện bám vào thị trường trong nước nên mua 100% nguyên liệu bằng ngoại tệ, bán hàng thu nội tệ là điều thử thách lớn đối với Công ty. Vì thế, trăn trở nhất lúc đó là làm sao Trà Lý phải xuất khẩu được, còn không cứ dùng nội tệ mua ngoại tệ thì cũng khó được ngân hàng chấp nhận cho vay bằng ngoại tệ. Thế nhưng, bước sang năm 2010 giá bông,  sợi tăng đột biến, thị trường rất nhiều khởi sắc nên khách nước ngoài đã tìm đến Trà Lý đặt hàng. Lúc này, Công ty không có nhiều hàng để bán nhưng có những tháng số lãi lên tới 6 tỷ đồng. Đó là may mắn nhất của bà Đông khi đảm nhận vị trí đứng đầu và bà đã vực lại Công ty. Nắm bắt cơ hội có một không hai, Trà Lý phát triển vươn lên và tiếp tục đầu tư nhà máy 2 vào năm 2013, đầu tư nhà máy 3 vào năm 2015. Cùng với đó là khắc phục những tồn tại trong doanh nghiệp như sắp xếp lại việc làm cho bộ phận quản lý và phải đặc biệt quan tâm tới người lao động. Bà Đông tâm sự: Khi bắt tay vào nhận chức vụ mới, đời sống của công nhân rất thấp nên mục tiêu hàng đầu là phải quan tâm tới người lao động, phải làm điều gì cho người lao động trước khi họ làm cho mình. Tất cả các chính sách chế độ cho người lao động đều thực hiện rất bài bản, không ngừng nâng cao thu nhập cho công nhân. Trà Lý xác định coi người lao động là tài sản quý nhất, bởi nếu có thị trường, nhà xưởng, có tài chính vững mạnh nhưng nếu không có người lao động thì sẽ không có sản phẩm. Vì thế, mặc dù liên tiếp các nhà máy ra đời song không bao giờ Trà Lý phải treo biển tuyển dụng lao động mà tự người lao động tìm đến công ty. Đối với cá nhân Tổng giám đốc Đỗ Thị Đông thì toàn bộ người lao động làm trong Công ty đều được bà coi là đồng nghiệp. Hàng năm, cứ dịp tết đến, người lao động đều được thưởng hai tháng lương và nhận quà tết như bia, nước ngọt, nước mắm, mì chính, bánh kẹo… Cũng chính sự quan tâm đó đã làm cho công nhân gắn bó với Trà Lý hơn. Năm 2017, Trà Lý sẽ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mục tiêu không phải để kinh doanh, mà tập trung để giải quyết chỗ ở cho người lao động trong Công ty.

 

 

Năm 2016, đánh dấu thành công lớn cho Trà Lý bởi đã đưa vào sản xuất thành công nhà máy sợi 3 với tổng vốn đầu tư 270 tỷ đồng, quy mô 2,7 vạn cọc sợi với 100% thiết bị nhập của châu Âu, góp phần đưa doanh thu của Công ty đạt 750 tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho gần 200 lao động. Có nhà máy số 3, thương hiệu của Trà Lý cũng được nâng lên bởi đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng vì có sự vận hành tốt của nhà máy 3, các nhà đầu tư sẽ được nhận cổ tức 20%, tăng hơn kế hoạch 4 - 5%, lương công nhân cũng tăng lên nhiều so cùng kỳ năm trước với thu nhập bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Nếu không có gì thay đổi đến năm 2018 Trà Lý sẽ có thêm một nhà máy sợi nữa ra đời.

 

Bà Đông khẳng định: Ngoài chiến lược trong sản xuất, kinh doanh thì tất cả những gì Trà Lý đã làm cho người lao động, hoặc tham gia các hoạt động từ thiện xã hội vẫn sẽ được phát huy. Đó là con đường của bà đã chọn dù sau này bất cứ ai kế nghiệp, Trà Lý vẫn sẽ phát huy truyền thống đó.

 

Quốc Cường

  • Từ khóa