Thứ 6, 19/04/2024, 01:10[GMT+7]

Sức vươn của một doanh nghiệp trẻ

Thứ 2, 13/03/2017 | 08:52:40
4,425 lượt xem
Mặc dù nhà máy sản xuất sợi OE của Công ty TNHH Thương mại Dệt may An Nam mới đi vào hoạt động song lại được đánh giá là một trong những đơn vị có sự phát triển bền vững nhất trong cụm công nghiệp Tây An (Tiền Hải).

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Thương mại Dệt may An Nam.

Ông Đỗ Văn Nam, Giám đốc Công ty cho biết: Xác định sản xuất sợi đòi hỏi đầu tư lớn trong khi đó nguồn nguyên liệu không ổn định nhưng năm 2016 Công ty vẫn quyết tâm đầu tư một nhà máy trên diện tích 13.000m2 với tổng số vốn 110 tỷ đồng. Bởi trước xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, ngành sợi được đánh giá tiềm năng nhất, có thị trường xuất khẩu rộng không phải lo nhiều về đầu ra sản phẩm. Hiện nay, Công ty đang xuất 70% nguồn hàng sang thị trường Trung Quốc, số còn lại bán cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thuận lợi nhất là huyện Tiền Hải đã tạo điều kiện cho thuê đất nhanh chóng nên chỉ trong thời gian ngắn Công ty đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị, sớm đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 95 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Chỉ trong 2 tháng hoạt động đầu tiên Công ty đã sản xuất ổn định với sản lượng 200 tấn sợi/tháng. 

Bước vào năm 2017, Công ty đã khởi động hết công suất, 100% công nhân làm 3 ca liên tục với 448 cọc sợi/máy, đạt 320 tấn sợi/tháng. 

Công nhân Hoàng Văn Lô cho rằng: Mặc dù Công ty mới đi vào hoạt động nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh đã rất nền nếp và ổn định. Với tôi, đây là Công ty đầu tư bài bản nhất trong cụm công nghiệp, có năng lực tốt, hàng hóa bảo đảm chất lượng, máy móc hiện đại, có khả năng còn phát triển mạnh hơn nữa.

Để sản xuất có hiệu quả, bảo đảm chất lượng nguồn sợi cung ứng cho thị trường nước ngoài, An Nam phải lựa chọn nguồn nguyên liệu tốt, chất lượng cao đồng thời xử lý sạch tạp chất trước khi dệt. Ngoài ra, Công ty còn nhập 100% thiết bị máy móc hiện đại theo công nghệ của châu Âu với số vốn hơn 70 tỷ đồng vừa bảo đảm chất lượng sợi vừa không mất nhiều chi phí về nguồn lao động. 

Dự tính năm 2017 Công ty sẽ đạt doanh thu khoảng 140 tỷ đồng, năm 2018 sẽ đầu tư thêm 4 máy dệt sợi góp phần đưa sản lượng tăng thêm 150 tấn/tháng.

Dự kiến năm 2017, Công ty TNHH Thương mại Dệt may An Nam đạt doanh thu 140 tỷ đồng.

Theo ông Nam không phải ai cũng dám đầu tư về ngành sợi bởi giá bông ngày càng cao và khó mua trong khi giá bán sợi lại không tăng. Nhưng do có nhiều năm làm thuê trong lĩnh vực kinh doanh bông sợi ở một công ty lớn nên ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Muốn xuất khẩu tốt thì phải tùy cơ ứng biến, tùy thuộc vào giá cả thị trường, khi giá cao thì xuất hàng còn lại chủ động bán cho các công ty, làng nghề dệt khăn, dệt vải ở trong và ngoài tỉnh. Hơn nữa, do 70% sản phẩm xuất trực tiếp sang nước ngoài nên Công ty rất thuận lợi trong công tác vay vốn. Ngoài ra, mặc dù mới hoạt động gần 5 tháng song các chế độ chăm lo cho người lao động đều thực hiện rất nghiêm túc, đúng luật. 

Công nhân Nguyễn Thị Tuyết, xã Đông Trà cho biết: Làm ở doanh nghiệp có quy mô như An Nam chắc chắn người lao động sẽ yên tâm hơn và được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ, có môi trường làm việc tốt hơn. Với mức lương khởi điểm 4,5 triệu đồng/tháng tôi rất hài lòng, ngoài ra còn được hưởng tiền xăng xe, chuyên cần. Đây là bước đánh dấu sự khởi đầu đầy may mắn cho công nhân.        

Ông Nam khẳng định: Nếu cụm công nghiệp Tây An tiếp tục được quy hoạch mở rộng diện tích, Công ty sẽ xây dựng thêm nhà xưởng để trở thành nhà máy dệt sợi cao cấp có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Tiền Hải.

Thu Thủy