Thứ 6, 29/03/2024, 16:27[GMT+7]

Công nghiệp về làng (Kỳ 1)

Thứ 3, 23/05/2017 | 09:00:25
1,898 lượt xem
Hiện nay, nhiều ngành nghề công nghiệp đã xuất hiện ở các làng quê, mở ra một trang mới với những người dân trước đây chỉ quen với ruộng đồng. Nhiều làng quê nhờ phát triển công nghiệp, nghề và làng nghề đã trở nên giàu có nhưng cũng không ít nơi phải đánh đổi bằng cả sức khỏe, tính mạng của người dân do bị tác động không nhỏ từ ô nhiễm môi trường.

Nghề dệt khăn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Kỳ 1: Đưa nghề về nông thôn

Nhắc đến Thái Bình, người ta nghĩ tới tỉnh nông nghiệp - quê hương của “chị Hai năm tấn”. Thế nhưng, đằng sau những hạt lúa của người nông dân, giờ đây Thái Bình đã có sự chuyển mình ở hầu khắp các làng quê bởi nhà nhà làm nghề, người người làm nghề. Hàng trăm nhà máy có quy mô lớn đã hiện hữu ở các vùng nông thôn, nhiều làng nghề bứt phá đi lên làm giàu cho xã hội. Vừa cấy lúa vừa làm nghề đã trở thành sự lựa chọn của hầu hết các cấp chính quyền và người dân. Điều này không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực mà còn đánh dấu sự thành công về chủ trương “ly nông không ly hương”.

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trước đây, nói đến công nghiệp ở Thái Bình người ta chỉ nhắc đến thành phố bởi có thời kỳ phát triển ồ ạt các doanh nghiệp may về địa bàn nhưng việc này đã không giải quyết được cho lao động tại chỗ, nhất là việc làm của người dân vùng nông thôn nên tỉnh đã có chủ trương đưa nghề may, những ngành sử dụng nhiều lao động về nông thôn nhằm giảm tải áp lực cho các vùng trung tâm đồng thời sử dụng được nguồn lao động tại chỗ. Thực hiện chủ trương này, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư về vùng nông thôn. 

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 140 doanh nghiệp dệt may về các vùng nông thôn, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Điển hình như Kiến Xương, toàn huyện hiện có 19 doanh nghiệp may tạo việc làm cho gần 7.000 lao động. 

Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái là một điển hình. Từ năm 2012 đến năm 2015, Công ty đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy tại cụm công nghiệp Thanh Tân, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động. 

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Việc đầu tư các nhà máy về nông thôn trước hết xuất phát từ chính nhu cầu của Công ty, do nhà máy trên thành phố hoạt động chật hẹp không thể mở rộng hơn được nhưng quan trọng hơn chính là thực hiện chủ trương chung tay xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng nghĩa với việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và cũng là để người dân “ly nông không ly hương”. Làm được điều này, Công ty đã góp phần giảm tải áp lực cho địa bàn thành phố, công nhân không phải đi làm xa, giảm nhu cầu nhà ở, giảm các tai tệ nạn xã hội, góp phần đưa Thanh Tân trở thành địa phương đứng đầu tỉnh về xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, năm 2001, khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về phát triển nghề, làng nghề đã dấy lên phong trào phát triển nghề ở các địa phương. Kết quả, từ 82 làng nghề năm 2000, đến nay toàn tỉnh đã có 247 làng nghề được công nhận, tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hưng Hà cho biết: Hưng Hà hiện có 53 làng nghề, 274 doanh nghiệp, trong đó có 99 doanh nghiệp dệt may, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2016 đạt 5.205 tỷ đồng, tăng 9,96%, trong đó giá trị sản xuất làng nghề đạt 1.586,9 tỷ đồng. Sự phát triển nghề và làng nghề đã tạo việc làm cho 22.326 lao động với thu nhập bình quân đạt từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Để nghề và làng nghề phát triển, năm 2012, Hưng Hà đã có chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển làng nghề. Cụ thể, hỗ trợ 20 triệu đồng/1 máy dệt khăn công nghiệp, 20 triệu đồng/1 máy dệt lưới công nghiệp với tổng số máy được hỗ trợ là 121 máy, tương đương với hơn 2,4 tỷ đồng. 

Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương (Hưng Hà) cho biết: Toàn xã có 11.264 nhân khẩu với trên 3.200 hộ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 6,88%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm. Mặc dù ở địa bàn nông thôn nhưng có tới 73 doanh nghiệp, 60 căn biệt thự, 70% nhà kiên cố, 30% nhà cấp bốn, không còn nhà ở dột nát. Kết quả đó là do Thái Phương đã duy trì và phát triển mạnh nghề dệt khăn. Riêng lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 75,93% cơ cấu kinh tế của xã, giá trị sản xuất công nghiệp làng nghề đạt trên 405,4 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng đạt 9,25%/năm. Đến nay, Thái Phương đã trở thành địa phương phát triển nghề nhất huyện Hưng Hà.

Ở một số làng nghề khác, các địa phương đều có nghị quyết riêng về phát triển nghề và làng nghề. Điển hình như nghề chạm bạc ở Kiến Xương, ngoài duy trì hoạt động theo các mô hình tổ, cơ sở sản xuất, đến nay còn có nhiều nghệ nhân lưu truyền giữ lửa cho làng nghề. 

Ông Phạm Quang Ngừng, Nghệ nhân ưu tú, Chủ nhiệm HTX Chạm bạc Phú Lợi cho biết: Nghề chạm bạc có cách đây gần 700 năm, mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhiều HTX giải thể không trụ vững được thì Phú Lợi vẫn ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 40 xã viên với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Để tồn tại được, HTX đã phải chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần, duy trì khách hàng truyền thống, đồng thời tìm kiếm khách hàng mới. Hầu hết các sản phẩm đều được HTX duy trì làm theo hình thức thủ công, sản xuất các mặt hàng tinh xảo khó có đơn vị nào làm được để xuất sang thị trường nước ngoài mỗi năm hàng chục nghìn sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn thường xuyên đào tạo nghề cho công nhân để kịp thời sản xuất các mặt hàng theo yêu cầu của khách hàng.


Ông Nguyễn Hữu Hoan, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Kiến Xương)

Nghề chạm bạc đóng vai trò rất quan trọng ở địa phương với 100% số thôn đều làm nghề, hoạt động ở 130 tổ nghề. Nhờ đó đời sống người dân không ngừng cải thiện, tốc độ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng 13%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt 50 tỷ đồng, chiếm 51% cơ cấu kinh tế. Mặc dù điều kiện thị trường khó khăn nhưng nghề chạm bạc vẫn duy trì phát triển tạo việc làm cho nhiều lao động. Chính vì thế đã góp phần đưa Hồng Thái về đích nông thôn mới từ năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.


Anh Vũ Quốc Trưởng, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương)

Trước đây đã có nhiều năm tôi phải bôn ba kiếm sống trong trong miền Nam với thu nhập 6 triệu đồng/tháng nhưng tôi lại không tiết kiệm được nhiều do còn chi phí về nhà trọ và sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa vợ con lại ở quê, mặc dù rất nhớ nhà nhưng mỗi năm chỉ thu xếp về được một lần. Do đó, năm 2015 tôi quyết định về quê xin vào Xí nghiệp May Đông Thắng làm việc để cuộc sống ổn định hơn, được ở gần nhà chăm sóc bố mẹ già và vợ con. Hiện nay tôi rất hài lòng với công việc của mình, bình quân mỗi ngày tôi là được trên 100 sản phẩm, thu nhập đạt trên 4 triệu đồng/tháng.


Chị Trần Thị Thanh, xã Phúc Khánh (Hưng Hà)

Ở Thái Phương có rất nhiều doanh nghiệp để chúng tôi lựa chọn vào làm việc. Sau khi học xong cấp 3 tôi đã đến xin vào Xí nghiệp Dệt may xuất khẩu Nam Thành để làm. Mặc dù là doanh nghiệp ở nông thôn song đơn vị đã rất chu đáo, quan tâm tới người lao động, nấu cơm cho công nhân ăn trưa tại xưởng, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Công việc hàng ngày của tôi cũng khá nhàn, ngồi nhặt khăn mỗi tháng cũng có thu nhập trên 4 triệu đồng. Số tiền này cộng với thu nhập của chồng giúp chúng tôi có cuộc sống tươm tất ở quê. Vì thế tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

(còn nữa)

Thu Thủy