Thứ 5, 25/04/2024, 17:45[GMT+7]

Tìm lời giải cho rác thải nông thôn (Kỳ cuối)

Thứ 2, 28/11/2016 | 09:28:46
2,244 lượt xem
Ô nhiễm môi trường ở nông thôn do rác thải đang ngày càng trở nên bức xúc. Mặc dù thời gian qua tỉnh và các huyện đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng vẫn có những địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc thu gom, xử lý rác thải nên hiệu quả chưa cao. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lâu dài để môi trường nông thôn không bị “bức tử” vì rác.

Phơi khô rác trước khi đốt góp phần giảm khói bụi.

Bất cập trong xử lý, thu gom rác thải

Một trong những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc, kiến nghị với đại biểu HÐND tỉnh trong các kỳ tiếp xúc chính là việc xử lý rác thải, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh đã tổ chức đợt giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 19 của HÐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020 ở một số địa phương, đơn vị. Bên cạnh những ý kiến đánh giá Nghị quyết số 19 của HÐND tỉnh, Quyết định số 15 của UBND tỉnh đã tạo nguồn lực lớn cho các xã làm tốt công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, góp phần xây dựng nông thôn mới, các đoàn giám sát cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến cho rằng cơ chế, chính sách đó đã nảy sinh không ít bất cập cần sớm được điều chỉnh, bổ sung, tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Một trong những bất cập nảy sinh từ quy định của các địa phương về tần suất thu gom, vận chuyển rác thải không thường xuyên, liên tục theo ngày mà trung bình 3 ngày/lần nên một số người dân thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi. Các gia đình chưa thực hiện phân loại rác thải tại nhà, rác chuyển ra khu xử lý tập trung đã bị phân hủy, gây khó cho việc phân loại, xử lý hiệu quả. Nhiều xã chưa chi trả tiền công tương xứng, chưa có phụ cấp độc hại cho những người làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải, chưa quan tâm chăm lo đời sống, sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động cho người lao động nên họ không mặn mà với công việc. Ông Trần Văn Công, thành viên tổ thu gom rác thải xã Tân Lập (Vũ Thư) chia sẻ: Rác thải của các gia đình “thượng vàng, hạ cám” đều dồn cho các thành viên của tổ. Công việc vất vả, làm trong môi trường độc hại nhưng nhiều nơi trả lương thấp, không có phụ cấp độc hại và bảo hiểm y tế nên công nhân hay bỏ việc giữa chừng, khó tìm người thay thế, công tác thu gom rác thải vì thế thường xuyên bị gián đoạn.

Quyết định số 15 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ cho mỗi xã xây dựng lò đốt rác 500 triệu đồng, các huyện cũng có hỗ trợ nhưng kinh phí không đáng kể nên nhiều xã không thể bố trí đủ nguồn kinh phí đối ứng đầu tư khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ lò đốt hoặc đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình theo quy định. Ông Nguyễn Ích Kiên, Chủ tịch UBND xã Ðô Lương (Ðông Hưng) cho biết: Nếu đầu tư xây dựng một khu xử lý rác thải tập trung theo đúng quy định vốn đầu tư thấp nhất cũng từ 2 - 3 tỷ đồng. Ở Ðô Lương, việc xử lý rác thải cũng rất nan giải, xã muốn đầu tư lò đốt rác nhưng không tìm được nguồn kinh phí đối ứng. Những xã đã đầu tư xây dựng được lò đốt rác nhưng quá trình vận hành cũng gặp không ít khó khăn bởi kinh phí tỉnh hỗ trợ xử lý rác 15.000 đồng/người lại căn cứ theo số liệu thống kê dân số của năm trước liền kề, không sát với dân số thực tế, do vậy có xã mỗi năm thiếu đến vài chục triệu đồng kinh phí xử lý rác. Ðiển hình như xã Thụy Phúc (Thái Thụy), dân số thực tế hơn 3.600 khẩu nhưng chỉ được cấp tiền theo thống kê là 2.900 khẩu dẫn đến việc hàng năm xã phải chi thêm khoảng 40 triệu đồng cho việc xử lý rác.

Theo ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt triển khai rất chậm, hiệu quả chưa cao. Những nơi đã có lò đốt lại chưa sử dụng hết công suất thiết kế, chưa xử lý triệt để khí, bụi, nước rỉ từ rác. Trung bình mỗi lò đốt rác chỉ vận hành 8 ngày/tháng, mỗi ngày vận hành khoảng 3 - 4 giờ là đốt hết rác, gây lãng phí trong đầu tư. Các lò đều không đạt yêu cầu theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, bãi rác tự phát, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường còn nhiều.

Tạo cơ chế đặc thù,khuyến khích xã hội hóa

Ðể khắc phục những bất cập, hạn chế trên, UBND tỉnh đã nhiều lần đưa việc xử lý rác thải sinh hoạt ra bàn thảo, tìm giải pháp giúp các địa phương giải quyết hữu hiệu “bài toán” này. Ðồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng chỉ đạo sẽ rút tiền hỗ trợ của các xã đã ký hợp đồng mà chậm triển khai xây dựng lò đốt rác; giao Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình, các ngành liên quan nghiên cứu nâng cấp lò đốt rác, giảm khí bụi và khí CO2. Nhưng đến nay, tiến độ vẫn ì ạch bởi nhiều xã không thể tìm ra nguồn kinh phí đối ứng. Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa công tác xử lý rác thải đang là hướng đi được nhiều địa phương thực hiện như Thụy Phúc (Thái Thụy), Bình Ðịnh (Kiến Xương), Ðông Quý, thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải), thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư)… Ông Ðào Xuân Hợp, Chủ tịch UBND xã Song Lãng (Vũ Thư) cho biết: Trước bức xúc về rác thải gây ô nhiễm môi trường, UBND xã đã tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh 500 triệu đồng, trích kinh phí của xã và huy động nhân dân đóng góp đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng khu xử lý, lắp đặt lò đốt rác đưa vào vận hành từ đầu năm 2015. Nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh, phần đóng góp của nhân dân thì xã không đủ kinh phí xây dựng khu xử lý và mua lò đốt rác. Hoặc một số xã ở Quỳnh Phụ, Ðông Hưng bằng cách hợp đồng với Công ty Cổ phần thương mại Thành Ðạt xử lý rác theo công nghệ không chôn lấp cũng mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên thỏa thuận với nhau để xây dựng lò đốt rác thải liên xã để việc xử lý rác đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí; tăng cường hợp tác đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải theo hình thức BT, BOT, đối tác công tư…

 

Công việc vất vả, độc hại nhưng do thu nhập chưa tương xứng nên công nhân vận hành lò đốt rác thải hay bỏ việc giữa chừng.

 

 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù sử dụng công nghệ tiên tiến đến mức nào mà người dân không có ý thức phân loại rác ngay tại gia đình, không để rác đúng nơi quy định để tạo thuận lợi cho người thu gom thì cũng khó xử lý triệt để rác thải. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường tới toàn thể nhân dân và doanh nghiệp; vận động, thuyết phục người dân phân loại rác ngay tại gia đình, tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải đã phân loại theo đúng quy định. Cùng với đó, ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường tập huấn, hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho những người làm công tác này. Các địa phương quan tâm mua bảo hiểm y tế, chi trả tiền công kịp thời, xứng đáng cho đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường. Ông Vũ Quý Nhật, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðông Hưng cho rằng nên tăng định mức thu phí vệ sinh môi trường theo phương châm: tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đến môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường. Ðây là một trong những cách xã hội hóa công tác xử lý môi trường hiệu quả.

Ðể ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội bền vững với công tác bảo vệ môi trường. Rác thải sinh hoạt phải được phân loại, thu gom tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến. Nhưng trước hết, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời có chủ trương khuyến khích xã hội hóa, có cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực đầu tư cho việc thu gom, xử lý rác thải.

 

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

 

Công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; giữa cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo vệ môi trường lạc hậu với khối lượng chất thải ngày càng tăng; giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn vốn cho bảo vệ môi trường với khả năng có hạn của ngân sách. Do đó, tỉnh cần thực hiện tốt xã hội hóa lĩnh vực bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động thu gom, xử lý rác thải; khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm khắc.

 

Bà Trần Thị Miến, tổ thu gom rác thải xã Nam Cao, huyện Kiến Xương

 

Xã đã quy định thời gian và địa điểm tập kết rác thải nhưng một số người dân vẫn không chấp hành nên việc thu gom rác gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, thu nhập của những người làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải lại chưa tương xứng với sự vất vả, độc hại của công việc. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, đồng thời nâng mức chi trả cho những người làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải bảo đảm tương xứng với công lao động họ đã bỏ ra.


 

Minh Nguyệt – Thu Hiền

  • Từ khóa