Thứ 7, 20/04/2024, 10:03[GMT+7]

Giọt sữa nặng tình “Trung Nghĩa Nữ”

Thứ 2, 19/09/2016 | 14:24:17
3,521 lượt xem
Tương truyền, trên đường chạy loạn Nghi Dân từ kinh thành Thăng Long về Ðô Kỳ, đến Cầu Tray, nơi giáp ranh giữa làng Chép, xã Gia Lạp, huyện Diên Hà và làng Sâm, xã Mậu Lâm, huyện Thần Khê (nay là địa phận xã Chi Lăng, xã Tây Ðô và xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà) thì hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao chuyển dạ. Không thể đi tiếp được nữa, trong lúc nỗi lo quân triều đình đuổi theo truy sát mà hoàng hậu chuyển dạ đã lâu vẫn không sinh được. Tình thế nguy nan, bà liền thắp hương cầu trời khấn Phật.

Đền Vú Sữa có cây quéo cổ thụ, tương truyền có từ khi ngôi đền được xây, cách ngày nay hơn 500 năm.

 

Sách Ðại Việt sử ký toàn thư trang 239 chép về sự kiện hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh hoàng tử Lê Tư Thành như sau: “Vua (Lê Thánh Tông) sinh ra tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh”. Sau khi “vượt cạn”, hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao cùng các quan đại thần thân tín vui mừng khôn xiết. Ứng cảnh, bà đặt tên con là Tư Thành. Lúc ấy, bà vú làng Sâm tương truyền có tên là Hoàng Thị Yến (hay Hiến) đang nuôi con thơ, cũng có nguồn sử liệu lại chép bà là người đỡ đẻ tiếng tăm nhất vùng, lại giỏi nghề thuốc đã được vời đến đỡ đẻ cho hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao đồng thời cho hoàng tử Lê Tư Thành bú ngay sau khi chào đời.

 

Theo các nguồn khảo luận, bà vú người làng Sâm là bà vú đầu tiên cho hoàng tử Lê Tư Thành bú sữa. Tương truyền, bà vú làng Sâm có đôi vú thơm tho kỳ lạ từ khi sắp bước vào độ tuổi “trăng tròn”. Thuở ấy, cha mẹ, bạn bè và người dân làng Sâm hễ ai bắt gặp thôn nữ Hoàng Thị Yến đi qua hoặc đứng gần bên đều ngửi thấy hương thơm kỳ lạ tỏa ra từ cơ thể của cô. Rồi câu chuyện về “đôi gò bồng đảo” của cô thôn nữ Hoàng Thị Yến được các bà, các cô gái, thậm chí cả đám trai làng Sâm bạo dạn đã từng ở gần hoặc có cơ hội gặp gỡ nhiều thêm lời bốc thơm, cường điệu. Chuyện năm, miệng mười đồn thổi càng làm cho nhiều nam nhi trong làng ngoài tổng khao khát, có cả những phú ông cũng muốn ngỏ lời. Thiên hạ thời ấy còn bịa chuyện rằng có người đã nhìn thấy cô Yến tắm ao giữa đêm khuya trăng sáng, hương thơm ở đôi ngực nở tròn trắng ngần tỏa lan lên ngọn cây khiến lũ bướm đêm cũng nhầm tưởng hương hoa vội từ trên cây bay xuống lượn quanh cô, mê mẩn. Cá dưới ao bơi quanh tấm thân ngọc ngà như say mơ hương thừa từ nước dội lên ngực cô Yến rơi xuống, hương thơm làm cho đàn cá ngẩn ngơ, cứ bám riết lấy người đang tắm.

 

Khi hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao trở dạ sắp sinh ở Cầu Tray, được người dân mách bảo, quần thần hộ tống đã sai người đi tìm bà Hoàng Thị Yến. Lúc này, bà Yến đang nuôi con thơ, những giọt sữa thơm hương lúa của bà đã giúp hoàng tử Lê Tư Thành no nê sau khi cất tiếng khóc chào đời. Lúc này, Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh biết chuyện hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao bỏ trốn đã sai quân lính truy tìm ráo riết. Ðể giữ bí mật và bảo vệ hai mẹ con hoàng tử Lê Tư Thành, Ðinh Liệt liền đưa hai mẹ con về làng Y Ðún để thân tộc họ Ðinh nuôi giấu. Ở đây, dòng họ Ðinh của khai quốc công thần Ðinh Liệt tìm cách chở che và cử hai bà vú họ Ðinh tiếp tục chăm sóc hoàng tử. Dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện về bà vú nuôi làng Sâm. Thời đó, làng Sâm là một rừng nguyên sinh giữa đồng bằng phì nhiêu. Cái tên Sâm, Mậu Lâm nghĩa là sâm trong rừng tốt tươi, ý là nơi đây đất đai trù phú, cây cối tươi tốt, có nhiều cây thuốc, vị thuốc quý, trong đó có rất nhiều sâm. Bà Yến (Hiến) hàng ngày vào rừng tìm vị thuốc, lá thuốc quý giúp người. Trong một lần đi tìm vị thuốc quý giúp nhi nữ hiếm sữa, bà gặp mưa giông gió giật cảm lạnh mà chết. Có người phát hiện bà chết đã về báo cho dân làng. Khi dân làng đến nơi, mối đã đùn lên thành mộ.

 

Ngược dòng thời gian vào năm 1428, khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Triều đình luận công khen thưởng Ðinh Liệt là một trong những đệ nhất công thần khai quốc. Sau đó ông được giữ chức thái phó, giúp vua Lê Thái Tông trị quốc. Bấy giờ, vua Lê Thái Tông còn rất trẻ trong lúc triều đình lục đục, bè phái, Ðinh Liệt đã gắng công cùng các quan đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí và những trung thần khác một lòng trung quân. Vua Lê Thái Tông có nhiều cung tần mỹ nữ nhưng lại sủng ái Nguyễn Thị Lộ (vợ ba quan thừa chỉ Nguyễn Trãi, hơn vua đến… 20 tuổi) và chính vua đã phong chức Lễ nghi học sĩ cho Nguyễn Thị Lộ. Sau sự kiện vua Lê Thái Tông đột tử ở Vườn Vải (Lệ Chi Viên), vốn là quan đại thần thân thiết với vợ chồng quan thừa chỉ Nguyễn Trãi, Ðinh Liệt bị Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh ra lệnh bắt giam. Nhưng Ðinh Liệt đã lường trước sự việc nên cho con cháu họ Ðinh ở Ðô Kỳ chuẩn bị lực lượng đề phòng tình huống Nguyễn Thị Anh tìm cách hãm hại. Cùng lúc ấy, Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh đem lòng ghen ghét bà Ngô Thị Ngọc Dao, chỉ muốn duy nhất con trai mình là Lê Nhân Tông làm hoàng thái tử, kế vị ngôi báu nên tìm cách ám hại bà. Nhờ có sự che chở, bảo vệ của các trung thần, trong đó chủ chốt là Ðinh Liệt nên Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh chưa hãm hại được, đành phải cách chức tiệp dư của Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh biết bà Ngô Thị Ngọc Dao đang mang trong mình giọt máu của Lê Thái Tông nên đã tìm cách ép bà ra ở chùa Huy Văn (Văn Chương, Ðống Ða, Hà Nội nay) chờ sau khi sinh nở sẽ định liệu. Trước chuyện đó, Ðinh Liệt cùng Nguyễn Xí đã ngầm đưa bà Ngô Thị Ngọc Dao chạy về lánh nạn ở Y Ðún.

 

Năm 1460, nạn Nghi Dân chấm dứt, Lê Thánh Tông lên ngôi vua, phong cho ông ngoại (Ngô Từ) là Duyên Ý đại vương, mẹ Ngô Thị Ngọc Dao là hoàng thái hậu, minh oan cho Nguyễn Trãi và vời con cháu Nguyễn Trãi ra làm quan. Khi Lê Thánh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam, hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao về thăm mẹ là Ðinh Thị Ngọc Kế ở Sáo Ðền (Song An, Vũ Thư nay), thăm viếng mồ mả tổ tiên bên ngoại và thăm mộ các bà vú ở làng Y Ðún, Mậu Lâm. Thực hiện ý chỉ của hoàng thái hậu, vua Lê Thánh Tông đã chuẩn y cho dân làng Sâm lập đền thờ bà vú, đèn nhang phụng sự và cấp cho 17 mẫu ruộng hoàn nguyên để lấy lộc cúng tế bà vú hàng năm. Người dân Mậu Lâm quen gọi là đền Vú Sữa. Ðền Vú Sữa có cây quéo (dân gian gọi là cây muỗm) và cây đa cổ thụ ước chừng tuổi đời hơn 500 năm. Tương truyền, hai cây này tự mọc ngay sau khi vua Lê Thánh Tông cho xây dựng đền thờ bà vú. Trong đền có bức đại tự ghi: “Trung Nghĩa Nữ”. Các triều vua đời sau đều có sắc phong bà vú là “Thanh Cung Trinh Kỳ Hộ Quốc”. Trong đền, hai bên ban thờ mẫu có các đôi câu đối: “Nhũ mẫu linh đơn phù nhi nữ/Danh thơm mậu địa cổ kim lai” và “Trinh thục mẫu nghi lưu bất hủ/Nữ trung đoan chính thế vô cương”.

 

Ghi nhớ công ơn bà vú đã dành những giọt sữa thơm nuôi hoàng tử Lê Tư Thành đầu đời, triều đình nhà hậu Lê đã ban tặng đôi câu đối:

 

“Hiển hách Lê triều thiên hạ mẫu

Cung linh việt địa nữ trung tiên”.

 

 

Ông Hoàng Văn Ðốc, Trưởng thôn Mậu Lâm, xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà

 

Ðền Vú Sữa có từ hơn 500 năm trước ở làng Sâm. Thời gian phong hóa, đền đã nhiều lần được trùng tu. Cây quéo và cây đa cổ thụ vẫn xanh tốt với thời gian. Người dân làng Mậu Lâm coi đền Vú Sữa vừa là biểu tượng tinh thần vừa mang yếu tố tâm linh, thể hiện giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trường tồn với thời gian. Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận đền Vú Sữa là di tích lịch sử văn hóa, hai cây đại thụ là cây di sản, đồng thời quy hoạch mở rộng không gian ngôi đền đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trong và ngoài thôn.

 

Ông Nguyễn Ngọc Diệm, thủ nhang đền Vú Sữa, thôn Mậu Lâm, xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà

 

Tôi làm thủ nhang trông coi đền Vú Sữa 20 năm nay. Ngoài thắng cảnh đẹp với hai cây đại thụ tuổi đời hơn 500 năm, ngôi đền linh thiêng bởi tục truyền xin phù dấu của bà vú cho những sản phụ mất sữa, vì thế, hàng năm, ngoài lễ hội chính vào các ngày từ 10 - 14 tháng 2 âm lịch, những ngày thường vẫn có khách thập phương về đây làm lễ xin sữa, tất cả đều rất hiệu nghiệm.

 

Bà Ðinh Thị Lương, người dân thôn Mậu Lâm, xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà

 

Các cụ bảo già thì vui chùa, tôi nay 72 tuổi thường xuyên đến thắp hương vãn cảnh đền. Thôn Mậu Lâm chúng tôi tự hào có đền Vú Sữa tối linh, ghi nhớ công lao của bà vú cho hoàng tử Lê Tư Thành bú sữa, giọt sữa thơm của bà đã hun đúc lên vị vua anh minh của dân tộc.

 

Quang Viện

  • Từ khóa

NguyenDangKhanh - 4 năm trước

Hom nay moi biet tich xua, chuyen cu, yeu quy Vua, yeu Quys nhung Vi tien boi da het long bao ve Vua, bao ve nguoi ngay. Yeu quy thay Ba Vus Sua da dang tang cho Vua nhung giot sua dau doi. Uoc sao co dip den Vieng Den, le lay Duc Ba Vu Sua. Yeu quy thay...

Tải thêm