Thứ 4, 24/04/2024, 05:15[GMT+7]

Gặp cô chủ nhiệm ngày ấy

Thứ 3, 11/10/2016 | 08:31:22
1,097 lượt xem
Về thôn Ký Con, xã Đông Xuân (Đông Hưng) vào một chiều tháng 9, chúng tôi có dịp gặp bà Đặng Thị Mùi, chủ nhiệm HTX từng 5 lần được nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Đã 50 năm trôi qua nhưng ký ức về phong trào “Ba đảm đang” với những cô gái áo nâu, nón lá, vai khoác súng, chân lội bùn, tay thoăn thoắt cấy mạ non vẫn in đậm trong trí nhớ của những người bà, người mẹ nơi đây.

Bà Mùi nghe cháu đọc bài thơ “Cô chủ nhiệm làng Kênh” do một người bạn đề tặng.

Bất ngờ vì có người đến thăm, lại hỏi chuyện làng Kênh những năm chống Mỹ, bà Mũi có chút bối rối. Dặn đứa cháu trai 10 tuổi lên phòng lấy bài thơ cũ của một người bạn đề tặng bà đã lâu, bà nắm chặt tay tôi cười bảo: Sao biết cô Mùi chủ nhiệm mà đến đây? Thế rồi, bà kể cho tôi nghe câu chuyện về quá khứ hào hùng của bà và những người dân nơi đây.

Hòa bình lập lại chưa lâu, cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc với âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trong không khí sôi nổi cả nước cùng đánh Mỹ, hưởng ứng phong trào "Ba đảm nhiệm" (sau đổi thành "Ba đảm đang") do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, cô thanh niên Đặng Thị Mùi ngày ấy vừa là Chủ nhiệm HTX Ký Con vừa là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Hưng đã cùng chị em "chắc tay súng, vững tay cày", ra sức thi đua lao động sản xuất, bảo vệ quê hương.

Trưởng thành từ phong trào đoàn nên trong mọi phong trào cô Mùi là người rất năng nổ, nhiệt tình. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hưởng ứng phong trào của Trung ương Hội, nêu cao khẩu hiệu "tay cày, tay súng", cô vận động chị em tham gia vào lực lượng dân quân, lập ra đội "nữ dân quân con mọn"; phối hợp với du kích xã mở các lớp huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật quân sự, tập múa kiếm, bắn súng, tổ chức diễn tập chiến đấu, cứu thương và phòng không sơ tán, tạo tâm thế chủ động, sẵn sàng chiến đấu cho chị em. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của thế hệ cùng trang lứa, cô thường xuyên tâm sự, khuyến khích thanh niên trong thôn: nữ thì tham gia dân công hỏa tuyến, nam thì lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam. Vào mỗi đợt tuyển quân, cô đến từng nhà để trò chuyện với các mẹ, các chị có con, chồng sắp tòng quân để làm công tác tư tưởng. Vì "đồng cảnh tương giao", cùng có chồng đi lính nên chị em dễ đồng cảm, tắt lửa tối đèn đều có nhau.

Ngừng lại một lát, như nhớ ra điều gì, ánh mắt bà bỗng sáng hẳn lên. Bà vui vẻ kể cho tôi nghe về một lần trung đội dừng chân đóng quân nơi đình làng Kênh. Các mẹ, các chị nghe thấy có bộ đội qua làng thì mừng và quý lắm. Nhớ chồng, nhớ con bao nhiêu thì các mẹ, các chị lại hết lòng với bộ đội qua làng bấy nhiêu. Nước nôi, cơm nắm xong xuôi, mọi người cùng nhau hát vang những bài ca chiến thắng, rồi hai bên ngồi nói chuyện bên đống lửa hồng. Các anh thì động viên "đội quân tóc dài" ở nhà cố gắng sản xuất giỏi, các chị em dặn dò chiến sĩ đi đường bình an. Sáng hôm sau, trung đội hành quân mà những cô gái làng Kênh vẫn còn bịn rịn mãi.

Khi tôi hỏi về HTX Ký Con, bà trầm ngâm: Thời kỳ ấy, thanh niên khỏe mạnh trong làng đều lên đường nhập ngũ, nên mọi công việc ở nhà đặt cả lên vai những người đàn bà tảo tần. Chồng đi B, trong nhà vắng bóng người đàn ông trụ cột, một mình cô sắm cả hai vai, vừa chu toàn việc nhà, chăm sóc con cái, vừa lo việc HTX. Thay nam giới làm chủ đồng ruộng, cô cổ vũ các chị em thi đua lao động sản xuất. Ngày đó, làm nông nghiệp hiệu quả rất thấp, chị em vất vả quanh năm đến khi thu hoạch chỉ được 45kg thóc/sào. Trong một lần đi tham dự hội nghị tại Ninh Bình, cô thấy người ta cấy được 2,3 tạ/sào. Vậy tại sao mình lại không làm được? Câu hỏi ấy khiến cô trăn trở nhiều đêm, rồi tự mày mò, học hỏi. Được cấp trên cử đi học lớp khoa học kỹ thuật mới, cô mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương, thực hiện đổi giống cũ lấy giống mới: vụ mùa cấy giống mộc tuyền, vụ chiêm cấy nông nghiệp tám. Để chị em tin tưởng làm theo, cô chủ động đăng ký ngày công, nhận thêm giờ, làm thêm việc, nhận việc khó, học chở thuyền, đào mai, tự ủ bèo hoa dâu làm phân, đưa kỹ thuật cấy chăng dây thẳng hàng về HTX. Thời kỳ đó, cả xã chỉ có một cái máy bơm, không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, nên ban ngày đi họp, tối đến cô lại cùng chị em ra đồng kéo guồng tát nước; đào mương máng, làm bờ vùng, bờ thửa để bảo đảm canh tiêu; nhiều đêm thức trắng luôn ngoài đồng… Không phụ công người, nhờ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác mới và lòng nhiệt huyết của cô chủ nhiệm trẻ, vụ đó HTX "trúng lớn", lượng thóc thu được bằng hai. Khắp nơi trên cánh đồng, không khí trở nên khẩn trương và cấp tập hơn bao giờ hết. Đàn bà, con gái từng tốp quẩy những gánh lúa nặng trĩu trên vai, quên cả mệt mỏi. Người tay liềm, người tay hái, trên đồng vang tiếng hát, rộn tiếng cười. Phong trào lên cao, năng suất vụ sau cao hơn vụ trước, hợp tác của cô chi viện được 7 - 8 tấn thóc/năm cho tiền tuyến. Cánh đồng 5 tấn nhanh chóng phát triển thành cánh đồng 10 tấn. Từ chỗ chưa có chuồng trại tập thể, cô lại cố gắng vận động chị em cùng làm. Nhờ có cô chủ nhiệm giỏi, hiệu quả sản xuất tăng cao, HTX Ký Con nhanh chóng trở thành một trong những lá cờ đầu của phong trào "Ba đảm đang" của huyện, làm điểm cho các HTX khác học tập, noi theo.

Vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cô chủ nhiệm Đặng Thị Mùi đã vinh dự 5 lần được nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", trở thành một trong những người phụ nữ sản xuất giỏi đầu tiên được nêu gương trên Báo Thái Bình thời kỳ đó. Ở cái tuổi ngoài 70, nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, bà vẫn tiếp tục miệt mài với công tác xã hội. Hiện bà đang là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Xuân.

Hơn 50 năm trôi qua, câu chuyện về cô chủ nhiệm HTX Ký Con vẫn sống mãi trong lòng nhiều người thuộc lớp thanh niên thời ấy, trở thành minh chứng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", để thế hệ sau khi nhắc lại đều trân trọng, tự hào như lời khẳng định của ông Vũ Hải Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân.

Thùy Dung

  • Từ khóa