Thứ 6, 29/03/2024, 17:44[GMT+7]

Khắc khoải những khoảnh khắc còn vương khói bom

Thứ 2, 21/11/2016 | 08:12:55
4,273 lượt xem
Theo tổng kết của một số học giả nước ngoài, đến cuối năm 1967, đế quốc Mỹ đã ném xuống miền Bắc Việt Nam (trong đó có Thái Bình) khoảng 1.630.000 tấn bom các loại. Họ đã phải thốt lên: “Cái thác bom dội xuống Việt Nam đạt tới mức cứ mỗi dặm vuông hứng chịu tới 12 tấn ở cả miền Bắc và miền Nam và khoảng 100 pound (50kg) chia cho mỗi đầu người dân Việt Nam (tính cả đàn bà và trẻ con) mà rất nhiều người trong số họ cân nặng không tới trọng lượng đó…”. Trong những ngày tháng cam

Nét xưa làng Phương Man.

 

Trước khi đi xa, nhà báo Hữu Tháp, nguyên Trưởng phòng Văn xã Báo Thái Bình còn kịp kể cho tôi nghe kỷ niệm khó quên về những bức ảnh chiến tranh được đăng trên Báo Thái Bình tiến lên, sau đó trở thành tài liệu tố cáo tội ác của giặc Mỹ với thế giới, được Bác Hồ đọc báo và gửi thư khen. Người còn đặt tên cho một cháu bé ở Nam Trung (Tiền Hải) là nạn nhân trực tiếp của thác bom man rợ mà đế quốc Mỹ đã dội xuống Thái Bình.

 

Chuyện kể rằng, trong một trận bom Mỹ thả xuống một thôn của Nam Trung, lửa cháy, khói bom khét lẹt, xóm làng tan hoang, mọi người lao vào đống đổ nát tìm cứu người bị thương. Họ phát hiện một thi thể phụ nữ bị mảnh bom phạt ngang người, cạnh đó là một hài nhi đỏ hỏn, thoi thóp. Một cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã chụp bức ảnh gửi về Báo Thái Bình tiến lên với lời chú thích: “Trong khói bom mù mịt, nhân dân đến cứu chữa thấy một phụ nữ bị mảnh bom xiên vào bụng và chết ngay. Ở bên cạnh người phụ nữ có một hài nhi đang khóc. Mọi người vội đưa nhanh cháu bé vào bệnh viện. Cháu bé này chính là con của người đàn bà ấy, sắp đến ngày sinh thì bị bom Mỹ sát hại, đứa bé từ trong bụng mẹ bật ra”. Ban Biên tập Báo Thái Bình tiến lên cho đăng ngay bức ảnh và những dòng chú thích đi kèm. Báo phát hành được mấy ngày thì Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh nhận được điện của Văn phòng Chủ tịch nước gọi về cho biết phải tìm mọi cách đưa ngay cháu bé lên cơ quan tuyên truyền chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Cháu bé được đưa về Hà Nội, người chăm sóc cháu từ khi cháu bật ra khỏi bụng mẹ là nữ y sĩ tên Sợi. Bác Hồ đọc tin và ảnh trên Báo Thái Bình tiến lên liền đặt tên cháu là Nguyễn Chiến Thắng. Bác thưởng cho nữ y sĩ chăm sóc cháu 12 vuông vải lụa, đồng thời chỉ thị cho chính quyền địa phương phải có chế độ nuôi dưỡng và chăm sóc cháu đến khi trưởng thành.

 

Thời điểm ấy giặc Mỹ lại ném bom ác liệt ở các trọng điểm cầu Bo, Ðống Năm, đê Trà Lý, cống Trà Linh cùng hàng chục nơi khác. Phóng viên Báo Thái Bình tiến lên phải thay nhau đến nơi nguy hiểm viết tin, bài, chụp ảnh, kịp thời tố cáo tội ác của giặc Mỹ và hướng dẫn kinh nghiệm đánh giặc, tránh giặc. Trong nhiều kỷ niệm làm báo thời chiến, nhà báo Hữu Tháp vẫn khắc khoải với tấm ảnh do phóng viên Báo Thái Bình tiến lên chụp cảnh máy bay Mỹ bổ nhào ném hàng chục quả bom xuống Trường phổ thông cấp II xã Thụy Dân sát hại một cô giáo và nhiều học sinh đang trong giờ học và đặc biệt nhớ về trận ném bom của giặc Mỹ xuống làng Phương Man (xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy) làm 31 người chết, 33 người bị thương lúc 5 giờ 15 phút ngày 21/12/1965. Trận bom vừa dứt, phóng viên ảnh Minh Lập lấy xe máy chở nhà báo Bút Ngữ, Phó Tổng biên tập xuống Phương Man ngay. Cả ngôi làng trù phú tan nát, cây cối đổ gãy ngả nghiêng, nhà sập xen nhà cháy. Người bị thương đã được đưa tới bệnh viện. Nhiều thi thể bị bom Mỹ quăng xuống ao đã được nhân dân vớt lên. Phóng viên ảnh Minh Lập chụp liên tục hết cả mấy cuộn phim, mà thời chiến tranh phim ảnh khó mua lắm. Còn bài viết được nhà báo Bút Ngữ thực hiện ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu che giấy ba mặt. Phóng viên Minh Lập tráng phim, rửa ảnh ngay tại tòa soạn, những tấm phim âm bản in ra ảnh đen trắng tái hiện toàn bộ vụ thảm sát dã man người dân vô tội, trong đó phần đông là phụ nữ, trẻ em, người già. Nhưng để in ảnh trên báo lại phải đem về Hà Nội để làm bản kẽm. Thời chiến tranh bom rơi đạn lạc, đi lên Hà Nội là việc khó và đầy nguy hiểm bởi bấy giờ chỉ có hai con đường tới Hà Nội là qua phà Tân Ðệ và qua phà Triều Dương thì cả hai đều là trọng điểm ném bom của giặc Mỹ. Trực tiếp phóng viên ảnh Minh Lập đi xe máy về Hà Nội làm bản kẽm và mang về tòa soạn in gấp. Bức ảnh mô tả những ngôi nhà gỗ cháy trụi đăng trên Báo Thái Bình Tiến lên ngày 29/12/1965 với chú thích: “Ðế quốc Mỹ xoen xoét cái mồm rằng chúng chỉ cho máy bay bắn phá những mục tiêu bê tông cốt thép. Nhưng ở đây, những ngôi nhà gỗ xoan của người dân Phương Man với bài vị, giá gương thờ tổ đã trở thành mục tiêu ném bom của chúng. Rõ ràng những tên quỷ Mỹ nói trắng là đen, miệng nói lời đường mật tay cầm dao giết người”. Một bức ảnh khác có chú thích: “Các cô, các chú dân quân ơi! Hãy trút căm thù lên nòng súng! Hãy nhằm thẳng máy bay giặc Mỹ mà bắn! Hãy hạ những chiếc máy bay đã đem bom đi giết các cháu! Bắt sống những tên phi công Mỹ man rợ đã giết những trẻ em đang ngủ và người lớn sắp dậy nhóm bếp thổi cơm! Ðánh mạnh, đánh trúng, đánh thắng địch để trả thù cho các cháu! Ðó là lời của các em bé  Phương Man chết vì bom Mỹ nói với chúng ta”. Ngay sau khi giặc Mỹ ném bom xuống Phương Man, Ủy ban Trung ương tố cáo tội ác giặc Mỹ điện về cho tỉnh: “Cử người nắm được tình hình trận bom Phương Man lên báo cáo”. Nhà báo Bút Ngữ được tỉnh cử đi Hà Nội báo cáo. Ðồng chí Thường trực Ủy ban Trung ương tố cáo tội ác giặc Mỹ mở tờ Báo Thái Bình tiến lên chăm chú xem ảnh và những dòng chú thích đầy căm hờn về trận bom giặc Mỹ tàn sát làng Phương Man của phóng viên ảnh Minh Lập, đọc ngay một mạch bài viết “Căm thù giặc Mỹ ném bom tàn phá thôn Phương Man” rồi ngẩng lên hỏi nhà báo Bút Ngữ: “Anh có còn gì để nói thêm ngoài tờ báo này?”. Nhà báo Bút Ngữ lắc đầu. Ðồng chí Thường trực tỏ vẻ rất hài lòng: “Tờ báo phản ánh khá kỹ. Chúng tôi sẽ dùng làm tư liệu để tố cáo vụ ném bom đêm vào vùng dân cư này”.

 

Nửa thế kỷ đã đi qua, đau thương chỉ còn trong dĩ vãng nhưng niềm khắc khoải về những bức ảnh thời chiến còn vương khói bom ghi lại khoảnh khắc khốc liệt đăng trên Báo Thái Bình tiến lên vẫn còn mãi, có giá trị như một bảo tàng chiến tranh mà các thế hệ hôm nay mỗi khi lần giở lại lại thấy yêu quê hương, đất nước thanh bình gấp bội phần.

 

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Pháo

 

Kỷ niệm không quên trong cuộc đời cầm máy ảnh của tôi là vào năm 1965 - 1967, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chúng ném bom xuống thị xã Thái Bình và các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, tôi đi theo các đơn vị bộ đội phòng không bắn máy bay Mỹ, trong một trận chiến với giặc trời quân ta bắn cháy máy bay của địch, tôi đã chụp được cảnh máy bay Mỹ bị bắn cháy, sau đó gửi và được đăng trên Báo Thái Bình Tiến lên.

 

Bà Nguyễn Thị Dịch, 83 tuổi, nguyên cán bộ phụ nữ làng Phương Man, nguyên xã đội trưởng xã Thụy Dũng, nhân chứng vụ máy bay Mỹ ném bom làng Phương Man

 

Trận bom Mỹ tàn sát người dân vô tội làng Phương Man vào lúc sáng sớm khi các cháu nhỏ vẫn còn ngái ngủ, khói bom nghi ngút, tôi cùng những người sống sót lao vào cứu chữa người bị sập hầm, người bị thương, tôi thấy có phóng viên Báo Thái Bình tiến lên về chụp ảnh, mấy ngày sau thấy có tin và ảnh về vụ giặc Mỹ ném bom làng Phương Man đăng trên Báo Thái Bình tiến lên. Báo đã tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi chiến đấu với giặc trời và động viên con em lên đường tòng quân chiến đấu giải phóng miền Nam. Hơn 50 năm đã trôi qua, những bức ảnh bom Mỹ tàn sát làng Phương Man đăng trên Báo Thái Bình tiến lên vẫn in đậm trong tâm trí tôi như một chứng tích tố cáo tội ác chiến tranh. 83 niên trên cõi hồng trần, với Báo Thái Bình tôi mãn nguyện, còn một ước nguyện cuối đời mong cảnh quan, khuôn viên bia tưởng niệm những người dân vô tội làng Phương Man được tôn tạo và mở rộng hơn để cháu con trong làng luôn nhớ về một thuở thương đau mà cố công xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

 

Ông Vũ Tam Luân, Bí thư Ðảng ủy xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy

 

Ðảng bộ xã Thụy Dũng có 7 chi bộ với 181 đảng viên. Ðảng bộ đặt mua Báo Thái Bình và duy trì đọc báo thường xuyên, nhiều tin, bài, ảnh của Báo có tác động rất tích cực đến phong trào của địa phương, điển hình như loạt bài “Xây dựng nông thôn mới - cách làm riêng của Thái Bình”. Những bức ảnh lịch sử về trận giặc Mỹ ném bom xuống làng Phương Man tàn sát thường dân vô tội đăng trên Báo Thái Bình tiến lên năm 1965 như một bảo tàng về chiến tranh, có sức lay động lòng người và bạn bè quốc tế. Hiện tại, bia tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom đã xuống cấp, khuôn viên đặt bia bị co hẹp, địa phương mong muốn cấp trên giúp đỡ tôn tạo và mở rộng khuôn viên bia tưởng niệm cho xứng tầm với ý nghĩa lịch sử.

 

Quang Viện

  • Từ khóa