Thứ 7, 20/04/2024, 11:05[GMT+7]

Nơi khởi nguồn con đường huyền thoại trên biển

Thứ 2, 21/11/2016 | 08:33:52
1,106 lượt xem
Dưới chân đồi Nghinh Phong thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) có một di tích lịch sử đặc biệt - nơi khởi đầu con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước: bến tàu không số K15.

Cựu chiến binh Lê Xuân Hãng (người ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội.

Con đường huyền thoại trên biển

Chúng tôi đến thăm bến tàu không số K15 nhân dịp Cục Chính trị Quân khu 3 tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống. Khu di tích bến tàu không số K15 nằm dưới chân đồi Nghinh Phong. Tại bến tàu không số K15, ngày 11/10/1962, một con tàu gỗ thực hiện chuyến đi đầu tiên, chở 30 tấn vũ khí, sau 5 ngày trên biển đã đến căn cứ Vàm Lũng (Rạch Gốc - Cà Mau) chi viện cho chiến trường miền Nam. Bến K15 vì thế đã trở thành nơi xuất phát đầu tiên và chủ yếu của đoàn tàu không số (tiền thân của Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân ngày nay), hình thành nên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển - tuyến chi viện chiến lược, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xuất xứ tên gọi K15 cũng gắn với những dữ kiện lịch sử trọng đại: "K" là ký hiệu quân sự chỉ cảng trong thời chiến, "15" là số nghị quyết về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành tại hội nghị lần thứ XV. Tồn tại trong 14 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961 - 1975), bến tàu không số K15 trở thành nơi tập kết hàng hóa, tất cả những ai đặt chân đến đây đều phải giữ bí mật cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Trên hải trình của những con tàu không số, biết bao những chiến công oanh liệt, những tấm gương hy sinh đầy quả cảm của người lính Cụ Hồ như: Nguyễn Phan Vinh, Hồ Đắc Thạnh, Đỗ Văn Sạn, Đinh Đạt, Lê Văn Một, Dương Văn Lộc, Huỳnh Văn Sao... Trong những năm tháng đó, đoàn tàu không số đã thực hiện gần 1.900 lượt chuyến đi, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, đạn dược, 80.000 lượt người, đi qua 3,7 triệu hải lý. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, thân xác còn nằm lại giữa trùng khơi để bảo vệ an toàn cho đoàn tàu không số và con đường huyền thoại trên biển.

Và những con người huyền thoại

Với cựu chiến binh (CCB) Đinh Công Ngọ ở thôn Trần Phú, xã Thái Dương (Thái Thụy), mỗi năm, đến ngày truyền thống của Lữ đoàn 125 ông lại có dịp sum vầy cùng đồng đội ôn lại ký ức một thời. CCB Đinh Công Ngọ kể: Tôi nhập ngũ năm 1961, đầu năm 1964 tôi nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 125, tham gia vận chuyển 5 chuyến chở vũ khí trên những con tàu không số vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Để trở thành thủy thủ của đoàn tàu không số, ngoài tiêu chuẩn về chính trị, chúng tôi phải đáp ứng yêu cầu rất nghiêm ngặt về sức khỏe. Mỗi chiến sĩ phải vượt qua những bài sát hạch như: lặn sâu hơn 5 mét dưới biển, học cách mặc áo bà ba, cách nói chuyện và xưng hô cho thật giống người miền Nam… Đời quân ngũ của tôi thật vinh dự và tự hào khi được là người lính của đoàn tàu không số, cùng đồng đội đi trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Những cột bê tông neo đậu tàu "không số" năm xưa.

Nhiều lần cùng đồng đội thăm lại bến tàu không số K15, CCB Đinh Công Ngọ luôn cố gắng tìm lại cho mình chút kỷ niệm hơn 40 năm về trước. Nhớ nhất là lần bốc hàng "thần tốc", chỉ trong một buổi chiều tiểu đội của ông đã chuyển lên tàu hơn 70 tấn vũ khí. Ngày ấy, K15 còn hoang sơ, chưa có điện, phải dùng đuốc, đèn cầy, đèn chai để soi đường. Khó khăn là thế nhưng tinh thần của các thủy thủ luôn quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh để giữ bí mật tuyến đường.

Về Tiền Hải, chúng tôi có dịp gặp gỡ CCB Lê Xuân Hãng ở thôn Vũ Phong, xã Tây Phong, chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa. Nhắc đến địa danh K15 là ông lại nhớ về những kỷ niệm không bao giờ quên, ví như việc được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chính bến tàu này. Ông Hãng tâm sự: Về công tác tại Lữ đoàn 125, tôi được phân công nhiệm vụ sửa chữa máy móc trên tàu, bốc hàng và lái xe vận chuyển. Những năm tháng làm việc trên tàu, tôi may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần gặp gỡ ấy đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc về một vị tướng điềm đạm, gần gũi, ân cần, Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Là thế hệ sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa, chúng tôi biết về lịch sử qua những trang sách, những thước phim tài liệu và qua những câu chuyện, ký ức một thời của thế hệ từng sống, chiến đấu trên những chiến trường đạn bom khốc liệt để bảo vệ quê hương, đất nước. Một lần về thăm bến tàu không số K15, tại địa danh xưa nay đã có một tượng đài sừng sững mang tên "K15 - điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển". Tượng đài nằm trên một khuôn viên rộng với hệ thống cây xanh, thảm cỏ, quanh năm rì rào tiếng sóng biển. Từ chân tượng đài nhìn xuống biển là những cột bê tông cốt thép đã phủ màu thời gian, nơi neo đậu của những con tàu không số năm xưa. Trên tượng đài ghi rõ: "Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những con tàu "không số" là kỳ tích huyền thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi, biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam". Đó cũng là minh chứng rõ nét, giúp du khách tham quan biết và tái hiện một phần lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Thiên Ân - Tiến Đạt

  • Từ khóa