Thứ 4, 24/04/2024, 19:08[GMT+7]

Nam Đường xây dựng bia chiến công đánh thực dân Pháp năm 1953

Thứ 3, 25/04/2017 | 15:26:33
2,329 lượt xem
Đầu năm 2017, thôn Nam Đường đã khánh thành bia chiến công đánh thực dân Pháp năm 1953 nhằm ghi lại dấu tích lịch sử đánh giặc giữ làng của quân và dân địa phương.

Bia chiến công đánh thực dân Pháp năm 1953 tại cầu Bồ Hòn, thôn Nam Đường ( Nam Cao, Kiến Xương).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thôn Nam Đường ( nay thuộc xã Nam Cao, huyện Kiến Xương) được sáp nhập vào xã Đình Phùng, cùng với 4 thôn khác là Cao Bạt, Nam Huân, Cao Trung và Cao Bạt Nang. Đình Phùng khi ấy trở thành một xã đất rộng, người đông, tạo ra vị thế một làng kháng chiến lớn mạnh để đánh thực dân Pháp.

Đầu năm 1950, quân Pháp huy động lực lượng thủy, lục, không quân đánh chiếm các huyện trong tỉnh Thái Bình. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Đình Phùng, Ban Chỉ huy xã đội, thôn Nam Đường đã thành lập Ban Chỉ huy thôn đội và thành lập Trung đội du kích thôn, ban đầu có 30 người, sau tăng lên 60 người. Vũ khí của Trung đội du kích được trang bị rất thô sơ, lúc đầu chỉ có một khẩu súng trường và 30 quả lựu đạn mỏ vịt, 40 quả mìn; ngoài ra du kích tự chế tạo bàn chông, mã tấu, búp đa...

Trung đội du kích khẩn trương rào làng, đắp ụ chiến đấu, đào giao thông hào, hố cá nhân, hầm bí mật sẵn sàng chiến đấu. Sau khi được bộ đội huấn luyện cách đánh du kích, cài mìn, bẫy chông và cách phối hợp với bộ đội để đánh địch, Trung đội du kích thôn đã ngày đêm tuần tra canh gác, phòng chống địch đến càn quét, vây ráp; ban đêm cùng với dân quân đi phá đường 39B chống địch hành quân và bao vây đồn bốt giặc ở quanh vùng.

Trong 5 năm (1950-1954), Trung đội du kích thôn Nam Đường đã phối hợp với bộ đội đánh địch 41 trận lớn nhỏ. Nhiều lần địch tổ chức những trận càn lớn, du kích chỉ bẫy chông và gài mìn ở những nơi xung yếu rồi rút xuống hầm bí mật để bảo toàn lực lượng.

Năm 1953, trong trận càn “Con cóc”, địch huy động lực lượng rất mạnh, càn đi, quét lại trong 3 ngày đêm, đến sáng ngày 18/12/1953, địch rút quân về qua đường làng đi qua gốc cây bồ hòn ở đầu cầu qua sông Câu sang xã Thanh Tân (nay vẫn mang tên cầu Bồ Hòn). Cầu ngày ấy còn làm bằng tre, muốn qua sông phải đi từng người một nên quân địch phải dồn lại trên đầu cầu rất đông để chờ qua cầu. Một tên địch đã thụt xuống hố chông la lối kêu khóc nên nhiều tên khác phải vây lại để cứu đồng bọn. Trong lúc hỗn loạn  thì một tên lính dẫm vào quả mìn cóc, quả mìn bật lên cao gần một mét nổ tung làm 15 tên khác thương vong trong đó có cả một tên sỹ quan Pháp. Địch phải gọi xuồng máy và máy bay trực thăng hộ tống đưa xác về thị xã Thái Bình. Sau khi địch rút còn để lại 7 vũng máu trên mặt đê...

Chiến công trên do tổ du kích Nguyễn Duy Xuân cài đặt chông, mìn. Tại hội nghị thi đua tổng kết khen thưởng chiến tranh du kích Quân khu Ba, cá nhân đồng chí Nguyễn Duy Xuân được tuyên dương Chiến sỹ thi đua.

Tổng kết sau 9 năm đánh Pháp, về thiệt hại: thôn Nam Đường có 9 chiến sỹ du kích hy sinh, 5 đồng chí bị thương, 25 người dân vô tội bị giặc sát hại, trên 300 nóc nhà bị giặc thiêu đốt; nhiều trâu, bò, lợn, gà, đồ đạc bị giặc cướp... Trung đội du kích đã phối hợp với bộ đội đánh 41 trận, tiêu diệt 103 tên, bắt sống 16 tên, làm bị thương 39 tên địch và thu được 12 khẩu súng các loại.

Tổng kết trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thôn Nam Đường có 44 gia đình được tặng Bằng Tổ quốc ghi công, 4 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 51 gia đình được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 122 huân, huy chương các loại.

Chiến tranh đã lùi xa, Trung đội du kích thôn Nam Đường năm xưa từ 64 người, nay chỉ còn 13 người đều đã trên 80 tuổi. Để ghi lại dấu ấn, di tích, cột mốc lịch sử đánh giặc giữ làng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp của thế hệ cha anh tuy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, những thành viên của Trung đội du kích năm xưa đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng bia Chiến công đánh Pháp năm 1953 tại đầu cầu Bồ Hòn trong quý I/2017.

Trên mặt bia có ghi “ Bia Chiến công đánh Pháp 1953” và 4 câu thơ:

“ Giặc càn qua gốc bồ hòn

Mười lăm tên giặc chẳng còn nguyên thây

Cầu Bồ Hòn vẫn còn đây

Chông, mìn du kích đánh Tây tuyệt vời.”

 

      Nguyễn Thiện Đương

                                                Cựu du kích thôn Nam Đường

          ( Số nhà 44, Tổ 49, Khu đô thị phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình)