Thứ 6, 19/04/2024, 14:58[GMT+7]

Phát huy truyền thống “mở đường thắng lợi”

Thứ 5, 27/04/2017 | 08:28:35
2,230 lượt xem
Giữa tháng 4 lịch sử này, những cựu chiến binh (CCB) thuộc Ban Liên lạc Lữ đoàn Công binh 299 (Quân đoàn 1) lại có dịp hội ngộ bên nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường. Chiến tranh đi qua, những thanh niên cường tráng ngày ấy giờ đã là những CCB tóc bạc, da mồi nhưng ký ức về những ngày phá núi, bạt rừng vẫn vẹn nguyên trong tâm tưởng.

Các cựu chiến binh Ban Liên lạc Lữ đoàn Công binh 299 (Quân đoàn 1) trong ngày gặp mặt đồng đội.

Khu vườn trước nhà của CCB Trần Văn Minh, thôn Lộc Tiên, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) trồng rất nhiều hoa lan. Mùa này lan đua nhau khoe sắc. Cái nguyên cớ trồng lan của ông Minh một phần vì sở thích nhưng hơn hết, trồng lan để ông thỏa nỗi nhớ đồng đội, nhớ chiến trường xưa. CCB Trần Văn Minh nhớ lại: Đầu năm 1975, những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi chúng tôi lên đường tòng quân. Chúng tôi được biên chế về Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Công binh 299. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 1 được giao nhiệm vụ tấn công hướng phía Bắc vào Sài Gòn. Lữ đoàn công binh 299 nhận lệnh đi trước mở đường. Ngày đó, để bảo đảm quân số cho chiến trường, chúng tôi được lệnh hành quân sau 3 ngày nhập ngũ. Vì thế, lính “binh nhì” chúng tôi vừa hành quân, vừa huấn luyện. Chính sự khắc nghiệt nơi chiến trường và lòng quả cảm, quyết tâm của mỗi chiến sĩ mà Lữ đoàn Công binh 299 đã làm nên nhiều điều kỳ diệu.

Làm ngầm Bến Bầu trước cửa ngõ Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Lữ đoàn nhằm tạo thuận lợi cho các đoàn xe của ta chở vũ khí vượt sông tiến sát vào sào huyệt của địch. Ngày 19/4/1975, đơn vị bí mật tập kết tại bờ sông nơi cấp trên chọn làm ngầm vượt sông. Hai bên bờ tre, vàu mọc cao, um tùm. Từ mặt đất xuống đáy sông khoảng 4m. Do là mùa khô nên nước sông chỉ sâu khoảng 1,7m. Với sự thông minh, nhanh trí của mình, bộ đội ta đã lấy tre sáng chế thành sọt, rọ để đựng đá sỏi ngăn sông. 

Sáng ngày 20/4/1975 cả Lữ đoàn như một công trường nhộn nhịp. Tre ngả xuống ùn ùn kéo về, bộ phận ra nan để thành rọ, thành sọt, bộ phận cưa, đục kết nối để thành mảng, thành bè. Một bộ phận ngâm mình dưới sông mò đá, sỏi cho vào các sọt tre kè ngầm. Các bè đá chồng lên nhau, ken khít vào tạo thành một khối vững chắc. Các chiến sĩ công binh níu tay nhau chống chọi với dòng nước chảy xiết để đặt các mảng rọ đá vào đúng vị trí. Khi mặt ngầm đạt độ cao quy định thì việc hạ độ dốc ở hai bờ cũng hoàn thành. Máy bay trinh sát địch phát hiện, chúng cho máy bay F5, C130 ra ném bom về phía ngầm khiến một xe hỏng, một chiến sĩ của Lữ đoàn hy sinh. Cả Lữ đoàn nhanh chóng cơ động nhanh để khắc phục sự cố. 

Chiều ngày 29/4/1975 toàn bộ lực lượng bộ binh của các đơn vị và xe cơ giới của Quân đoàn 1 đã qua ngầm trót lọt. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm ngầm Bến Bầu, trong khoảng thời gian ngắn, Lữ đoàn Công binh 299 đã nhanh chóng mở 30km đường rừng núi, phục vụ mũi tấn công phía Bắc Sài Gòn đến vị trí chờ lệnh tiến công.

CCB Nguyễn Văn Huấn, thôn An Lộc, xã Trung An (Vũ Thư) chia sẻ: Công việc quá vất vả, bên trên là những làn mưa bom, pháo đạn của địch dội xuống. Khi địch không kích thì bộ đội vào hầm trú ẩn, chúng đi, đơn vị lại bắt tay ngay vào công việc. Cứ thế, các đại đội thay ca nhau làm việc liên tục ngày đêm để kịp tiến độ. Dù khó khăn, vất vả, máu chiến sĩ hòa chung vào dòng nước nhưng không gì ngăn nổi quyết tâm của chúng tôi.

Rạng sáng ngày 30/4/1975, trên các hướng tiến công của Quân đoàn 1 phối thuộc với các đơn vị chủ lực của ta đồng loạt nổ súng tiến công đánh chiếm các mục tiêu quy định, phá vỡ phòng thủ phía ngoài của địch ở xung quanh Sài Gòn. 

CCB Trần Công Lý, thôn Ngọc Tiên, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) xúc động nhớ lại một kỷ niệm mà ông tận mắt chứng kiến: Đường tiến vào Sài Gòn phải vượt qua cây cầu Bình Triệu và cầu Bình Lợi. Lúc này, địch chiếm cứ ở đầu phía Bắc của cầu Bình Triệu. Với quyết tâm bảo vệ cầu, tiêu diệt địch mở đường tấn công, một chiếc xe tăng của Lữ đoàn 202 (Quân đoàn 1) lao lên cầu với tốc độ nhanh. Đến giữa cầu, xe mở bụng phía dưới, một chiến sĩ ôm khối bộc phá lao lên nhưng trúng đạn của địch nên gục ngã. Trong giây lát, một chiến sĩ khác chui ra khỏi xe ôm lấy khối bộc phá lao về phía lô cốt địch khiến lô cốt địch nổ tan tành. Lúc này tôi mới biết, khối bộc phá sống đó là đồng chí Hoàng Thọ Mạc, Đại đội trưởng Đại đội 3 xe tăng Lữ đoàn 202. Sau chiến dịch anh Mạc được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Giữ được cầu Bình Triệu, Quân đoàn 1 tiến công xé toang đội hình quân địch, thọc sâu mũi tiến công vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, chiếm đánh mục tiêu Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên được.

Hơn 40 năm chiến tranh lùi xa, Bắc Nam liền một dải, những người lính công binh năm xưa nay người còn, người mất. Vết thương chiến tranh vẫn còn đó như minh chứng một thời máu lửa sục sôi. Giờ đây, những “binh nhì” ra trận ngày nào vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước, phát huy truyền thống “mở đường thắng lợi” của Bộ đội công binh Việt Nam.

Tất Đạt