Thứ 6, 29/03/2024, 02:29[GMT+7]

“Ba đảm đang” - Góp phần đánh thắng giặc Mỹ

Thứ 6, 28/04/2017 | 17:45:14
3,235 lượt xem
Những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh niên Thái Bình nối tiếp nhau lên đường ra trận. Họ chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng không tiếc tuổi thanh xuân với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ở hậu phương, có biết bao người mẹ, người vợ đã âm thầm, lặng lẽ, kiên định ý chí “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, tôn vinh phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Nữ thanh niên Xí nghiệp In Thái Bình viết đơn tình nguyện ra chiến trường đánh Mỹ. Ảnh tư liệu

Hồi ức “cô gái bên mâm pháo”

Đã 45 năm từ ngày Đại đội Pháo cao xạ 37mm thị xã Thái Bình bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời quê hương nhưng những ký ức về một thời tuổi trẻ đánh giặc sôi nổi, hào hùng vẫn in đậm trong trí nhớ của pháo thủ Bùi Thị Nga - nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo cao xạ 37mm Xí nghiệp Dược phẩm Thái Bình, nay là Trưởng ban liên lạc Hội đồng đội Pháo cao xạ 37mm dân quân tập trung thành phố Thái Bình. Trở về đời thường, xếp lại áo lính, cùng đồng đội góp sức xây dựng quê hương nhưng mỗi khi nhắc về một thời đánh Mỹ oai hùng, trong ánh mắt của nữ pháo thủ ấy vẫn cháy lên lưới lửa năm nào.

Năm 1969, Đại đội Pháo cao xạ 37mm thị xã dưới sự chỉ huy của Thị đội được thành lập bao gồm trên 100 thành viên là lực lượng dân quân, tự vệ từ các nhà máy, xí nghiệp: Nhà máy Cơ khí 2/9, Xí nghiệp Dược phẩm, Ty Kiến trúc, một số phường Kỳ Bá, Quang Trung, Bồ Xuyên, Hồng Phong, Đề Thám... chia thành 5 khẩu đội thay nhau trực chiến. Cô gái Bùi Thị Nga khi đó mới 22 tuổi, là Tổ phó Tổ sản xuất thuốc viên nén kiêm Trung đội trưởng Dân quân tự vệ Xí nghiệp Dược phẩm Thái Bình. Mang tiếng là Đại đội Pháo cao xạ nhưng có đến 80% là nữ giới. Mọi giờ giấc sinh hoạt, tác phong đều tuân theo kỷ luật quân đội, lại được rèn giũa trên trận địa với một loại khí tài mới nên chị em ban đầu còn bỡ ngỡ song khắc phục mọi khó khăn, tất cả đều hăng say luyện tập, kiên trì bám trận địa.

Là Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo cao xạ Xí nghiệp Dược phẩm, bà Nga đóng vai trò chỉ huy khẩu pháo, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động học tập, huấn luyện, chiến đấu của khẩu đội mình. Trong luyện tập cũng như chiến đấu, Khẩu đội trưởng phải là người thuần thục động tác, khẩu lệnh, thao tác dứt khoát, chỉ huy khẩu đội hiệp đồng nhịp nhàng bởi chỉ cần sai lệch một chút cũng có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt là khâu kiểm tra phần tử bắn, phần tử ngòi nổ, đạn pháo, thời gian, tất cả đều phải thật chính xác.

Sau cuộc tiến công chiến lược xuân hè năm 1972 của quân dân ta ở miền Nam, đế quốc Mỹ quay trở lại bắn phá miền Bắc với âm mưu phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng, cắt đứt nguồn chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Bằng chiến dịch Linebacker I (từ 6/4 - 22/10/1972) và Linebacker II (18/12 - 30/12/1972), chúng ném bom, bắn phá ồ ạt các mục tiêu trọng điểm về quân sự, kinh tế, giao thông, thả thủy lôi phong tỏa các hải cảng nhằm làm kiệt quệ kinh tế miền Bắc. Sau khi sử dụng “chiến thuật nhảy cừu” và không kích “vùng 6”, địch tiến hành đợt “không kích mở rộng”, đánh phá ra các tuyến giao thông quan trọng ở 3 phía Bắc, Đông, Nam Hà Nội, đồng thời tổ chức những cuộc không kích lớn với đội hình bao gồm hàng loạt máy bay tiêm kích và cường kích. 

Tại Thái Bình, chúng thực hiện chiến lược đánh nhanh, rút nhanh, bắn phá ồ ạt các vị trí trọng điểm của ta. Tại thị xã Thái Bình, từ ngày 17/8/1972, máy bay Mỹ đánh Nhà máy Tơ, ném bom vào Trường Đại học Y khoa, đánh phá 4 khu phố: Đề Thám, Quang Trung, Kỳ Bá và Lê Hồng Phong làm nhiều người chết và bị thương. Trước tình hình trên, đúng 7 giờ sáng ngày 19/8/1972, được tin báo máy bay địch đã vào vùng trời thị xã, đơn vị nhận lệnh sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu. Chỉ ít phút sau, một tốp máy bay địch bay dọc sông Trà Lý, bất ngờ bổ nhào xuống bắn phá cầu Bo, khu vực ngã ba An Tập và Bệnh viện tỉnh. Nhận được số liệu từ trinh sát và trắc thủ, Đại đội trưởng chỉ huy, Khẩu đội trưởng Nga phất cờ lệnh, khẩu pháo của Xí nghiệp Dược phẩm đồng loạt khai hỏa cùng 4 khẩu pháo còn lại, kèm theo là đủ các loại đạn: súng trường, 12mm, 37mm… đan thành tấm lưới lửa rực sáng một khoảng trời. Chiếc F4H (loại máy bay tiêm kích - ném bom tầm xa được Mỹ sử dụng làm ưu thế trên không) đi đầu lao đao rồi bốc cháy. Những chiếc khác cũng quay đầu tháo chạy theo. Tin Đại đội Pháo cao xạ bắn rơi máy bay Mỹ được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa ngay vào buổi chiều hôm ấy, làm nức lòng quân dân trong tỉnh.

Bà Nga cho biết: Sau chiến công đó, chị em trong đội pháo càng thêm hăng say chiến đấu, quyết tâm cùng quân dân đánh thắng kẻ thù xâm lược. Khẩu đội trưởng Nga vinh dự được Tỉnh đội trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua tự vệ năm 1970 và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vào năm 1985.

Đảng viên Đào Thị Mận sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi

Chồng là thương binh nặng, các con còn nhỏ dại, gia cảnh khó khăn nhưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đảng viên Đào Thị Mận, thôn An Bài, xã Hoa Lư (Đông Hưng) vẫn sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, góp phần ghi tên xã Hoa Lư vào bảng vàng 5 tấn thóc của tỉnh, góp sức người, sức của đánh bại chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Về thăm bà Đào Thị Mận một ngày giữa tháng 4, chúng tôi cùng bà ngược dòng lịch sử sống lại những ngày tháng thi đua sản xuất, chiến đấu giỏi của quân và dân ta tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngắm nhìn bức ảnh người chồng đã đi xa của mình, bà Mận bảo: Ông ấy luôn là động lực giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, sản xuất, đi dân công. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, bà Mận được bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hoa Lư. Hưởng ứng phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” của Đoàn Thanh niên, bà Mận xung phong đi dân công đào, gánh đất, đắp đê ngăn lũ tràn vào thị xã (nay là thành phố Thái Bình). Rất nhiều thanh niên cũng hăng hái tham gia nhưng khi chứng kiến cảnh đồng đội bị thương, bị chết vì trúng bom đạn, một số người bỏ về. Còn bà Mận đã một lần suýt chết bởi bom đạn khi đang làm nhiệm vụ nhưng vẫn bền gan, vững chí, vượt khó, vượt khổ, không sợ chết ở lại tiếp tục đào đất, đắp đê. Lần sau, xã gọi bà vẫn xung phong đi dân công. 

Nhớ về lần “chết sảy” ở cầu Bo (thành phố Thái Bình), bà bảo: Hôm đó, cả đội đang làm nhiệm vụ thì nghe báo động có máy bay Mỹ tới, mọi người giục nhau chạy nhanh khỏi cầu, tìm chỗ trú ẩn. Đang chạy thì quang gánh rơi, tiếc của, tôi quay lại nhặt, chợt nghe tiếng bom nổ inh tai ngay trên cầu chỉ cách tôi chừng hơn chục bước chân. Tôi may mắn thoát chết nhưng nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống. Sau lần đó, tôi vẫn tiếp tục đi dân công vì tôi nghĩ “mình là cán bộ đoàn, là đảng viên thì phải gương mẫu, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để xứng đáng với những người đã ngã xuống”.

Về địa phương, bà tích cực áp dụng những kiến thức đã học tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình để làm phân xanh, phân chuồng bón lúa, tuân thủ kỹ thuật làm mạ, thực hiện cấy thẳng hàng… đồng thời phổ biến cho các đoàn viên cùng làm nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, bà còn đưa các giống lúa mới vào sản xuất, thực hiện “ngày làm thêm giờ, giờ làm thêm việc”. Gia đình có 5 miệng ăn nhưng chỉ có bà là lao động chính song lại luôn vượt chỉ tiêu, nghĩa vụ xã giao: thóc vượt 3 tạ/vụ, lợn hơi vượt 50 - 70kg/năm. 3 năm liền, bà Mận đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được tặng 2 huy hiệu “5 tấn”, năm 1975, bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi “non sông thu về một mối”, bà Mận cùng với Ban quản trị HTX vận động xã viên thu chiêm làm mùa nhanh để trồng cây vụ đông và rau màu với cây chủ lực là khoai tây, ngô, đậu tương… Phong trào trồng cây vụ đông nhằm phá thế độc canh cây lúa được đông đảo xã viên hưởng ứng đã góp phần đưa Hoa Lư trở thành điển hình của tỉnh về sản xuất cây khoai tây vụ đông, nơi cung cấp giống khoai tây cho nhiều địa phương trong tỉnh. Vì có thành tích xuất sắc trên mặt trận sản xuất nông nghiệp của địa phương, bà Mận đã được UBND tỉnh tặng bằng khen. Từ năm 1984 - 1994, bà được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy xã Hoa Lư. Trên cương vị mới này, bà tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân phát huy truyền thống của địa phương đưa sản xuất vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông lên 90ha, tăng 40% so với trước năm 1984, năng suất lúa bình quân đạt 13 tấn/ha/năm, bình quân lương thực đầu người đạt gần 950kg/người/năm.

Lời tâm sự mộc mạc, chân tình của bà Mận: Suốt thời gian tham gia dân công và làm công tác tại địa phương, tôi không sợ khó, sợ khổ, sợ chết, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, chỉ mong góp sức đánh thắng giặc Mỹ, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nhớ về một thời “Ba đảm đang”

Là một trong những thế hệ đầu tiên có mặt tại Đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm, bà Nguyễn Thị Nghiêm, phố Tiểu Hoàng, thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội chiến đấu bên mâm pháo 37mm trong những năm đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc.

Tháng 9/1971, khi đang dạy học tại xã Tây Giang, cô giáo Nghiêm được Huyện đội Tiền Hải xin về làm công tác chính trị tại Đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm. Bà Nguyễn Thị Nghiêm nhớ lại: Khi các anh bên Huyện đội về địa phương xin tôi về đơn vị, các bác bên Đảng ủy xã có ý muốn giữ lại nhưng là người đảng viên, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn ác liệt, tôi đã xung phong ra đơn vị chiến đấu. Lúc ấy, chị Nguyễn Thị Tựa là Đại đội trưởng, đơn vị có hai trung đội chia làm 4 khẩu đội pháo, quân số 50 đồng chí nữ tuổi từ 17 - 20. Dù còn trẻ nhưng tất cả chúng tôi đều thể hiện quyết tâm bám trụ trận địa, bảo vệ cống Lân bằng mọi giá.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ ra sức bắn phá các mục tiêu là những công trình giao thông, thủy lợi, nhà máy, xí nghiệp ở miền Bắc; trong đó, cống Lân là một trong những công trình mà các máy bay Mỹ chọn là mục tiêu oanh kích. Theo bà Nghiêm, bảo vệ được cống Lân là bảo vệ được vựa lúa của Thái Bình, không để nước mặn xâm nhập vào sâu nội đồng để quân dân Thái Bình “vững tay súng, chắc tay cày”, thi đua cùng tiền tuyến đánh Mỹ.

Là chính trị viên Đại đội, bà Nghiêm vẫn không thể nào quên những trận chiến ác liệt khi đương đầu với không quân Mỹ. Đặc biệt là ngày 28/5/1972, khi đơn vị phát hiện một tốp máy bay địch xâm phạm vùng trời tất cả chị em cơ động về vị trí của mình ngay lập tức chị Tựa - Đại đội trưởng ra lệnh khai hỏa. 4 khẩu đội pháo 37mm đồng loạt nhả đạn, tạo thành thế trận lưới lửa phòng không xé toang đội hình bay của bọn chúng. Một chiếc máy bay AD7 bị trúng đạn, rồi phụt khói vàng lao xuống đất. Thấy đồng bọn bị tiêu diệt, lũ giặc trời điên cuồng tấn công vào trận địa của chúng tôi. Bom xuyên và rốc két ào ào trút xuống như mưa. Trận địa của chúng tôi bị đạn giặc quật trúng, có người máu chảy, có người quần áo rách tả tơi, tai ù đặc nhưng 50 chị em vẫn quyết không rời vị trí chiến đấu.

Bà Nguyễn Thị Nghiêm cùng chồng xem lại những kỷ vật của mình.

Chúng tôi đáp trả và bẻ gãy từng đợt tấn công của địch. Những họng pháo phòng không liên tục nhả đạn, nhằm vào đội hình bay của giặc. Tôi vẫn nhớ hôm đó khẩu pháo bị hỏng, chị Nguyễn Thị Nhiệm, Tiểu đội trưởng đã lấy vai mình làm bệ pháo, vác nòng pháo nặng hơn một tạ để đồng đội thay nòng, xong rồi lại chiến đấu, bám trận địa. Sau nhiều giờ liền chiến đấu, Đại đội của chúng tôi có hơn 10 chị em bị sức ép của bom bị thương nặng, ngất xỉu. Ngay trong đêm, đơn vị được lệnh di chuyển trận địa nên chúng tôi phải thức suốt đêm cùng nhân dân chuyển pháo ra phía bên kia sông Cả để bảo đảm an toàn và bí mật trong chiến đấu.

Từ năm 1967 - 1975, Đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm chiến đấu 138 trận, trong đó 72 trận ban đêm. Bắn rơi 2 máy bay và kết hợp với các đơn vị bắn thương nhiều máy bay. Năm 1973, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 4 năm gắn bó với Đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm, cô giáo Nguyễn Thị Nghiêm ngày nào không còn đứng lớp mà chuyển về làm công tác tại Huyện ủy, rồi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tiền Hải. Năm 2002, bà Nghiêm về nghỉ chế độ.

Hơn 30 năm công tác liên tục, không ngừng nghỉ, tài sản quý giá nhất mà bà vẫn nâng niu, trân trọng là những tấm bằng khen, huy chương, huân chương các loại. 69 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng, với bà Nghiêm: Dù những thứ tôi lưu giữ không có giá trị vật chất nhưng là minh chứng, là niềm tự hào của tôi với các phong trào phụ nữ thời chiến cũng như thời bình, góp phần làm nên chiến công của Đại đội 4 dân quân gái xã Đông Lâm trên “quê hương tiếng trống năm 30”.

Sắt  son chờ chồng

Phía sau mỗi người lính lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc có sự hy sinh thầm lặng và cao cả của những người vợ, người mẹ luôn là hậu phương vững chắc để người ra tiền tuyến vững vàng tay súng. Bà Phạm Thị Cúc, vợ liệt sĩ, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) là một trong số đó.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, gọn gàng ngăn nắp, bà Cúc xúc động hồi tưởng lại ký ức hơn 50 năm về trước. Tháng 5/1965, chồng bà lên đường nhập ngũ, khi đó bà mới lấy chồng được hơn 5 tháng. Bà Cúc chia sẻ: Tiễn chồng, tiễn con lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với mỗi người vợ, người mẹ dù thật vinh quang, thật tự hào nhưng trong lòng ai cũng có nỗi xót xa, có sự sợ hãi mơ hồ nào đó, nhất là của một người con gái mới hưởng hạnh phúc vợ chồng một thời gian ngắn như bà. Mỗi ngày xa chồng là một ngày nhớ nhung và lo lắng, bữa bữa bà đều trông mong những cánh thư từ chiến trường gửi về. Bởi ngoài việc biết tin tức, mỗi lá thư là một sự khẳng định rằng chồng mình vẫn bình yên. Tuy nhiên, những tâm sự, những nhớ nhung đó bà giấu kín trong lòng, vẫn hăng say công tác. Bà làm Trung đội phó dân quân, Xã đội phó phụ trách chính sách, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, tham gia công tác tại HTX mua bán của xã. Ở cương vị nào bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bà kể: Hồi đó, bà tham gia phong trào “Ba đảm đang” hăng hái lắm, chỉ nghĩ đơn giản là nam giới đi hết rồi, không có đàn ông ở nhà thì phụ nữ làm thôi, đã không làm thì thôi, làm phải hết mình, không phụ lòng tin tưởng của Đảng, chính quyền và nhân dân. Đến nỗi, lần về phép duy nhất của chồng vào tháng 4/1966, bà cũng không có thời gian dành cho ông, bởi lúc ấy bà là Trung đội phó dân quân, ngày đêm luyện tập. Bà được Tỉnh đoàn tặng giấy khen “Kiện tướng làm phân giỏi” với thành tích làm 7 tấn phân phục vụ cánh đồng Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Trỗi (trong đó có 4 tấn phân chuồng, 3 tấn phân xanh), Bộ CHQS tỉnh tặng giấy khen “Làm tốt chính sách tổng động viên gia đình quân nhân tại ngũ”; được nhận bằng khen “Dũng sĩ chống Mỹ giai đoạn 1964 - 1968”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng danh hiệu “Phụ nữ 3 đảm đang” 6 năm liên tục; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vũ Thư tặng giấy khen “Lãnh đạo phong trào phụ nữ toàn diện về mọi mặt”.

Giọng bà Cúc chùng xuống, nước mắt rơi khi kể về hoàn cảnh gia đình mình. Ông lên đường chiến đấu khi bà chưa một lần được làm mẹ. Năm 1967, bà nhận nuôi một bé sơ sinh bị bỏ rơi. Nhận con về, bố chồng lo lắng vì bà con trẻ, lại tham gia nhiều hoạt động rồi chưa một lần làm mẹ, sao có thể nuôi lớn đứa trẻ sức khỏe yếu, tận 7 ngày mới rụng rốn. Nhưng bà đã quyết tâm nhận nuôi dạy con khôn lớn. Bà thuê người phụ mình chăm con không để ảnh hưởng tới công việc. Nhắc tới người chồng đã hy sinh, ánh mắt người đàn bà ngoài 70 tuổi như được trở về cái thuở đôi mươi. Bà nghẹn ngào đọc lại bài thơ, lá thư ông gửi cho bà từ chiến trường, ông dặn dò: Chiến trường khói lửa, nếu anh không trở về thì em hãy đi bước nữa. Bà nói với ông là cứ yên tâm, vì bà không có suy nghĩ đấy. Bà đã yêu ông thì yêu đến trọn đời. Ông cứ yên tâm đi chiến đấu còn việc nhà không phải lo lắng. Vậy mà ông đi biền biệt. Năm 1977, bà nhận được giấy báo tử của ông. Khi biết tin ông hy sinh, mọi người đã khuyên bà đi bước nữa vì thương bà phải chịu cảnh góa bụa khi tuổi còn rất trẻ. Bà Cúc vẫn sắt son, ở vậy thờ chồng, trọn đạo hiếu làm con. Năm tháng qua đi, nỗi buồn của một người phụ nữ còn hằn in lên khuôn mặt, dáng vóc và nhất là đôi mắt buồn thăm thẳm. Bà cười bảo, đối với người vợ lính, chuyện đợi chờ đã trở thành bình thường, bởi sự thầm lặng của họ là điểm tựa vững chắc để người lính vững tay súng. Chồng mình hy sinh, đó là nỗi đau lớn nhưng đó là sự hy sinh góp phần cho độc lập tự do của Tổ quốc. Vậy mình tâm niệm sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh, để linh hồn anh được thanh thản.

Người vợ liệt sĩ “Ba đảm đang”

Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ song nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn hiển hiện trong mỗi gia đình, nơi có những người vợ liệt sĩ chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ thương chồng. Vượt lên mọi đau thương, mất mát, họ vẫn hăng hái sản xuất, tham gia hoạt động cách mạng. Bà Nguyễn Thị Tẹo, vợ liệt sĩ Lê Văn Tư, thôn Bổng Điền Bắc, xã Tân Lập (Vũ Thư) là một trong những người vợ liệt sĩ “Ba đảm đang” đó.

Bà Nguyễn Thị Tẹo, xã Tân Lập nâng niu kỷ vật thời chiến.

Chồng hy sinh, bà Tẹo một mình nuôi con nhỏ, đảm nhận và hoàn thành xuất sắc vai trò cán bộ Hội Phụ nữ xã, Đội trưởng Đội sản xuất Duyên Khê, thành viên Đội cảm tử quân... Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, bà Tẹo không quản vất vả, đến từng nhà vận động chị em cấy lúa thẳng hàng, tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất lúa. Là người miệng nói, tay làm nên các thành viên của Đội luôn theo bà “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, quyết tâm đạt được “núi bùn, biển bèo dâu, rừng điền thanh” để có phân bón lúa. Nhờ vậy, Đội sản xuất Duyên Khê không chỉ làm đủ phân bón cho 20 mẫu lúa của Đội mà còn dư hàng chục tấn nộp cho HTX. Bà còn tiên phong cấy thí điểm giống lúa nếp cái hoa vàng, khi thành công nhân ra 3 mẫu của Đội và chuyển giao cho các đội sản xuất khác. Có sự dẫn dắt của bà Tẹo “Ba đảm đang”, Đội sản xuất Duyên Khê liên tục dẫn đầu trong tất cả các phong trào, góp phần để Tân Lập đạt thành tích 5 tấn thóc/ha (năm 1966), năm nào cũng góp thừa thóc chi viện cho tiền tuyến và phục vụ chiến đấu tại địa phương.

Là xã cửa ngõ của tỉnh, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Tân Lập là nơi có chiến sự ác liệt. Nhiều người chọn cách an toàn là đi sơ tán cùng gia đình thì bà Tẹo ở lại cùng các đồng chí của mình tiếp tục sản xuất, tham gia phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh. Ký ức tối ngày 26/4/1972, máy bay Mỹ bỏ bom trúng vào xóm Thượng Xuân làm nhiều người dân thường vô tội bị thương và chết lại ùa về. Bà kể: Khi máy bay Mỹ vừa rời đi, bà cùng mọi người đầu trần, chân đất chạy về xóm Thượng Xuân mò trong đêm tối để cứu người bị thương và lo chôn cất những người chết. Gần 2 tháng sau, một buổi trưa hè tháng 6, máy bay Mỹ lại đánh phá bến phà Tân Đệ, phà không sao nhưng hàng chục người dân bị thương và chết. Bà lại cùng mọi người lao vào đám khói bụi đang còn mù mịt để cứu người. Bà bảo: Lúc đó chẳng sợ chết chỉ mong cứu được người. Tôi còn tới từng gia đình có người chết chia sẻ và làm công tác tư tưởng giúp họ vơi nỗi đau, tiếp tục tham gia sản xuất, góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ.

Một sáng tháng 5/1972, máy bay Mỹ ném bom xuống xã Tân Lập, trong đó có 2 quả sát thân đê, một quả trúng tim đê. Lúc đó, nước sông Hồng đang ở mức báo động 3, nếu không kịp thời đào, phá hủy bom, bom nổ, đê vỡ, tài sản và tính mạng của hàng trăm người dân Tân Lập bị đe dọa, bà Tẹo chẳng nghĩ ngợi gì, xung phong vào đội "Cảm tử quân” trực tiếp tham gia phá bom. Sau 2 ngày, 2 đêm chạy đua với thời gian, thay phiên nhau đào, moi đất, bà và các đồng đội đã tháo được kíp nổ, lấy được bom từ trường lên khỏi tim đê, đưa về vị trí an toàn. Khi cứu được con đê, biết mình còn sống, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, vỡ òa niềm vui. Với thành tích này, xã Tân Lập được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, bà Tẹo và các thành viên của Đội cảm tử quân được tỉnh tặng bằng khen.

Nhận được tin đoàn quân chiến thắng sẽ hành quân qua xã Tân Lập, bà Tẹo mừng quýnh, đi vận động các bà, các mẹ góp gạo thổi xôi, nắm thành từng nắm, đứng chờ dọc hai bên đường trao tận tay từng anh bộ đội ăn cho ấm lòng. Bà bảo: Vì xúc động nên cả người trao và người nhận đều rơi nước mắt.

Để ghi nhận những đóng góp của bà trong sản xuất, chiến đấu, năm 1986, bà Tẹo đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Trước đó, bà được tặng danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang” và Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ… Nay 78 tuổi đời, gần 50 năm tuổi đảng nhưng bà Tẹo vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người cao tuổi xã, tổ trưởng tổ liệt sĩ của thôn Bổng Điền Bắc.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những dấu ấn phong trào “Ba đảm đang”vẫn không hề phai nhạt, mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Kế thừa tinh thần “Ba đảm đang”, ngày nay các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hành động vì cộng đồng.

Nhóm Phóng Viên