Thứ 7, 20/04/2024, 16:36[GMT+7]

Gặp lại đồng đội

Thứ 6, 28/04/2017 | 17:48:03
1,841 lượt xem
Mùa xuân năm 1995, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng, hội bạn chiến đấu (nay là Hội Cựu chiến binh) Sư đoàn 3 được thành lập. Theo quy chế của Hội: Hội 5 năm tổ chức gặp mặt một lần; các chi hội huyện, thành phố, mỗi năm gặp mặt một kỳ.

Bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng tiến công chốt điểm Gò Loi, mở màn chiến dịch Bắc Bình Định. Ảnh tư liệu

Chi hội Cựu chiến binh  (CCB) Sư đoàn 3 tại thành phố Thái Bình, năm nào cũng tổ chức gặp mặt vào mùa xuân. Mục đích vừa ôn lại truyền thống, vừa tổ chức đăng ký để anh em có điều kiện thăm lại chiến trường xưa tại miền Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...). Những năm đầu thành lập Chi hội CCB Sư đoàn 3 tại thành phố Thái Bình khá đông đảo, tới 40 - 50 hội viên. Theo thời gian con số cứ vơi dần. Mỗi năm từ 1 - 2 người qua đời do tuổi già, sức yếu, bệnh tật phát sinh. Lần gặp mặt mùa xuân 2017 này, Chi hội chỉ còn chưa đầy 30 hội viên. Nhưng lại thêm những hội viên mới.

Tuy trong địa bàn thành phố, điều kiện gặp nhau là rất khó khăn, bởi tại “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Do vậy, những kỳ gặp mặt do Hội tổ chức, ai cũng thấy náo nức, phấn chấn. Trước giờ khai mạc, người nọ tìm gặp người kia, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe, gia cảnh của nhau. Gặp lại nhau, vui có, buồn có nhưng vẫn theo quy luật chung là hễ có dịp gặp nhau, người nọ kể cho người kia những trận đánh, những địa danh tại Nam Trung Bộ như mới xảy ra hôm qua. Đại tá Đồng Sĩ Tài (quê xã Vũ Đoài, Vũ Thư) kể chuyện chiến thắng Đồi Mười. Và ông thông báo: Nhà nước đã ra quyết định công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Thượng tá Nguyễn Văn Loan (quê xã Vũ Thắng, Kiến Xương), kể chuyện những tháng ngày chiến đấu tại Ba Tơ, Tư Nghĩa, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. So với anh em trong Hội, tôi cũng là một trong số người có mặt sớm trong chiến trường (cuối năm 1966), một số anh em hướng mắt về phía tôi, muốn tôi kể chuyện lần đầu tiên chạm trán với quân Mỹ và đội quân đánh thuê của Mỹ. Câu chuyện từ chiến thắng Suối Sùng. Ngày ấy, Mỹ vừa hoàn thành đưa vào miền Nam - Việt Nam 50 vạn quân chính quy. Nhiều đơn vị tinh nhuệ, nổi tiếng từ đại chiến thế giới như: Sư đoàn A-mê-ri-cơn; Sư đoàn Anh-Cá-Đỏ, Sư đoàn Bộ Binh số 1, Sư đoàn tia chớp Nhiệt đới... Đặc biệt là Sư đoàn Không vận số 1 - đơn vị trang bị và thiện chiến số 1 của Mỹ. Nhiều sư đoàn đánh thuê cho Mỹ như: Rồng Xanh, Mãnh Hổ, Bạch Mã (Nam Triều Tiên), một số trung đoàn, lữ đoàn của Úc, của Indonesia, Philippin, Thái Lan. Bên cạnh đội quân nước ngoài, còn có trên 50 vạn quân đội ngụy Sài Gòn. Địch cậy đông quân, vũ khí hiện đại nên chúng rất hung hăng. Tại chiến trường Nam Trung Bộ, chưa đơn vị nào chạm trán với quân Mỹ, chỉ nghe thấy bom, pháo đinh tai, nhức óc; binh lính địch rải khắp thành phố, đến rừng núi... đã thấy “ngán”. Để củng cố niềm tin đánh Mỹ và thắng Mỹ, các đơn vị tổ chức học tập “Chống gờm sợ Mỹ” và học tập kinh nghiệm đánh Mỹ tại các trận đánh Vạn Tường, Núi Thành, Ba Za... Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng được chọn đánh điểm tại Suối Sùng. Đúng là quân đội Mỹ hiện đại thật: Từ  7 giờ đến 9 giờ sáng, bom pháo của Mỹ liên tục đánh phá tan hoang cả một khoảng núi rừng và các làng bản trong khu vực. Tiếp đó là các đợt đổ bộ bằng trực thăng vận đủ cả Mỹ trắng, Mỹ đen, quân đồng minh của Mỹ và hàng chục xe tăng, nặng hàng chục tấn gầm rú, sẵn sàng nghiền nát quân giải phóng. Từ ngoài khu vực nhìn vào vùng chiến sự thì không còn sinh vật nào sống nổi... Từ kinh nghiệm của các đơn vị đã đánh Mỹ, chúng tôi tranh thủ củng cố hầm hào và giữ đội hình “phải bám thắt lưng địch để chiến đấu” 14 giờ chiều, Mỹ tưởng đã tiêu diệt được quân ta, chúng mới cho bộ binh, xe tăng ập vào trận địa. Nhưng địch đã phán đoán nhầm, chúng tôi đã đồng loạt nổ súng và chia cắt đội hình của chúng để liên tục tấn công. Xác Mỹ, xác xe tăng, xác trực thăng la liệt. Thất bại nặng nề, màn đêm bắt đầu buông xuống, địch lại bắt đầu sợ hãi không còn đường lui quân nên vội vàng rút về hậu cứ, để lại trận địa hàng nghìn xác lính. Nhân dân ngoài vùng chiến sự kể lại rằng, ngày hôm sau hàng chục xe GMC, xe nào cũng chất đầy xác Mỹ từ Suối Sùng chở về căn cứ. Từ chiến thắng Suối Sùng, chúng tôi càng tin tưởng, quyết tâm của trên và đánh Mỹ là sở trường của chúng tôi cho những năm sau này.

Lần nào cũng vậy, mỗi dịp gặp lại nhau, chúng tôi không thể quên những đồng đội còn nằm lại đâu đó trên chiến trường. Anh Gián, quê thôn Lạc Đạo (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), ngày tôi vào đơn vị, anh là tham mưu phó Tiểu đoàn 6. Anh kể: Anh đã có vợ và một con trai. Vợ anh là nhân viên HTX mua bán xã Vũ Lãm. Ngày tôi bị thương được đưa ra miền Bắc, tôi đã đến thăm chị nhưng không được phép thông báo về việc anh Gián đã hy sinh tại tỉnh Bình Định. Nhiều anh nữa như anh Tạo (Vũ Lạc), anh Thư (Vũ Phúc), anh Trân (Vũ Ninh), anh Lợi (Bình Minh, Kiến Xương)... đã hy sinh anh dũng tại mặt trận miền Nam Trung Bộ. Ngày chúng tôi đi B (vào Nam chiến đấu), khu vực Nam Thái Bình có 22 người. Năm 1975, còn 4 người, 18 người đã ra đi không có ngày trở lại quê hương. 42 năm sau ngày đất nước thống nhất, hiện chỉ còn 2 người (tôi và anh Kháng xã Vũ Hòa, Kiến Xương).

Các hội viên Hội CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng, nay đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy sức khỏe đã yếu nhưng tinh thần vẫn lạc quan, vui vẻ và tin tưởng vào tương lai đất nước.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)