Thứ 6, 19/04/2024, 14:57[GMT+7]

Dân quân Đông Phú: Bắt sống giặc lái Mỹ

Thứ 6, 28/04/2017 | 17:54:30
3,540 lượt xem
50 năm đã qua đi nhưng ký ức của nhiều người dân Đông Phú, Thư Trì xưa, nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư vẫn nhớ như in giây phút chiếc máy bay chiến đấu F105 của Mỹ nổ tung trên bầu trời quê hương, đặc biệt hình ảnh những anh dân quân du kích quả cảm tay không lao vào bắt sống giặc lái Mỹ.

Ông Doanh tại bãi sông Trà Lý, nơi ông phát hiện ra tên giặc lái Mỹ.

Qua lời giới thiệu của các bậc cao niên trong làng, chúng tôi đến thăm ông Phạm Văn Doanh, thôn Nam Hưng, xã Song Lãng. Qua nửa thế kỷ, “anh dân quân bắt sống giặc Mỹ” ngày nào giờ tóc đã điểm bạc, sức khỏe khá yếu. Tuy vậy, khi nghe gợi nhắc lại kỷ niệm về những ngày gian khổ, hào hùng ấy, đôi mắt ông Doanh trở nên tinh anh lạ thường, niềm vui đã giúp ông xua đi những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ. 

Ông Doanh kể: Những năm 1965 - 1967, máy bay Mỹ liên tục oanh tạc, ném bom xuống các tỉnh miền Bắc, trong đó có làng quê Đông Phú, Thư Trì làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Những hố bom lớn xuất hiện sau những trận ném bom kinh hoàng của giặc Mỹ như những vết thương khoét sâu trên những cánh đồng, làng xóm. Thời ấy, xã Đông Phú đã thành lập 1 trung đội phòng không 12 ly 7, dân quân du kích thường xuyên trực chiến đấu để bảo vệ dân làng khỏi máy bay tầm thấp của Mỹ bắn phá. Thôn Ba, nơi ông Doanh sống cũng thành lập một tổ báo động phòng không, mỗi khi phát hiện máy bay địch, dân quân sẽ gõ kẻng báo động để bà con tránh trú. Mặc dù giặc Mỹ liên tục quần đảo trên bầu trời nhưng bà con vẫn hăng hái thi đua lao động sản xuất nhằm góp sức chi viện cho miền Nam.

Giấy khen của Ủy ban Hành chính huyện Thư Trì tặng ông Doanh.

Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng Phú Mãn, ông Doanh xúc động nhớ lại từng chi tiết năm xưa: Khoảng 13 giờ chiều ngày 14/12/1967, khi đó tôi còn là một chàng thanh niên mới 17, 18 tuổi theo cha đi gánh rạ trên cánh đồng, bất ngờ tôi nghe thấy một tiếng nổ long trời lở đất, tiếp theo là cột khói đen ngòm và lửa cháy rừng rực ở phía cánh đồng Phú Mãn. Một cô giáo chạy đến và bảo tôi: Có máy bay Mỹ bị bộ đội và nhân dân ta bắn rơi xuống cánh đồng của thôn rồi, mau đi xem có ai bị thương không để cứu! Tôi cùng với ông Đào Xuân Bắc là đại đội trưởng dân quân du kích khi đó và ông Lê Quang Huê chạy ngay đến cánh đồng Phú Mãn thì thấy các phần máy bay bị văng tung tóe khắp nơi, phần chính rơi ở sát chân đê đang cháy. Chúng tôi phát hiện một bé gái 10 tuổi trong làng (khi đó cô bé đang cắt cỏ) đã bị một phần máy bay văng vào làm thiệt mạng. Ba người chúng tôi chưa thấy xác viên phi công Mỹ nên tiếp tục tìm. Qua bên kia đê, trong một bụi tre, chúng tôi thấy một cái dù của lính Mỹ, tôi nhảy đến giật mạnh cái dù ra thì thấy tên giặc lái Mỹ một tay cầm súng, một tay ôm đầu. Hắn không hề bị thương, lại cao lớn và có súng nhưng lúc đó quên hết nguy hiểm, tôi cùng ông Huê, ông Bắc xông đến giật súng và đánh tên lính Mỹ. Ba người chúng tôi khi đó tuy là 17, 18 tuổi nhưng vóc người nhỏ bé, còn tên lính Mỹ thì to khỏe nên vật lộn một hồi, chúng tôi mới dùng dây thừng (được cắt từ dây buộc trâu) để trói được tên phi công Mỹ. Có lẽ do sợ quá, tên lĩnh Mỹ không đứng vững, chúng tôi bắt hắn tháo giày ra đeo vào cổ, 3 người dẫn giải tên lính băng qua cánh đồng. Sau đó dân làng kéo đến rất đông, bà con áp giải tên giặc lái Mỹ vào đình Phú Mãn và bàn giao cho chính quyền, chúng tôi quay trở lại sông Trà Lý để mò vớt, thu thập các phần của chiếc máy bay chiến đấu F105 rơi. Với thành tích này, ngày 22/12/1967, chúng tôi được Ủy ban Hành chính huyện Thư Trì tặng giấy khen.

Phần đáy bình nhiên liệu của máy bay F105 bị bắn rơi xuống cánh đồng Phú Mãn hiện được lưu giữ tại hội trường UBND xã Song Lãng.

Từng được chứng kiến chiến công bắt sống giặc lái Mỹ của các bậc cha anh năm 1967, ông Đào Xuân Phương, xã Song Lãng chia sẻ: Tôi nhớ cảm xúc chung của mọi người khi đó là vui sướng, tự hào vì bắt sống được giặc, lại vừa căm giận giặc Mỹ đã gây nhiều tội ác cho nhân dân Việt Nam. Nhiều người vì căm phẫn quá định xông vào đánh tên giặc nhưng bà con dân làng rất nhân ái, đã bảo vệ cho tên phi công được an toàn trước khi giao cho chính quyền xử lý. Chính lúc đó, chúng tôi đã thấm thía bài học về lòng dũng cảm và tinh thần nhân văn của nhân dân ta.

Thành tích quả cảm bắt sống giặc lái Mỹ của những chàng trai dân quân ngày ấy đã tạo động lực mạnh mẽ để nhân dân Đông Phú tiếp tục kiên cường vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Kết thúc những năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Song Lãng đã chi viện 3.050 tấn lương thực, 1.200 tấn thịt lợn, 20 tấn gia cầm; tiễn đưa trên 2.000 thanh niên vào chiến trường, góp phần cùng quân và dân cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. 

Đến nay, Song Lãng là một trong những xã về đích nông thôn mới sớm, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Chiến công bắt sống giặc lái Mỹ ngày nào đã trở thành lịch sử nhưng luôn là điểm tựa để cán bộ, nhân dân Song Lãng đoàn kết, vượt khó vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.


Ông Đỗ Hữu Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Song Lãng (Vũ Thư)

Tôi cho rằng chiến công bắt sống giặc lái Mỹ không chỉ có ý nghĩa lớn tại thời điểm lịch sử 50 năm trước mà nó còn góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân Song Lãng suốt những năm qua, ở hiện tại và tương lai. Những năm qua, các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa Song Lãng về đích nông thôn mới từ năm 2014, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.  
Cô giáo Đỗ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Lãng


Đối với nhà trường, truyền thống anh dũng, kiên cường của cha ông nhất là sự kiện bắt sống giặc lái Mỹ chính là những “chất liệu” tuyệt vời để chúng tôi giáo dục cho các em học sinh về tình yêu quê hương đất nước. Trong các dịp đặc biệt, Trường đã phối hợp với địa phương, các nhân chứng lịch sử để dựng lại hoạt cảnh nhân dân Song Lãng bắt sống giặc lái Mỹ theo hình thức sân khấu hóa. Tôi thấy các em nhỏ rất hào hứng tìm hiểu và xúc động, tự hào về ông cha mình, từ đó sẽ góp phần giáo dục các em có ý thức rèn luyện, học tập để giữ gìn truyền thống quê hương.
Ông Phạm Văn Doanh, nhân chứng lịch sử trong vụ bắt sống giặc lái Mỹ 

Hiện nay, trong 3 người trực tiếp tham gia bắt sống giặc lái Mỹ năm 1967 thì 2 người đã mất, chỉ còn lại mình tôi cũng cao tuổi rồi. Hiện nay, hiện vật còn ít, cánh đồng Phú Mãn lại không còn vết tích gì của sự kiện bộ đội và nhân dân ta bắn rơi máy bay 50 năm trước, thế hệ trẻ có muốn tìm hiểu lịch sử cũng khó. Theo tôi, các cấp chính quyền có thể cắm biển giới thiệu tại vị trí máy bay rơi, vị trí tên giặc lái Mỹ bị bắt sống năm 1967, trong các dịp lễ, tết lồng gắn tuyên truyền về sự kiện lịch sử này góp phần gìn giữ, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương.


Quỳnh Lưu

Đặng Xuân Lê - 4 năm trước

Xin đề nghị cấp có thẩm quyền cắm mốc vị trí máy bay rơi, vị trí bắt phi công... để gíao dục truyền thống LS địa phương... tôi nhớ hồi đó tôi có chạy bộ xuống xem, nhưng vì nhỏ tuổi nên không nhớ rõ. có lần chúng tôi đã tranh luận vấn đề này... gần đây trên mạng XH có người TBNTSR nói máy bay mí rơi năm 1965... và có người tranh luận lại... Nhân đây Xin hỏi: vậy máy bay chính xác rơi bên trong đê hay ngoài bờ đê (phía bờ sông).... Xin cảm ơn!

Tải thêm