Thứ 4, 24/04/2024, 07:11[GMT+7]

Áo trắng trong rừng

Thứ 6, 28/04/2017 | 17:59:31
1,117 lượt xem
Sát cánh cùng lực lượng vũ trang những y bác sĩ quân y thuộc Đội điều trị 86 đã đi khắp các chiến dịch: Kokava, A Bia, Cốc Bai, đường 9 Nam Lào… đặc biệt là cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, trong đó tổ phẫu thuật thuộc Đội điều trị 86 Trị Thiên Huế phần đông là người Thái Bình họ đã kiên cường bám trụ liên tục 25 ngày đêm, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm xông pha dưới làn mưa bom, bão đạn để đến từng ngôi nhà, góc phố vừa đánh địch vừa cứu chữa cho thương binh.

Bác sĩ Đào Ngọc Toàn người trực tiếp chiến đấu cùng Đội điều trị 86 kể lại: Thực hiện nhiệm vụ cứu chữa thương binh tại các chiến trường trọng điểm ác liệt, ngày 10/7/1966, Đội điều trị 86 được thành lập gồm 78 cán bộ do bác sĩ Nguyễn Thế Kiệt phụ trách. Vào đến Quảng Bình thì được lệnh dừng lại thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến dịch đường chín Khe Sanh sau đó tiếp tục vào chiến trường Trị Thiên Huế. Trước tết Mậu Thân khoảng gần nửa tháng, ông Toàn được cử đi trinh sát nắm tình hình xung quanh thành Huế và Bệnh viện Mang Cá. Nhờ sự tận tình giúp đỡ của nhân dân địa phương, ông Toàn đã làm tốt công tác dân vận, cùng nhân dân địa phương xây dựng được cơ sở phục vụ tốt cho công tác điều trị của đội phẫu thuật ngay cả trong tình hình kiểm soát gắt gao của kẻ địch.

 Bác sĩ Vũ Doãn Trúc, người quê Thái Bình tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội cùng khóa với bác sĩ Đặng Thùy Trâm lúc đó được cử làm tổ trưởng 3 Đội điều trị 86 về huyện Phong Điền làm nhiệm vụ mổ cấp cứu thương binh. Lúc này đã cận tết, nỗi nhớ nhà hiện rõ trên từng gương mặt lính trẻ. Với những bác sĩ mới tốt nghiệp ra trường đang tập làm quen với quân ngũ nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ trường lớp, bạn bè càng làm cho tâm trạng bồn chồn tăng lên gấp bội. Thế nhưng, nhiệm vụ đã chọn các anh, các chị, sự sống còn của thương binh nằm trong tay họ khiến cho cả đội không ai thốt lên một tiếng thở dài. Là lính quân y trẻ nhất đội, ông Toàn được trang bị một túi thuốc, một bộ dụng cụ cứu thương, một khẩu AK và 5 quả lựu đạn trong đó có một quả nổ tức thì dành cho trường hợp bị địch bắt. 25 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị, Đội điều trị 86 đã cứu thương, nuôi dưỡng, bảo vệ chuyển về tuyến sau 3.000 lượt thương binh an toàn. 

Ngày 25 tết Mậu Thân, Đội nhận lệnh của cấp trên phân tán lực lượng ra từng tốp nhỏ về xã Quảng Hòa. Lúc này quân Mỹ tăng cường rải bom đánh phá các trọng điểm trong rừng thuộc hai huyện Quảng Hòa và Phong Điền, mười hai người thuộc tổ phẫu thuật do bác sĩ Đàm Thiếu Huê và Vũ Doãn Trúc phụ trách đã hy sinh, hai cán bộ bị địch bắt, ngoài ra còn rất nhiều bộ đội bị thương và hy sinh. Ban ngày vừa cứu chữa thương binh vừa chống trả quân địch và biệt kích, ban đêm Đội điều trị cùng bộ đội vận chuyển và giấu thương binh vào sâu trong rừng nhằm tránh sự truy sát của quân địch. Những chiến sĩ “áo trắng” vừa làm nhiệm vụ cứu thương vừa sẵn sàng bắn trả quân địch tập kích hòng bắt sống thương binh, có nhiều chiến sĩ “áo trắng” hy sinh trong khi đánh trả quyết liệt quân địch tập kích, có người lấy thân mình che cho thương binh khi bom đạn quân thù thả xuống khu điều trị của đội. Dòng máu tươi thắm của tuổi thanh xuân nhuộm đỏ áo bloure trắng khi cuộc đời chưa một lần được yêu.

Ảnh tư liệu.

Có lần, bác sĩ Vũ Doãn Trúc được tăng cường vào xã Quảng Hòa để mổ 15 ca thương binh nặng, trong đó 6 ca đại phẫu. Cuộc mổ kéo dài đẫy hai ngày, đến ca cuối cùng thì quân địch tràn tới. Chúng nã pháo, xả đạn đại liên như vãi vào khu điều trị. Toàn bộ hầm bí mật của quân ta đều dành để giấu thương binh, cán bộ quân y cùng bộ đội vừa đánh trả vừa nhử địch ra xa khu điều trị.

Cuộc chiến không cân sức giữa bộ đội ta và quân địch trước tết Mậu Thân diễn ra ác liệt. Bộ đội ta từ căn cứ trong rừng mở nhiều đợt tấn công cứ điểm trong thị xã, thị trấn, quân địch cũng tấn công trả lại khiến bộ đội ta bị thương và hy sinh khá nhiều. Đội điều trị 86 lại tiếp tục cử người vào nội thị đưa thương binh ra ngoài cứu chữa. 

Có một kỷ niệm không bao giờ quên khi bác sĩ Vũ Doãn Trúc vào một nhà dân có thương binh của ta chạy vào vừa phẫu thuật vết thương cho thương binh xong thì nghe tiếng súng nổ chát chúa, chuyển thương binh xuống hầm vừa xong chưa kịp lau vết máu trên sàn nhà thì một nhóm ngụy chạy vào, chị chủ nhà cũng vừa đi chợ về có hai con cá chép trong rổ, chị nhanh trí lấy dao mổ bụng hai con cá vứt lòng cá ra sàn rồi lấy vội cái chổi quệt qua, quệt lại, những vết máu của thương binh được lớp máu cá phủ lên đã che mắt quân thù, chúng hỏi chị vài câu vu vơ rồi chửi tục bỏ đi. Nhờ sự nhanh trí và che chở của nhân dân mà bộ đội ta cùng các bác sĩ quân y của Đội điều trị 86 đã nhiều lần thoát khỏi sự vây hãm của kẻ địch.

Lúc này, bác sĩ Vũ Doãn Trúc phụ trách tổ điều trị 3 tập trung cứu chữa thương binh ở xóm 1 khu Kokava bị địch ném bom và nã pháo ác liệt, chúng quyết san phẳng khu Kokava nhằm bình địa khu trú của quân ta, bác sĩ Trúc bị thương nặng mất mắt trái, vết thương thấu ngực, chấn thương sọ não cùng 30 thương binh được đưa ra ngoài vòng vây an toàn về hậu cứ.

 Là bệnh viện dã chiến, những năm chống Mỹ, Đội điều trị 86 cùng nhân dân Trị Thiên Huế đã chịu đựng gian khổ, hy sinh vừa làm nhiệm vụ cấp cứu, thu dung điều trị thương, bệnh binh vừa đào hầm giao thông, trực tiếp cầm súng đánh trả các đợt tập kích của địch, bảo đảm an toàn tính mạng cho thương binh. Chỉ có tình thương vô bờ bến với thương binh thì những chiến sĩ “áo trắng” 86 mới có đủ tinh thần, sức mạnh để mỗi người chăm sóc được hàng chục thương binh, mỗi bác sĩ mổ cho 5 - 6 thương binh một ngày trong hoàn cảnh chịu đói, rét, một y tá tiêm một ngày từ 200 - 250 mũi vẫn bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, các chiến sĩ áo trắng đã vào tận rừng sâu để đào củ mài, hái quả, hái rau hoặc xuống suối bắt cá, bắt tôm làm thức ăn tăng cường sức khỏe cho thương binh. Năm 1971, những chiến sĩ áo trắng của Đội điều trị 86 lại góp phần đánh bại chiến dịch hành quân Lam Sơn của Mỹ - ngụy. Đội điều trị 86 luôn vượt lên khó khăn, đấu tranh với tử thần giành lại sự sống cho thương binh, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch.

Bác sĩ Vũ Doãn Trúc, nguyên tổ trưởng điều trị 3 thuộc Đội điều trị 86 Trị Thiên Huế, số nhà 498, phố Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ niệm về Đội điều trị 86 anh hùng trong những ngày gian khổ của cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với chiến thắng vang dội 30/4/1975 không bao giờ nhạt phai trong trí nhớ của tôi. Giờ đã nghỉ hưu với thương tật 1/4 tôi có dịp ngẫm suy về tình đồng đội, đặc biệt là sự đùm bọc, gắn bó, che chở, nuôi dưỡng, chăm sóc thương bệnh binh của nhân dân Trị Thiên Huế càng khẳng định không có nhân dân Trị Thiên Huế thì Đội điều trị 86 chúng tôi cũng không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ông Đào Ngọc Toàn, nguyên bác sĩ quân y Đội điều trị 86, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình

Những kỷ niệm về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử đại thắng mùa xuân 1975 không bao giờ tôi có thể quên được, bởi đó là sự kết nối của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược phải đổi bằng xương máu, rất nhiều đơn vị bộ đội hy sinh không còn một ai, nhiều chiến sĩ hy sinh vẫn chưa tìm thấy hài cốt, nhiều chiến sĩ trở về trên mình mang đầy vết thương và những vết thương không mảnh đạn nhưng di chứng chiến tranh lại hết sức nghiệt ngã và nặng nề: nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Đội điều trị 86 chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Bà Trần Bích Ngọc, nguyên bác sĩ Đội điều trị 94 chiến trường Trị Thiên Huế

Từng công tác và chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ quân y Đội điều trị 86 tôi rất cảm phục tinh thần tiến công quả cảm của các anh, đặc biệt bác sĩ, Đội trưởng 86 Nguyễn Thế Kiệt đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ thương binh, số anh em còn lại đều bị sức ép hoặc bị thương nặng. Tôi nhớ mãi trường hợp chiến sĩ Nguyễn Công Kha người thị xã Thái Bình bị thương ngày 14/4/1967 trong vòng vây của địch, bảy ngày sau đơn vị mới đến giải cứu cho anh, lúc này anh Kha đói lả, da bọc xương nằm thoi thóp, sau tai, hai khóe mắt, các kẽ chân, kẽ bàn tay đều có những con vắt căng mọng máu. Vết thương bàn chân của anh bị nhiễm trùng thối rữa, có dòi đã được các bác sĩ, y tá của Đội điều trị 86 cứu sống, chữa trị đưa về hậu cứ an toàn.



Lê Quang

  • Từ khóa