Thứ 6, 19/04/2024, 16:02[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 9)

Thứ 2, 12/06/2017 | 08:52:08
6,103 lượt xem
Dốc Miếu Cồn Tiên hơn 40 năm sau. Những người tham gia cuộc chiến tranh năm ấy không còn nhận ra dấu vết trận đánh lịch sử mà họ đã có mặt. Nhưng trong ký ức về trận đánh họ vẫn nhớ.

Xe tăng địch bị tiêu diệt trên chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu

Cồn Tiên là căn cứ quan trọng của địch, nằm án ngữ phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Địch đổ xuống đây một tiểu đoàn lính Mỹ và hai đơn vị pháo 105. Các chiến sĩ Trung đội 3 thuộc Trung đoàn 27 được giao nhiệm vụ tiếp cận quân địch, vây ép, hỗ trợ cho đơn vị bắn tỉa tiêu diệt từng bộ phận lính Mỹ. Xung quanh căn cứ địch rào thép gai nhiều lớp và gài mìn bên trong. Bên ngoài là vành đai trắng. Vào đồn địch bằng cách nào? Các chiến sĩ Trung đội 3 vừa bò vừa gỡ mìn chui qua các lớp rào điện tử trong điều kiện rất căng thẳng, địch liên tục canh phòng. Nhưng chúng đâu có ngờ quân giải phóng lại nằm ngay trong hàng rào sát căn cứ của chúng.

Người cán bộ trực tiếp đánh trận Dốc Miếu Cồn Tiên năm xưa, chính ông cũng không thể tưởng phía đối phương cực mạnh, đơn vị ông vẫn trụ được trong lòng địch, bắn tỉa tiêu diệt không ít quân địch. Chúng hoang mang không biết đạn bắn tới từ đâu. Nằm trong lòng địch, bám thắt lưng địch mà đánh. Có lẽ chỉ có trong cuộc chiến tranh Việt Nam mới có cách đánh táo bạo như vậy. Ăn uống chỉ có nước lã, gạo rang, lương khô, không tắm, không giặt. Hơn 50 ngày như thế, cuộc đời người lính thật phi thường.

Trên đường rút quân từ căn cứ Cồn Tiên ra ngoài, các chiến sĩ Trung đội 3 vừa rút vừa đánh, đã bắn cháy 3 xe M113 và tiêu diệt gọn một trung đội lính Mỹ.

Ông Preton Wood - cựu binh Mỹ từng có mặt ở chiến trường Dốc Miếu thú nhận ông đã bắn chết một chiến sĩ quân giải phóng. Ông nói về những điều băn khoăn của mình khi đó: Thực sự tôi không biết tại sao bạn tôi lại gọi người lính Việt Nam là Việt cộng. Tôi tôn trọng người Việt Nam. Có rất nhiều người chiến đấu chống chúng tôi, tôi không nghĩ họ là kẻ thù. Anh biết đấy, tôi đã giết người. Một lần trong chiến dịch, khi tôi trong đội hỗ trợ cứu thương tôi đã bắn chết một Việt cộng. Khi tôi đến gần, anh ấy đang chết. Tôi tiêm cho anh ấy một mũi Morphin để anh ấy chết một cách thanh thản hơn. Tôi không ghét kẻ thù, tôi giết anh ấy để tôi được sống.

Một thời giành sự sống bằng việc giết người như thế. Cũng là thời người lính Trung đoàn 27 viết nên những trang sử bi hùng trên mảnh đất Dốc Miếu Cồn Tiên. Dẫu thời gian đã xóa nhòa dấu tích nhưng chiến tích những ngày Cồn Tiên anh hùng đã mấy  ai quên.

Chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Abram hoàn toàn bị phá sản.

Ngày đó, khi quân đội Mỹ đổ xuống, chúng nghĩ sẽ đè bẹp lực lượng đối phương. Nhưng các chiến sĩ Trung đoàn 27 đã lật ngược tình thế. Người Chính ủy Trung đoàn cho biết, đánh bại hai tiểu đoàn địch, bắt sống cả hai tiểu đoàn trưởng của chúng quả là một trận đánh kỳ diệu.

*

*            *

Người lính Mỹ bị sát thương và nhiễm chất độc da cam ở chiến trường miền Nam Việt Nam năm 1968. Hơn 40 năm sau chúng tôi gặp ông ở Boston, ông cho biết: Đáng tiếc là dường như chính phủ Mỹ đã theo đuổi chính sách tiếp diễn các cuộc chiến tranh, tiến hành hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Họ vẫn chưa thấm bài học từ chiến tranh Việt Nam. Tôi không biết nói gì hơn nhưng tôi tin là khi làm nhiệm vụ cùng một nhóm người về sự tương đồng giữa cuộc chiến tranh Iraq và chiến tranh Việt Nam họ không biết gì về lịch sử Việt Nam, không hiểu về con người Việt Nam, không hiểu tình hình chính trị. Họ cứ thả bom từ máy bay xuống đất và họ gọi việc làm đó là chủ nghĩa yêu nước. Ném bom giết hại người khác lại cho là chủ nghĩa yêu nước. Chính sự sai lầm hành động và tư tưởng như thế đã đẩy lính Mỹ nơi chiến trận như ông Brian suýt mất mạng.

Sau khi đánh Dốc Miếu Cồn Tiên, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 27) phối hợp đánh căn cứ Phu Lơ - Đồi Tròn. Phu Lơ - lá chắn thép phía Tây Bắc Quảng Trị và là con mắt thần của hàng rào điện tử McNamara. Các chiến sĩ xông lên đánh cao điểm 322 và cao điểm 288, hình thành thế bao vây quân địch. Lúc này, một số người dân bị địch ép đi trước để làm bia đỡ đạn. Chính trị viên Tiểu đoàn Trần Xuân Ứng bí mật tiến lên hướng dẫn để người dân lánh vào nơi an toàn. Khi quân địch lọt vào trận địa, quân giải phóng đồng loạt tấn công. Đại đội 1 đánh chiếm cao điểm 322. Đại đội 3 và Trung đội cối 82 đánh chiếm cao điểm 288. Sau đó, các chiến sĩ bao vây đội hình địch lên thay quân trên Phu Lơ, Tiểu đoàn 3 đánh chặn nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Với lối đánh quả cảm, táo bạo, các chiến sĩ quân giải phóng đã làm chủ trận địa, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai tiểu đoàn ngụy.

Trở lại vùng đất có tên gọi Sáp Đá Mài, nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu đáng nhớ của Trung đoàn 27 góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Mỹ Abram tháng 4/1970.

Vùng Sáp Đá Mài ngày ấy đạn bom cày nát, giờ đây cây rừng xanh tươi. Nơi một đơn vị bộ binh cơ giới Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, có sự tăng cường của máy bay trực thăng chiến đấu. Với chiến thuật “Trâu rừng”, chúng tưởng sẽ nghiền nát đối phương. Cán bộ Đại đội 2 nhanh chóng triển khai phương án tác chiến và phân công nhau đi nắm tình hình, tiếp cận mục tiêu. Trận ấy, chiến sĩ Phùng Văn Khoát quê Phú Thọ đã anh dũng lập công xuất sắc, bắn loạt đạn đầu cháy 3 xe tăng địch.

Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Cam Lộ thường phối hợp chiến đấu với Trung đoàn 27. Sau ngày hòa bình, gia đình ông đã bỏ tiền dựng bia, xây nhà tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại khu vực Hồ Khê, xã Cam Tuyền. Nhớ lại những ngày chiến đấu, ông cho biết: Bị thua đau, địch bắn pháo phản công quyết liệt, anh em đơn vị bị thương và hy sinh khá nhiều. Nếu không kịp mai táng pháo sẽ bắn tan xác hoặc bị vùi lấp. Trời lại gần sáng, mọi người đành phải đưa các liệt sĩ ra sông Cam Lộ cất giấu, buộc đá vào từng thi thể rồi thả xuống sông, hôm sau khi im tiếng súng mới vớt lên mai táng. Chỉ có trong cuộc chiến tranh Việt Nam, người chiến sĩ mới có sáng kiến bảo vệ thi thể đồng đội một cách độc đáo như thế. Những anh hùng liệt sĩ nằm lại nơi đây dẫu có muôn lần tri ân báo đáp cũng chưa xứng với sự hy sinh to lớn ấy.

Chúng tôi - đồng đội của các anh, chỉ có nén hương lòng, thấu sao được nỗi niềm âm dương cách trở. Những người đã lấy máu xương đổi lại cuộc sống hòa bình cho dân, cho nước. Một sự hy sinh thấu động lòng người.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên