Thứ 4, 24/04/2024, 13:10[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 10)

Thứ 2, 19/06/2017 | 09:13:51
3,716 lượt xem
Vượt gần một nghìn cây số, tới vùng đất Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để tìm dấu tích một trận đánh độc đáo. Trong cuộc đời binh nghiệp của các chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 404 Quân khu 5 thì đây là trận đánh có một không hai diễn ra trên mảnh đất này.

Tượng đài chiến thắng Khâm Đức.

Kỳ 10: Khâm Đức - một trận quyết tử

Nơi Lữ đoàn 196 không vận Kỵ binh bay Amerykal đồn trú. Lữ đoàn Kỵ binh bay khá mạnh, chung quanh còn có 10 tiểu đoàn ngụy quân bảo vệ. Chúng cho rằng đây là nơi bất khả xâm phạm. Làm sao quân giải phóng lọt vào được.
Lính Mỹ hoàn toàn yên tâm. Bộ chỉ huy lữ đoàn địch không nghĩ lại có một đơn vị quân giải phóng tập kích ngay trong lòng chúng.
Các cựu binh Tiểu đoàn 404 nhớ lại ngày các ông tiếp cận căn cứ Khâm Đức nhân chứng sống một thời còn đây. Họ đang tái hiện lại trận đánh của đơn vị. Một trận đánh không cân sức. Tiểu đoàn 404 được Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ luồn sâu vào hang ổ của quân Mỹ tại căn cứ Khâm Đức. Các chiến sĩ phải đối mặt với đơn vị Kỵ binh Mỹ khá mạnh, đánh để tiêu diệt ý chí của chúng.
Nhân chứng vào thăm nơi dấu tích của trận đánh ngày đó cho biết: Mười sáu chiến sĩ chiến đấu, tiêu diệt một phần quân địch trong căn cứ Khâm Đức. Khi rút ra, cửa mở bị chặn, số phận mọi người sẽ ra sao?
Người lính Mỹ của Lữ đoàn Amerykal tham dự trận đánh với Tiểu đoàn đặc công 404 tại Khâm Đức ngày 5/8/1970 là ông Chritoppher Jensen Nh. Hiện ông đang sống ở bang New Hampshire, Hoa Kỳ.
Ngày đó, Chritoppher Jensen Nh là phóng viên mặt trận tại miền Nam Việt Nam. Các trận đánh diễn ra cùng những thương vong, chết chóc cả hai phía đều được ông ghi lại.
Qua thông tin mạng, biết ông có nhiều hình ảnh quay tại trận đánh Khâm Đức, chúng tôi đã tìm gặp ông ở thành phố Boston. Tại đây, chúng tôi được nghe ông kể lại trận đánh, được nghe câu chuyện hành trình của những thước phim ông quay được hơn 40 năm trước được mang về nước Mỹ và sau đó nó được trở lại Việt Nam.
Đây là hình ảnh sau khi kết thúc trận đánh ông Chritoppher  ghi được ngày 5/8/1970.
Sau nhiều năm cất giữ, đến cuối cuộc đời ông mới quyết định công khai thông tin về những hình ảnh này.
Tôi quay đoạn phim đó vào năm 1970, được quay trên phim 16mm. Vài năm trước tôi đã chuyển nó sang kỹ thuật số. Nó chỉ được cất đi thôi. Đến một ngày khi xem lại, tôi nghĩ thật không có nhiều thứ nói về vinh quang khi được tham gia trong chiến tranh. Và thật tuyệt vời khi được tham chiến. Tôi nghĩ mình nên đưa đoạn phim này lên Youtube để mọi người có thể thấy được sự thật. Tôi tự vấn có nên làm như vậy không. Tôi cho rằng thật khủng khiếp nếu như mọi người tận mắt nhìn thấy. Nhưng rồi lại nghĩ, có thể sẽ không tốt đẹp gì nếu các gia đình đó phải chứng kiến cảnh này. Tôi tự nhủ không nhiều khả năng ai đó tìm ra đoạn phim trên Youtube.
Thế là tôi đưa nó lên Youtube. Không lâu sau tôi rất ngạc nhiên khi thấy các dòng bình luận của những người thân nạn nhân ở Việt Nam nói rằng đó chính là người nhà của gia đình họ. Và họ hỏi tôi các ông chôn cất ở đâu vậy. Tôi quen với Rardy người trực tiếp chôn cất sau trận đánh, anh ấy nói sẽ sẵn sàng giúp. Đây là việc làm tốt. Anh biết đó, người Việt Nam đã đi tìm kiếm xác lính Mỹ nên việc giúp lại cũng là công bằng thông.
Lúc đầu ông Chritoppher không muốn công khai những hình ảnh ông đã ghi được vì ông cho rằng các gia đình ở Việt Nam sẽ phải đau lòng khi nhận ra người thân của mình trên những thước phim.
Đây là căn cứ Khâm Đức sau một đêm 16 chiến sĩ đặc công của Tiểu đoàn 404 tấn công Lữ đoàn Kỵ binh bay Amerykal. Những lính Mỹ đang thu dọn chiến trường.
Phía Mỹ số sát thương, chết trận đã được chuyển đi ra khỏi vùng chiến sự Khâm Đức, chỉ còn những chiến sĩ 404 cảm tử nằm lại. Bởi trước khi bước vào trận đánh, họ đã xác định sẵn sàng hy sinh. Mười sáu người quyết đánh bại ý chí của một lữ đoàn, làm sao tránh khỏi thương vong mất mát.
Chúng tôi ở đó 4 ngày, tôi ở cùng tiểu đội với 4 nhiếp ảnh gia. Lúc chứng kiến trận đánh, tôi đang làm nhiệm vụ canh gác với một người lính khác. Khi vừa hết ca trực, thay ca, về phòng ngủ, đột nhiên cuộc tấn công diễn ra. Rất nhiều âm thanh, bắt đầu như vậy đó.
Tôi nghĩ họ đã rất dũng cảm. Họ đến “Thewire” không xa chỗ của chúng tôi đồn trú. Một nhóm người ít ỏi tới tấn công một đoàn quân đông đảo hơn nhiều lần là một hành động rất dũng cảm.
Phía quân đội Mỹ nhiều sĩ quan và lính Mỹ bị trọng thương, bị tiêu diệt tại căn cứ. Thật vô ích.
Đứng tại nơi trận đánh quyết tử diễn ra hơn 40 năm trước, các cựu binh nhớ lại một đêm bi hùng nhất của đơn vị. Trận đánh thắng lợi nhưng không một chiến sĩ nào trở về.
Là phóng viên mặt trận ghi được hàng trăm thước phim tư liệu tại chiến trường miền Nam Việt Nam, với ông Chritoppher, trận đánh Khâm Đức và những thước phim ông quay được ở Khâm Đức ông bảo đó là những dấu ấn khó quên trong cuộc đời ông.
Nói thật là tôi không nghĩ họ đã thành công. Họ giết được nhiều lính Mỹ và gây nên những tổn hại cho chúng tôi. Thật đáng tiếc nhiều người của họ đã bị giết vì những lý do không tốt đẹp gì. Nhưng không thể phủ nhận họ là những người lính vô cùng can đảm. Hẳn là họ đã rất khó khăn khi phải tấn công như vậy.
Ông Phạm Công Hưởng, người rất có trách nhiệm. Ông kết nối thông tin với các cựu binh Mỹ, với nhà báo Chritoppher và nhiều lần cùng ban liên lạc 404 vào Khâm Đức làm việc, xác định nơi đồng đội của các ông hy sinh.
Trong chiến công chung của đơn vị 404, mọi người thường nhắc đến tấm gương 16 chiến sĩ cảm tử. Trong đó có Lê Thúy Quỳnh, người chỉ huy trận đánh đã quên mình, xông pha nơi đạn bom cho đến phút cuối cùng.
Những con người như Lê Thúy Quỳnh, như 16 chiến sĩ cảm tử đã đánh bại ý chí cả một lữ đoàn quân Mỹ.
Dẫu danh hiệu tôn vinh anh hùng các anh chưa được phong nhưng từ lâu các anh đã là anh hùng trong lòng Tổ quốc, trong lòng nhân dân.
Cựu binh - nhà báo Christopher hơn hai năm ở chiến trường miền Nam Việt Nam, nhiều ngày trực tiếp cầm súng và ghi hình tại trận đánh Khâm Đức. Khi trở về Mỹ ông sinh sống tại một thị trấn thuộc bang New Hampshire, tiếp tục với nghề báo và chụp ảnh.
Với Christopher, chiến tranh đơn thuần không chỉ là nỗi ám ảnh mà theo ông cái mất mát lớn nhất từ chiến tranh lại do chính con người vô nhân tính giết nhau, tàn sát lẫn nhau. Đó mới là nỗi ám ảnh buồn đau mà ông đã cảm nhận được.
Ồ, thật khó để tôi có thể biết được vì tôi không thuộc phe bên kia. Tôi nghĩ rằng rất có nhiều lính Mỹ can đảm đã bị chết. Ấn tượng của tôi là chúng tôi được trang bị tốt hơn, dễ dàng hơn nhiều so với những người lính miền Bắc Việt Nam. Tôi không thực sự hiểu được ở phe bên kia. Tôi cũng như nhiều lính Mỹ khác yên tâm hơn vì phía miền Bắc Việt Nam không có máy bay phản lực ném bom, không có xe tăng. Cả hai phía đều có những người lính hết sức dũng cảm. Thật là đáng tiếc chúng ta lại bắn giết lẫn nhau.
Cựu binh Tiểu đoàn đặc công 404, xuất phát từ ân tình với đồng đội, các ông đã tự nguyện góp sức, góp tiền tổ chức nhiều lần vào xác định vị trí để tìm và đưa đồng đội trở về. Nhưng đến nay hài cốt các chiến sĩ hy sinh trong trận Khâm Đức vẫn chưa tìm thấy. Lòng đất thì sâu, chiến trường thì rộng, cây rừng lấp khuất, biết các anh nằm ở đâu...

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Hoàng Sơn Lâm - 5 năm trước

Người chỉ huy cao nhất hy sinh cùng đồng đội là LÊ QUÝ QUỲNH không phải Lê Thúy Quỳnh, chức vụ d phó 404, sinh năm 1928, quê Quảng Bình.

Tải thêm