Thứ 6, 29/03/2024, 07:46[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 13)

Thứ 2, 10/07/2017 | 17:06:18
1,103 lượt xem
Tháng 1/1971, quân lực Việt Nam cộng hòa dưới sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ tổ chức cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh từ Quảng Trị cắt ngang sang hạ Lào nhằm phá hủy hệ thống hậu phương kho tàng của quân giải phóng và bao vây tiêu diệt lực lượng quân đội Bắc Việt.

Tại cứ điểm 31, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đứng trên đỉnh hầm chỉ huy đã bị đánh sập của Lữ đoàn 3 dù quân lực Việt Nam cộng hòa. Ảnh tư liệu

Kỳ 13: Chiến thắng Lam Sơn và cuộc động binh vùng biên giới

Chuyên gia quân sự Mỹ Joe Galloway cho là cuộc hành quân này thất bại vì ngay từ đầu đã mang tính phô trương. Các căn cứ của quân giải phóng là nơi họ phòng bị kỹ lưỡng, ngay không lực Hoa Kỳ đánh bom khốc liệt nhiều năm vẫn không làm gì nổi. Các chiến dịch trước đó Atteleboro và Junction đều đã thất bại. Việt Nam cộng hòa đưa quân vào đây là sa lầy trong thế trận đã bày sẵn.
Đúng như bình luận của chuyên gia người Mỹ, tuyến hành lang phía hạ Lào ngược sang đường 9 Khe Sanh và Quảng Trị là nơi tập trung rất nhiều binh lực hiện đại của quân giải phóng. Quân lực Việt Nam cộng hòa khi đồng minh của họ chưa tháo chạy còn không đương đầu nổi, trong chiến dịch Lam Sơn đơn phương, độc mã làm sao đọ sức được với quân giải phóng.
Một chiến dịch có thể nói quân giải phóng đã trút những đòn sấm sét, không chỉ đánh bại cuộc hành quân của quân lực Việt Nam cộng hòa mà đánh bại cả chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của người Mỹ. Cho dù Mỹ rút dần quân đội về nước nhưng pháo binh Mỹ, không quân Mỹ vẫn rất mạnh. Vậy mà vẫn không thay đổi được tình thế, thực chất chỉ là sự thay đổi màu da xác chết trên chiến trường.
Bị quân giải phóng phản công đập tan cuộc hành quân, những ngày cuối cùng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn hô hào quân đội của ông ta: “Chúng ta phải quyết đánh tới Seepon. Thậm chí biết là không thể ở lại đó lâu nhưng đây là điều danh dự, để cho cộng sản biết là chúng ta có thể đến được Seepon và ở lại đó dù chỉ là một ngày”.
Chẳng những không đến được Seepon ngày nào, đội quân của ông Thiệu còn phải quay trở lại với sự thất thần của những kẻ bại trận.
Kết cục, quân giải phóng đã tiêu diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch. Sự thay đổi chiến lược, chiến thuật của Mỹ đồng nghĩa với việc thay đổi màu da xác chết. Người Mỹ nhận ra điều đó, họ đã làm gì và hành động như thế nào sau cuộc hành quân Lam Sơn 719.
Chuyên gia Mare Steinr cùng các cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở miền Nam Việt Nam chúng tôi gặp tại Washington. Chuyên gia Mare Steinr cho biết: Đó là bài học đáng buồn của chính sách Mỹ áp đặt, Việt Nam hóa chiến tranh. Sự phối hợp của hai phía không tốt. Cuộc hành quân 719 - Mỹ chỉ ném bom dọn đường theo yêu cầu. Còn việc cả hai bên phối hợp hỏa lực, chiến thuật dùng không quân Mỹ hỗ trợ cho bộ binh Việt Nam cộng hòa thực hiện không hiệu quả, dẫn tới họ sa vào vòng tử trận, phải mở đường máu để thoát chết. Việt Nam hóa chiến tranh là vậy đấy.
Cũng theo chuyên gia Mare Steinr và một số nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mỹ nhận xét, tiến trình Việt Nam hóa chiến tranh mở ra không kỳ vọng, không đem lại điều gì, phiêu liêu và sai lầm. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, lính Mỹ không trực tiếp tham chiến nhưng vẫn huy động lực lượng không quân đánh hủy diệt hỗ trợ quân lực Việt Nam cộng hòa. Máy bay chiến đấu Mỹ bất lực. Trực thăng vận lọt vào vòng chiến thuật dày đặc vũ khí phòng không của quân giải phóng, bị bắn rơi hàng trăm chiếc. Cuộc hành quân đã không về tới đích, tổn thất không biết bao nhiêu tiền của của cả hai phía. Việt Nam cộng hòa mất quá nửa quân số. Trong khi đó, quân giải phóng, hệ thống kho tàng vẫn không ngừng hoạt động, vẫn ngày đêm tăng tốc tiến vào mặt trận phía Nam.
Một số cựu chiến binh Sư đoàn 7 còn có biệt danh Công trường bảy có dịp trở lại miền Đông Nam Bộ, mảnh đất một thời gian lao và anh dũng mà họ đã trải qua. Mảnh đất thấm đẫm máu xương của bao đồng đội. Trong ký ức của những người còn sống hôm nay, cái thời khốc liệt ngày ấy đã mấy ai quên được.
Khu căn cứ của quân giải phóng miền Đông, nơi tiếp nhận chi viện từ miền Bắc, vào đầu những năm 1970 địch tập trung đánh phá quyết liệt nhằm chặn tuyến đường tiếp tế từ miền Bắc qua Lào tới vùng Đông Bắc Campuchia rồi đổ vào các căn cứ ở Tây Ninh.
Bom đạn rải thảm khắp các nẻo đường nhưng địch vẫn không cản được con đường  chi viện cho miền Nam. Cựu binh Tiểu đoàn 526, các ông từng có thời kỳ tải đạn qua Tràng Bảng, Dốc Đỏ, Tây Ninh, chuẩn bị đánh chiến dịch đông xuân 1970 - 1971. Hơn 40 năm sau gặp nhau ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, nhớ lại một thời đạn bom sống chết bên nhau. Ngày ấy Tiểu đoàn 526 có hơn 500 chiến sĩ, nay chỉ còn gần 100 người.
Có một thời con người ta coi cái chết vì Tổ quốc là cái chết cao đẹp nhất. Ở chiến trường làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu, dù có hy sinh, đổ máu, các ông cũng sẵn sàng. Chính sự sẵn sàng ấy mà hơn 300 chiến sĩ 526 đã ra đi không trở về.
Đánh chiếm ba nước Đông Dương vốn là mục tiêu của người Mỹ. Cùng việc dùng vũ trang hỏa lực, Mỹ còn sử dụng con bài Lon Nol để thâu tóm đất nước Campuchia.
Một sự kiện quan trọng ảnh hưởng xấu tới ba nước Đông Dương sau này là việc Hoa Kỳ ủng hộ thủ tướng Campuchia, phế truất hoàng thân Norodom Sihanouk khỏi vị trí quốc vương và trao quyền lực khẩn cấp cho Lon Nol vào tháng 3 năm 1970. sau đó phát động chiến tranh chống cộng sản tại Campuchia theo yêu cầu của Lon Nol.
Ưu thế tạm thời trên chiến trường sau Mậu Thân đã dẫn Hoa Kỳ đến hành động này. Chiến trường Việt Nam và Campuchia rơi vào thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử. Khi quân giải phóng lui về bên kia biên giới Campuchia, Hoa Kỳ muốn tiêu diệt các căn cứ của đối phương tại đây.
Cuộc động binh đọ sức lại diễn ra quyết liệt trên khắp nẻo đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Thời vận bất lợi nhưng thời cơ lại hé mở. Một chiến thuật mới khi quân giải phóng phản công.
Nhân chứng cuộc đụng độ cam go nhất của một thời đoạn lịch sử vẫn còn đây. Cựu binh 141 Sư đoàn 7 mặt trận miền Đông vào thăm dấu tích năm xưa, làm sao có thể quên được những ngày giao tranh quyết tử, dành đất để chuẩn bị cho một thế trận mới sau này.
Quân ngụy Sài Gòn bị quân giải phóng dồn ép vào vùng sông nước Sê Công và dọc tuyến hành lang biên giới.
Lực lượng không quân gồm trực thăng và phi pháo Hoa Kỳ tăng viện cho quân ngụy bắn phá giải vây. Chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt. Cuộc tấn công chiến lược mùa xuân năm 1972 với quy mô lớn, đánh vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam cộng hòa trên cả ba hướng Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Một số chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng: Trong quá trình diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ quân giải phóng lại phát động cuộc tấn công ồ ạt dưới sự phối hợp của các lực lượng được trang bị tốt như vậy. Cuộc tấn công này mạnh hơn bất cứ những gì mà Việt Nam cộng hòa có được.

Tại cứ điểm 31, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đứng trên đỉnh hầm chỉ huy đã bị đánh sập của Lữ đoàn 3 dù quân lực Việt Nam cộng hòa.