Thứ 3, 23/04/2024, 16:07[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 14)

Thứ 2, 17/07/2017 | 08:40:05
944 lượt xem
Trong thời điểm này, trước nguy cơ sụp đổ của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chính trị gia một số nước lo ngại chiến tranh sẽ kết thúc sớm hơn. Phía bại trận lại thuộc về người Mỹ và quân đội Sài Gòn. Cần phải khống chế bên thắng trận. Họ đã tính đến một phương án khác.

Nụ cười của những người chiến thắng trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu.

Kỳ 14: Chọc thủng tuyến phòng thủ, đánh chiếm Thành Cổ Quảng Trị

Cuộc tấn công năm 1972 Hà Nội đã không nhận được sự ủng hộ từ hai đồng minh chủ chốt là Trung Quốc và Liên Xô do hai quốc gia này chỉ mong kết thúc nhanh một thỏa ước hòa bình với Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa tại Paris. Họ đã cắt giảm viện trợ, thậm chí còn gây sức ép lên Việt Nam dân chủ cộng hòa để buộc họ ngừng chiến đấu. Tuy thế, các nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ Cộng hòa vẫn quyết tâm khởi động một chiến dịch quy mô nhằm đánh bại triệt để Việt Nam hóa chiến tranh, dành lợi thế trên bàn đàm phán ở Paris.
Quân giải phóng liên tiếp chọc thủng ba tuyến phòng ngự, đánh tan rã đối phương khiến Mỹ và quân lực cộng hòa đều kinh ngạc. Hoa Kỳ buộc phải gấp rút điều động lực lượng Hải quân sang chi viện.
Không cân bằng thế trận. Mỹ tiếp tục đưa không quân gồm các loại máy bay chiến đấu tăng cường bắn phá, chặn đường tấn công của quân giải phóng.
Chiến lược Việt Nam hóa, Mỹ không còn nhiều quân dưới mặt đất, nhưng trên bầu trời đô la Mỹ, bom đạn Mỹ vẫn đổ xuống ngày càng tăng, nhằm duy trì cuộc chiến, trợ giúp cho quân đội Sài Gòn chống đỡ đối phương. Trên toàn cuộc đây là thời kỳ thay đổi màu da xác chết.
Tại miền Đông Nam Bộ quân giải phóng tấn công Bình Long. Sau khi thắng trận Lộc Ninh, tiến theo đường 13 đánh chiếm thị xã An Lộc, lần đầu tiên pháo binh và xe tăng quân giải phóng xuất hiện tấn công. Quân lực Việt Nam cộng hòa chống cự quyết liệt, thương vong, chết chóc cả hai bên rất cao.
Đường 13 bị truy quét, giải tỏa, quân địch co cụm dồn vào thị xã An Lộc cố thủ và gọi quân tăng viện ứng cứu. Chiến sự càng khốc liệt. Cuối cùng quân giải phóng phải rút khỏi thị xã, củng cố lực lượng cho những trận đánh tiếp theo.
Sau chiến dịch, quân giải phóng nắm giữ thêm 10% lãnh thổ miền Nam. Từ đây có thêm bàn đạp quân sự, mở rộng vùng giải phóng. Thị xã Lộc Ninh sau đó trở thành thủ đô mới của chính phủ cách mạng lâm thời.
Để có một mét đất được giải phóng biết bao người phải đổ máu, hy sinh. Trung đoàn 141, mặt trận Đông Nam Bộ khi kết thúc chiến dịch, hàng trăm chiến sĩ đã nằm lại nơi mặt trận.
Máu xương các anh hòa trong lòng đất, cho non sông mãi mãi bình yên. Chúng tôi một thời sống chết bên các anh, tự hào có những người đồng chí chấp nhận sự hy sinh cho đồng đội được sống.
Đó là cái đích cuối cùng, các chiến sĩ Trung đoàn 141 tiến vào giải phóng. Trên con đường tiến quân năm ấy, có biết bao chiến sĩ trở thành bất tử, có biết bao người làm nên lịch sử, làm nên một miền Đông gian lao và anh dũng. Một miền Đông rực lửa anh hùng.
Thời gian đã xóa đi sự tàn khốc của cuộc chiến tranh. Những người chiến binh năm xưa trở về thăm lại Quảng Trị, mảnh đất bi hùng nhất của một thời như vẫn còn đây đó. Một thời 81 ngày đêm đạn bom không ngừng hủy diệt mảnh đất này.
Tại đây tập đoàn phòng ngự dày đặc quân Việt Nam cộng hòa, cùng không quân Mỹ liên tiếp bắn phá, trút hàng triệu tấn bom đạn xuống Quảng Trị. Bất chấp lửa đạn, quân giải phóng đã tổ chức nhiều đợt phản kích tấn công. Hơn 40.000 quân ngụy hoảng loạn, tan vỡ. Thậm chí trung đoàn 56 sư đoàn 3 ngụy sỡ hãi đầu hàng bỏ hàng ngũ chiến đấu. Chỉ sau một vài tháng quân giải phóng đã chiếm hầu hết các vùng đất thuộc tỉnh Quảng Trị.
Quân giải phóng chốt giữ, quân ngụy đánh chiếm lại, hai bên quyết chiến. Bên nào thắng, bên ấy có thế mạnh trên bàn hội nghị tại Paris. Khi chiến thắng nghiêng về phía quân giải phóng, ngay lập tức Hoa Kỳ trả đũa bằng cách: Ném bom trở lại miền Bắc với cường độ rất ác liệt. Dùng B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu khác. Nhiều tốp máy bay B52 liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Gia Lâm. Hà Nội rung chuyển trong tiếng bom rơi đạn xé. Máu và nước mắt của quân dân Hà Nội đã đổ, trút căm thù trên họng súng, lưới lửa phòng không của ta dâng lửa, tìm địch mà diệt.
Ném bom hủy diệt các khu vực dân cư, một hành động cực đoan, tàn bạo mà chiến tranh thông thường không cho phép. Rải thảm B52 chưa đủ Mỹ còn dùng Hải quân thả thủy lôi, phong tỏa các hải cảng miền Bắc Việt Nam. Phá hoại nhiều cơ sở kinh tế, giao thông công nghiệp, quân sự nhưng chúng vẫn không làm thay đổi được lập trường của Hà Nội. Quân giải phóng vẫn dồn dập tấn công. Chiến thắng từ các mặt trận, đặc biệt tại Quảng Trị đã ảnh hưởng tích cực tới cuộc đàm phán hội nghị bốn bên tại Paris.
Vừa đánh, vừa đàm đã đem lại hiệu ứng tích cực cho hội nghị. Cuối năm 1972 Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa đạt được thỏa hiệp cơ bản hiệp định Paris.
Khi một bên thắng thế trên chiến trường, đàm phán thường bế tắc. Điều đó đúng với hội nghị Paris suốt thời kỳ từ 1968 đến năm 1972. Thời kỳ này các bên dùng hội nghị như một diễn đàn để đấu tranh chính trị. Các cuộc họp chính thức chỉ mở màn tranh luận, tố cáo lẫn nhau. Chỉ có các cuộc họp tiếp xúc bí mật của ông Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ. Sau đó hội nghị Paris mới đi vào thực chất của thỏa hiệp.
Đầu năm 1973 Hoa Kỳ buộc phải rút hẳn đội quân viễn chinh Mỹ về nước. Đây là hình ảnh quân đội Mỹ đang rút khỏi Miền Nam Việt Nam. Trở lại mạnh đất Quảng Trị thời kỳ cam go nhất. Quân lực Việt Nam cộng hòa đem hết số quân dự bị quyết tái chiếm thị xã Quảng Trị cùng với việc tăng cường bắn phá của không quân Hoa Kỳ. Quân giải phóng quyết tâm giữ vững khu vực thành cổ đã chiếm. Chiến sự diễn ra cực kỳ ác liệt. Đạn bom dội xuống suốt ngày đêm. Thương vong tử trận hai bên rất lớn.
Trong lịch sử chiến tranh, chưa có cuộc chiến tranh nào tàn khốc như  cuộc chiến trong Thành Cổ Quảng Trị. Hai bên giành nhau từng khúc hào, từng mét đất. Bom đạn cày đi, xới lại. Các chiến sĩ quân giải phóng chiến đấu quyết tử, bám trụ, giữ thành Quảng Trị bằng mọi giá.
Không quân Mỹ đánh bom liên tục, dọn đường cho quân lực Việt Nam cộng hòa tái chiến thành cổ. Cuộc chiến diễn ra ngày càng khốc liệt. Một độ đạn bom dày đặc, phi pháo, máy bay, quần đảo suốt ngày đêm, phía quân giải phóng người trước ngã xuống, người sau xông lên, tất cả cùng quyết tử vì nhân dân Quảng Trị.
Gần 3 tháng giao tranh, cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Tới trung tuần tháng 9/1972 những trận đánh dữ dội vẫn diễn ra trong Thành Cổ Quảng Trị. Dù được hỗ trợ tối đa của không quân Mỹ, quân đội Sài Gòn vẫn không tái chiếm được thị xã Đông Hà và một số vùng đã mất trước đó.
Đây là những binh sĩ thuộc lực lượng Việt Nam cộng hòa còn sống sót sau chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và một số chiến dịch khác họ đã từng tham gia. Các binh sĩ cũng cho biết: Người Mỹ - kẻ chủ mưu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, họ nghĩ gì khi chính họ đã đẩy không biết bao người Việt Nam vào hoàn cảnh bi thảm như thế này.
Một người trong cuộc ở phía bên kia chiến tuyến, khi kết thúc chiến tranh, ông làm nghề viết tiểu thuyết lịch sử. Nói về Quảng Trị, ông cho biết: Đã có hơn 7 triệu lượt người tới đây tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong Thành Cổ Quảng Trị.
Để có những ngày Quảng Trị bình yên và tươi đẹp như hôm nay. Biết bao chiến sĩ quân giải phóng đã nằm lại mảnh đất này. Họ không chỉ làm nên chiến công, dấu ấn một thời Quảng Trị mà chính dòng máu anh hùng của người chiến sĩ đã làm nên một Quảng Trị anh hùng.
Dòng sông Thạch Hãn một trong những địa danh quân giải phóng thường qua lại chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đây.
Hàng năm, mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhân dân địa phương và các cựu chiến binh lại tập trung bên bờ Thạch Hãn thả hoa xuống dòng sông, tỏ lòng ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đã hy sinh quên mình, vì Tổ quốc, vì nhân dân.

(còn nữa)
Ký sự của nhà văn Minh Chuyên