Thứ 6, 29/03/2024, 12:41[GMT+7]

Yêu thương thắm đỏ sân ga

Thứ 2, 17/07/2017 | 08:44:59
746 lượt xem
Thời khắc đau thương diễn ra tại ga đường sắt núi Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (gọi tắt là ga Gôi) cách đây 51 năm.

Báo Tiền Phong, Công ty Hastec Hà Nội phối hợp với Công ty Đường sắt Hà Ninh (Nam Định) tổ chức tưởng niệm liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hồng Mùi cùng 12 thanh niên xung phong hy sinh ngày 20/8/1966 tại nghĩa trang Tam Thanh, huyện Vụ Bản (Nam Định) nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Ga Gôi bảng lảng màn sương, mặt trời như trốn chạy sau dãy núi mờ xa, tiểu đội nữ thanh niên xung phong do A trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi chỉ huy san lấp hố bom, sửa chữa đường tàu chưa kịp về tới nơi trú quân thì kẻng báo động có máy bay Mỹ. Lũ giặc trời ào tới, tiếng máy bay rít ghê rợn xé toạc trời chiều, chúng dội bom như mưa xuống đoàn tàu chở hàng đang chờ lệnh xuất phát vào Nam. Trong chốc lát, sân ga Gôi khói bụi mù mịt, A trưởng A3, C895, N89 Nguyễn Thị Hồng Mùi nhận lệnh nhanh chóng triển khai phương án tác chiến lao tới cứu hàng, cứu tàu. Bom nổ, lửa cháy, khói độc cuộn lên bao trùm, tiểu đội nữ thanh niên xung phong nhiễm khí độc cứ lả dần, lả dần... A trưởng Mùi rời tay cứu hàng vừa kịp hà hơi thổi ngạt, cõng đồng đội ra khỏi làn khói độc rồi hơi thở của chị cũng lịm dần, chị đã anh dũng hy sinh khi vẫn còn cõng trên lưng đồng đội…

Thời khắc đau thương diễn ra tại ga đường sắt núi Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (gọi tắt là ga Gôi) cách đây 51 năm. Chiều tối ngày 20/6/1966, hàng đàn máy bay giặc Mỹ ào tới, tầm thấp bắn rốc két, tầm cao chúng dội bom như mưa xuống ga đường sắt núi Gôi. C895 nhận lệnh chỉ huy lao vào cứu hàng, cứu tàu. Bỗng nghe tiếng hô: “Tôi bị thương rồi”, nhìn kỹ mới thấy chị Đặng Thị Nhung, nữ thanh niên xung phong người Thái Bình đang quằn quại bên đường tàu, người đầm đìa máu. A trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi chạy tới cùng mấy chị em khác băng bó vết thương rồi chuyển chị Nhung đi cấp cứu nhưng vết thương quá nặng chị Nhung đã hy sinh. Lũ giặc trời lại tiếp tục quần đảo trên đầu, chúng ném thêm bom, bắn rốc két xuống đoàn tàu. Lửa cháy ngút trời. Nhiều toa tàu trúng bom cháy dữ dội, có toa hàng gạo đổ tràn ra đường tàu, gần đầu tàu có một toa hàng đang bốc cháy, khói da cam đặc sệt bốc lên, nhiều cán bộ, thanh niên xung phong lao vào cứu hàng, có chị vừa cõng bao hàng đã ngã khuỵu xuống, bọt mép sùi ra, thở ngắc ngứ. Không ngần ngại, A trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi xốc tới dùng miệng hút đờm dãi, hà hơi thổi ngạt, cứu sống nhiều đồng đội.

Ngày đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc với chiến trường miền Nam. Do đặc điểm đường sắt là tuyến cố định nên khi bị phát hiện, máy bay Mỹ thả bom, bắn rốc két xuống đoàn tàu khiến nhiều đoàn tàu, toa tàu bị phá hủy. C895 được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt từ ga Gôi huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; cầu ông Tào, ga Cát Đằng, cầu A2 vượt qua sông Đáy sang phía Nam núi Cánh Diều, thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình), sẵn sàng ứng cứu cho ga Nam Định, cầu Phủ Lý và sửa chữa tuyến đường tránh dự phòng bốc xếp hàng hóa lên tàu vận chuyển vào Nam. Ga Gôi là khu tập kết hàng hóa để chuyển vào chiến trường, do vậy, đây là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Trước khi là A trưởng A3, C895 thanh niên xung phong, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hồng Mùi là Bí thư Chi đoàn Thanh niên của xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà. Năng nổ, nhiệt huyết cách mạng và có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào “Năm tấn thắng Mỹ”, “Ba sẵn sàng” do Trung ương Đoàn phát động, chị được kết nạp Đảng khi tròn 18 tuổi. 

Thời điểm năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, không quân của chúng tập trung đánh vào 6 hệ thống mục tiêu: điện lực, công nghiệp, giao thông vận tải, kho dự trữ nhiên liệu, sân bay và các trận địa phòng không, các cơ sở quân sự, ga Gôi là một trong những mục tiêu trọng điểm mà không quân Mỹ nhắm tới ném bom phá hủy. Lúc này, phong trào “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần” được phát động sâu rộng trong đoàn thanh niên, Nguyễn Thị Hồng Mùi hăng hái gia nhập thanh niên xung phong. Với bản tính nhanh nhẹn, tươi vui, nhiệt tình cách mạng cao lại là đảng viên trẻ, ngay sau khi phiên chế vào Đại đội 895, ngành đường sắt chị đã được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng tiểu đội 3 thuộc đội 89 (N89). Đội 89 được giao nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng tuyến đường sắt Nam Định - Ninh Bình, công việc cụ thể là sửa chữa đường tàu, khắc phục hậu quả khi bị địch bắn phá tuyến đường sắt, trong đó trọng điểm là ga đường sắt núi Gôi và cung đường Trình Xuyên, địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. 

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 1966, ga Gôi đã hứng chịu hàng chục trận bom với khoảng 500 tấn bom, hàng chục quả rốc két và cả đạn nổ có chất độc gây thiệt hại nhiều tài sản và tính mạng nhân dân. A trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi là cán bộ chỉ huy trẻ, nhiệt tình, năng nổ, luôn chăm lo xây dựng tiểu đội đoàn kết, vững mạnh là mũi nhọn trong các phong trào. Những khi đội gặp khó khăn, nữ tiểu đội trưởng xinh đẹp có sức quy tụ chị em, anh em đồng đội của mình bằng chính những việc làm gương mẫu đầy sức thuyết phục. Câu nói nổi tiếng của chị khi còn chỉ huy tiểu đội 3 và sau khi chị hy sinh đã được lấy làm khẩu hiệu hành động cho toàn Đại đội 895: “Sống bám cầu đường, chết kiên cường, dũng cảm. Địch đánh, ta sửa, ta đi”. Chị được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nửa thế kỷ trôi qua, ký ức đau thương lùi xa dĩ vãng. Ga Gôi giờ đây không còn đơn lẻ là một ga xép đón chờ những chuyến hàng chuyển vào phương Nam, nhưng sân ga lúc chiều tà bóng ngả vẫn ngóng trông dáng hình những đoàn tàu trở về từ quá khứ, nơi ấy có liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hồng Mùi cùng 12 đồng đội hy sinh ngày 20/6/1966 trên vai vẫn rung rinh cành lá ngụy trang, những đôi môi căng mọng tuổi đôi mươi chưa một lần được yêu vẫn tươi nở nụ cười chiến thắng.



Ông Hoàng Công Ánh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hồng Mùi là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho lớp lớp đoàn viên thanh niên nhiều thế hệ noi theo. Đồng chí đã góp phần làm vẻ vang cho truyền thống yêu nước, cách mạng của người con quê lúa Thái Bình trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.


Bà Nguyễn Thị Kiều, cựu thanh niên xung phong C895, N89, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Minh Khai, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Hà

Tôi là 1 trong 5 người được liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hồng Mùi hút đờm dãi, hà hơi, thổi ngạt, cõng ra khỏi nơi khói độc. Chị đã hành động như một người thầy thuốc thực thụ, cứu sống nhiều đồng đội, trong đó có tôi. Khi chị ngã xuống và hy sinh trên lưng vẫn cõng tôi. Cả cuộc đời tôi mang ơn chị. Tôi vẫn mãi khắc ghi hình ảnh chị trong khói bom mù mịt, khói độc xông trào, chị nhanh như chim cắt cùng với công nhân đường sắt đẩy toa tàu hàng chưa cháy lùi về khu an toàn rồi nhảy lên toa tàu đang cháy bốc dỡ hàng hóa. Thấy chị em gục ngã dưới làn khói da cam đặc sệt, chị không ngần ngại lao vào cứu đồng đội. Chị dùng miệng mình hút đờm dãi, hà hơi, thổi ngạt. Đờm dãi đồng đội sặc mùi thuốc độc trộn lẫn mồ hôi ướt đẫm vai chị. Tôi và đồng đội được sống còn chị vĩnh viễn ra đi. Người nữ chỉ huy kiên trung, hiền hậu, anh hùng không tiếc thân mình cứu hàng, cứu tàu, cứu sống đồng đội mãi là tấm gương sáng để đời tôi soi mãi.


Cựu chiến binh Đinh Nhật Lệ, nguyên Phó Bí thư Chi bộ TNXP C895, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Hưng Hà

Tiểu đội 3 do đồng chí Nguyễn Thị Hồng Mùi làm tiểu đội trưởng lao vào cứu hàng, cứu tàu trong làn bom rơi đạn nổ, khói độc từ toa hàng bốc ra. Sau hai giờ cứu hàng, cứu tàu, nhiều anh chị em thanh niên xung phong bị trúng khí độc lả dần và hy sinh. Vì tình yêu thương đồng đội, đồng chí Mùi đã không quản ngại khó khăn, trong lúc khói bom trộn lẫn khói độc dày đặc đồng chí vẫn lao vào tìm đồng đội hà hơi, tiếp sức, cõng đồng đội ra khỏi nơi nguy hiểm còn mình chấp nhận hy sinh. Những năm tháng chiến đấu trong rừng Trường Sơn tôi vẫn luôn nhớ về hình ảnh người đảng viên trẻ Nguyễn Thị Hồng Mùi cứu hàng, cứu tàu, cõng đồng đội và hy sinh hết sức cao cả vì đồng đội thân yêu.


Quang Viện