Thứ 7, 20/04/2024, 17:51[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 16)

Thứ 2, 31/07/2017 | 08:53:18
1,434 lượt xem
Sau khi bị đánh bại ở Buôn Ma Thuột, tuyến phòng thủ Bắc Tây Nguyên bị bao vây uy hiếp, tướng ngụy Phạm Văn Phú thực hiện lệnh của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ Tây Nguyên, tập hợp tàn quân rút về cố thủ tại các tỉnh ven biển miền Trung. Chúng rút theo đường 14 từ Pleiku đi xuống phía Nam, mục tiêu là thoát xuống thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Sáng ngày 29/3/1975, xe tăng và lực lượng vũ trang Quân khu 5 và Quân đoàn 2 từ bốn hướng đánh thẳng vào Đà Nẵng, pháo kích sân bay, quân cảng và các vị trí quan trọng khác, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, làm tan rã 100.000 quân địch, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm của địch. Ảnh tư liệu.

Kỳ 16: Giải phóng miền Trung

Cuộc tháo chạy của quân ngụy không bảo toàn được quân số mà tạo nên một làn sóng hoảng loạn lan khắp các vùng, làm rệu rã tinh thần binh lính. Một số lượng quân lớn bỏ chạy trên quãng đường dài hàng trăm ki-lô-mét không có kế hoạch. Rất nhiều binh sĩ mang gia đình chạy theo đã khiến dòng người, xe cộ ùn tắc, náo loạn. Cảnh xô đẩy, tranh giành cướp giật trở thành thảm họa trên suốt chặng đường tháo chạy.

Quân ngụy tinh thần suy sụp, rệu rã. Giữa lúc đó, quân giải phóng bám sát chặn đánh lực lượng địch co cụm tại Cheo Reo - Phú Bổn.

Quân ngụy tan tác. Tây Nguyên thất thủ, trên 12 vạn quân đồn trú bị tan rã. Sư đoàn 23 quân lực Việt Nam cộng hòa trên 1 vạn quân tháo chạy về tới Tuy Hòa chỉ còn 36 người.

Ngày 18/3, trên đà chiến thắng, quân giải phóng tiếp tục bao vây truy quét quân địch trên khắp dải đất miền Trung.

Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết: Ba trung đoàn thiết giáp, sáu liên đoàn quân biệt động cùng toàn bộ sở chỉ huy quân đoàn 2 ngụy bị tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu. Đây là hình ảnh quân ngụy bị bắt cùng trang bị vũ khí kỹ thuật, xe cộ, máy móc của quân đội Sài Gòn bỏ lại sau khi bại trận.

Tất cả những phương tiện chiến tranh này hầu hết do quân đội Mỹ sau khi rút khỏi miền Nam Việt Nam đã để lại cho quân đội Sài Gòn sử dụng. Trên bãi chiến trường bên thua trận ngổn ngang những loại vũ khí đó. Dù chúng có hiện đại bao nhiêu cũng không cứu được một đội quân đã không còn sức chiến đấu.

Một cuộc tháo chạy của quân ngụy cùng người thân di tản hòng tránh tội lỗi và thoát chết. Những tư liệu này là bằng cớ về một cuộc chiến giữa người thắng trận - quân giải phóng và kẻ bại trận - quân đội Việt Nam cộng hòa.

Các cựu binh, dù trực tiếp ở Tây Nguyên hay ở chiến trường khác, với họ, chiến thắng Tây Nguyên là một dấu ấn không bao giờ quên.

Toàn bộ vùng núi rừng 5 tỉnh Đắk Lắc, Công Tam, Gia Lai, Phú Bổn, Quảng Đức hoàn toàn được giải phóng. Hơn 60 vạn đồng bào các buôn làng mừng vui chào đón đoàn quân giải phóng đã anh dũng chiến đấu vì Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Quân giải phóng đánh thắng Tây Nguyên và cuộc chiến bại của quân lực Việt Nam cộng hòa được các chuyên gia quân sự nước ngoài cùng phía đối phương phân tích theo nhiều quan điểm khác nhau nhưng tựu chung là: con đường tháo chạy khỏi vùng chiến lược là kết cục tất yếu.

Sau cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên, binh sĩ Việt Nam cộng hòa mất hết tinh thần, gần như không chiến đấu mà bỏ chạy để thoát chết. Các nhà lãnh đạo mặt trận quân giải phóng liền tiến hành phương án chớp thời cơ tung ngay  quân đoàn 2 mới được thành lập từ các đơn vị của quân khu Trị Thiên và khu 5 nhanh chóng đánh chiếm cố đô Huế và Đà Nẵng.

Quân Việt Nam cộng hòa vội vã rút khỏi Quảng Trị về Huế. Trước sức ép của đối phương lại rút chạy bỏ Huế. Nhưng đường chạy đã bị quân giải phóng cắt mất, họ chỉ còn con đường chạy ra biển để chờ hải quân ứng cứu.

Quân giải phóng bám sát địch ở phía cửa Thuận, tấn công sở chỉ huy tiền phương và sư đoàn 1 bộ binh ngụy, bắn phá sân bay Phú Bài, đánh chiếm cửa Thuận An, chặn quân địch rút chạy ra biển.

Cuộc động binh đồng loạt tấn công của quân giải phóng đã lần lượt đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trên đường số 1, khu vực Hải Vân và chiến trường Trị Thiên, tiêu diệt và làm bị thương phần lớn quân đội ngụy tại đây.

Theo đánh giá của các nhà quân sự và tướng lĩnh miền Bắc Việt Nam, đó là cơ hội để quân giải phóng tiến đánh giành thắng lợi cuối cùng.

Trên đà chiến thắng Huế, Trị Thiên, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp chỉ đạo các lực lượng vũ trang Quân khu tấn công bao vây quân đoàn 2 ngụy, tiến thẳng vào chiếm thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi tiến công đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi, tiến lên đánh chiếm căn cứ Chu Lai. Ngày 25/3 giải phóng toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Phía Bắc, phía Nam đều bị quân giải phóng bao vây đánh chiếm, Đà Nẵng rơi vào thế cô lập và bị bao vây siết chặt.

Sau khi bị mất một loạt căn cứ chiến lược trên dải đất miền Trung, bị quân giải phóng chiếm giữ từ Huế vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, quân ngụy tập trung co cụm tại một số cứ điểm dã chiến để chuẩn bị đối phó.

Chúng di chuyển đội hình trong tình trạng lúng túng, bị động. Quân số bị tiêu diệt phần lớn, số còn lại mất hết tinh thần chiến đấu. Địch không thể ngờ sự di chuyển này lại lọt vào mục tiêu tấn công của quân giải phóng.

Trong hai tuần đầu tháng 4, các tỉnh, thành phố miền Trung lần lượt rơi vào tay quân Bắc Việt. Quân Việt Nam cộng hòa không còn đủ sức mạnh để ngăn cản. Họ dồn hết số quân còn sót lại của các đơn vị vào quân đoàn 3, cố lập một phòng tuyến ngăn chặn tại Phan Rang nhưng không những không ngăn chặn được quân giải phóng mà tư lệnh chiến trường cũng bị bắt; quân khu 1 và quân khu 2 của Việt Nam cộng hòa bị xóa bỏ. Quân giải phóng đánh xuống đồng bằng Đông Nam Bộ. Nỗ lực cuối cùng của Việt Nam cộng hòa là trông vào tuyến phòng thủ từ xa của sư đoàn 18 tại thị xã Xuân Lộc, số quân chiến đấu còn lại hoang mang, tinh thần rệu rã. Cuộc chiến những ngày cuối cùng trên dải đất miền Trung, binh sĩ không còn nhuệ khí. Những trận đánh như thế này bị tiêu diệt là không tránh khỏi.

Thời cơ đã đến, quân giải phóng tiếp tục tiến công đánh chiếm các căn cứ còn lại của địch. Pháo binh đồng loạt nã đạn tới tấp vào những mục tiêu quan trọng.

Quân ngụy không còn đủ sức kháng cự. Bỏ qua vòng ngoài, ngày 29/3 quân giải phóng tiến thẳng vào trung tâm, đánh chiếm thành phố Đà Nẵng. Tại đây, 10 vạn binh lính và sĩ quan ngụy ra đầu hàng.

Khi Quân đoàn 2 tiến vào thành phố Đà Nẵng cũng giống như cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên hỗn loạn và cướp bóc.

Đây là tư liệu, hình ảnh một cuộc bại trận. Quân lính và dân chúng xô đẩy, chen chúc, tháo chạy bằng mọi phương tiện, kể cả máy bay trực thăng nhằm thoát ra biển nhưng số phận đâu có thoát, kết cục như thế này đây.

Cuộc tấn công lịch sử tại Đà Nẵng đã khép lại. Thành phố được giải phóng. Ước mơ, khát vọng bao năm dài đã trở thành hiện thực.

Nhân dân nô nức chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Những chiếc xe tăng đuổi giặc giờ đây hùng dũng đi giữa đường phố, đi giữa lòng dân trong niềm vui chan chứa nghĩa tình quân dân thắm thiết.

Những chiến sĩ quân giải phóng vì nhân dân chiến đấu quên mình, vì nhân dân hy sinh. Rất nhiều chiến sĩ đã không có mặt trong ngày vui Đà Nẵng giải phóng.

Chúng tôi - đồng đội của các anh, dẫu không cùng quê hương, không cùng mặt trận nhưng Đà Nẵng yêu thương nơi các anh nằm xuống, Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi nhớ. Chúng tôi nguyện sống và làm việc xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh. Hy sinh để có một thành phố Đà Nẵng hôm nay yên vui, tươi đẹp.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên