Thứ 7, 20/04/2024, 12:50[GMT+7]

Lửa thiêng còn cháy

Thứ 2, 31/07/2017 | 08:57:01
859 lượt xem
Thời điểm giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XX, những thiếu nữ “tóc dài chấm lưng thon” nết na, xinh đẹp ở đất Diên Hà - Thần Khê nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đã hăng hái tham gia thanh niên xung phong với mong muốn được hiến dâng sức trẻ của mình trên trận tuyến đánh quân xâm lược.

Đoàn Cựu thanh niên xung phong C895, N89 huyện Hưng Hà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 20/8/1966 tại ga Gôi (Nam Định) nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).

Hơn 50 năm qua đi, có người nằm lại nơi chiến trường, có người “rẽ bước sang ngang” tu hành Phật pháp, có người yên phận về quê… Dẫu năm tháng phôi pha mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng với họ, kỷ niệm giây phút sát cánh bên nhau sẵn sàng lấy thân mình che bom đạn quân thù cho đồng đội lại thổi bùng lửa thiêng rực cháy trong trái tim thanh niên xung phong…

Cách đây 52 năm, năm 1965, gần 200 nam nữ thanh niên tuổi xuân phơi phới chủ yếu quê ở huyện Hưng Nhân và huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà) tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong thuộc Đại đội 895 (C895), Đội 89 (N89) với nhiệm vụ phục vụ tại các chiến trường đánh giặc Mỹ xâm lược. Lúc ấy, thanh niên nam giới ở Thái Bình nói chung hầu hết đã gia nhập quân đội vào Nam chiến đấu, hậu phương ở lại chủ yếu là nữ phụ, lão, ấu. Rất nhiều nữ thanh niên tuổi vừa đôi tám đã tình nguyện đi bộ đội để được cầm súng đánh giặc nhưng không được các đơn vị quân đội tuyển chọn. Không chịu thua trước các đấng nam nhi, quyết sánh vai đi tới chiến trường xa, những cô thôn nữ Diên Hà - Thần Khê “chân yếu, tay mềm” chỉ còn cách đăng ký gia nhập thanh niên xung phong.

Dẫu không được trực tiếp vào chiến trường đánh giặc nhưng cũng toại nguyện ước mơ trở thành “người đi chiến đấu đã thành ca dao”, góp sức trẻ phục vụ chiến trường đánh tan giặc Mỹ. Đội quân thanh niên xung phong của Thái Bình với 5.000 người chia thành 4 đội mang số hiệu N87, N89, N93, N95. Thanh niên xung phong hai huyện Hưng Nhân, Duyên Hà được bố trí vào N89. N89 có 6 đại đội, trong đó quân số hai huyện Hưng Nhân, Duyên Hà được phiên chế ở C895, đại đội này được chia thành 10 tiểu đội. 

Hơn 50 năm qua đi, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kiều vẫn còn khắc khoải: Ngày lên đường, lần đầu rời gia đình, bố mẹ, anh em, xa lũy tre làng thân thương, lũ con gái chúng tôi vừa mới cười giòn tan ấy vậy mà khi xe lăn bánh, vừa ra khỏi làng cả lũ đã sụt sùi khóc. Đến cầu Ninh Bình, chúng tôi cứ ngỡ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) lại ôm nhau khóc to. Mãi tới khuya, sau khi ổn định tổ chức, vào nhà dân ngủ trọ chúng tôi mới biết nơi đây là Ninh Bình, địa bàn chỉ cách nhà chúng tôi hơn năm chục cây số, chúng tôi ôm nhau cười vỡ bụng. Thời gian làm cầu A2 thay thế cầu Ninh Bình bị giặc Mỹ ném bom phá sập công việc căng thẳng, liên tục mấy ngày cơm ăn chỉ có bí xào, bí nấu, bí luộc, miệng nhạt thếch, quen món ăn đồng quê đám con gái chúng tôi bỏ ăn, tối đến mò ra đồng hái rau lang về luộc chấm muối. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, cứ rời tay cuốc, tay xẻng có đứa gối đầu lên đường tàu ngủ ngay. Đóng quân trong làng, chúng tôi ngủ nhờ nhà dân, mỗi nhà hai ba đứa, trời nóng bức chúng tôi lăn cả ra nền đất mà ngủ. Giặc Mỹ ném bom làm sập cầu ông Tào, chúng tôi vất vả khắc phục hàng tuần liền. Đêm cuối thông xe, chúng tôi kéo nhau về nhà trọ, rủ nhau nhảy xuống đầm làng tắm trăng. Ánh trăng soi vằng vặc, mặt nước đầm trong veo vỡ toang, tiếng nói, tiếng cười của nữ thanh niên xung phong tan trên sóng nước. Những mái tóc dài xõa hai vai trần lộ khuôn trăng đầy đặn ngỡ như có mùi hương của đài sen trắng ngần tỏa ra thơm ngát. Cái mệt tan biến, câu chuyện chuyển chủ đề tình yêu, có cô thốt lên: Lũ con trai lên đường vào Nam chiến đấu, chỉ còn lại chúng mình, rồi đây có mà ê sắc ế hết. Chị Mùi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 là người lớn tuổi nhất đám an ủi: Thôi đi các em, chiến thắng trở về chị sẽ làm đám cưới cho mỗi em một chàng, chị nhường suất của chị cho các em, có em nào đăng ký không? Tiếng cười hồn nhiên lại giòn giã vang lên xua đi bao âu lo, phiền muộn. C895 thành lập tháng 11/1965, sau khi vào đến Ninh Bình thực hiện nhiệm vụ sửa cầu A2, cầu ông Tào xong chuyển về làng Phú Thứ, xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản nhận nhiệm vụ san lấp hố bom, sửa chữa đường tàu, bảo đảm thông suốt cung đường Trình Xuyên, ga núi Gôi, ga Cát Đằng đến cầu Ninh Bình… vì tuyến đường này thường xuyên bị giặc Mỹ ném bom tàn phá. Với phương châm “địch phá, ta sửa, ta đi”, không chỉ bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu vào Nam ở ga núi Gôi và cung đường Trình Xuyên, C895 còn cử một số tiểu đội chi viện cho ga Đồng Giao, Đò Lèn, thị xã Ninh Bình… vừa ứng cứu, sửa chữa các cung đường vừa tham gia cứu thương, vận chuyển hàng hóa, thương binh, liệt sĩ vượt qua đạn bom kẻ thù về nơi tập kết an toàn.

Đã qua một thời máu lửa, với chị em thanh niên xung phong C895, N89 Hưng Hà, ký ức về những ngày gian khổ bên nhau vẫn nóng hổi như con tim đầy nhiệt huyết cách mạng không bao giờ nguội tàn của các chị. Thời gian khổ và hiểm nguy ấy chị em sát cánh bên nhau, sẵn sàng chia nhau cái chết, họ tự nhủ: giặc bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết, ở đâu có khó khăn, ác liệt ở đó có thanh niên xung phong. Lời thề sắt son đó đã được thể hiện hết sức oanh liệt trong trận chiến đấu với lũ giặc trời chạng vạng tối ngày 20/8/1966, 13 nữ thanh niên xung phong Diên Hà - Thần Khê đã anh dũng hy sinh bảo vệ hàng, bảo vệ đoàn tàu.




Bà Nguyễn Thị Quỳ, nguyên B trưởng B3, thanh niên xung phong C953, N89, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh

Tôi gia nhập thanh niên xung phong với các chị cùng một ngày, tôi ở C953, các chị ở C895, tuy không cùng đại đội nhưng chúng tôi vẫn thường gặp nhau trên những cung đường. Tôi rất cảm phục tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” của các chị C895 Hưng Hà. Các chị đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trở về với đời thường, thật xót xa khi biết nhiều chị nhiễm chất độc hóa học đã sinh ra những đứa con tật nguyền, có chị vô sinh đành sống một mình, có chị đi tu, có chị mắc bệnh ung thư đã ra đi mãi mãi…


Nhà thơ Mai Hoa, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội

Khi viết về đề tài chiến tranh, tôi đã tìm đến các chị thanh niên xung phong mở đường và may mắn được gặp các chị thanh niên xung phong C895 Hưng Hà. Được nghe, được gặp những nhân chứng lịch sử trong trận chiến đấu với lũ giặc trời Mỹ ném bom phá hủy đoàn tàu ở ga Gôi (Nam Định), tôi vô cùng cảm phục sự hy sinh anh dũng và công hiến to lớn trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các chị.

Cựu chiến binh Vũ Công Xưởng, khu Nhân Cầu II, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà

Vợ tôi là thanh niên xung phong C895 Nguyễn Thị Bột cùng quê với tôi. Chiến công của C895 Hưng Hà thật xứng danh anh hùng nhưng phía sau chiến công anh hùng ấy là di chứng chất độc hóa học đang tàn phá cơ thể họ. Hàng ngày chăm sóc người bạn đời trên giường bệnh, tôi chạnh lòng nghĩ đến những đồng đội của vợ tôi có người đã chết vì chứng bệnh hiểm nghèo, có người sinh con dị tật, có người vô sinh nên một đời cô quạnh. Chứng kiến những cảnh đời éo le của chị em thanh niên xung phong C895 tôi càng thấu hiểu và cảm phục những cống hiến, hy sinh không gì so sánh được của họ trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Quang Viện