Thứ 4, 24/04/2024, 14:03[GMT+7]

Chiến công trên vòm lưới lửa

Thứ 2, 07/08/2017 | 14:49:02
923 lượt xem
Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày Đại đội dân quân tự vệ tập trung pháo cao xạ 37mm thị xã Thái Bình bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời quê lúa (19/8/1972 - 19/8/2017). 45 năm sau, những người tham gia trận đánh lịch sử ấy tụ họp cùng nhau ôn lại kỷ niệm, nhớ về chiến công của một đại đội không chuyên cầm súng mà đa phần trong số họ là những cô gái mới mười tám, đôi mươi đảm đang trên đường cày, hăng hái trong lao động sản xuất mà làm nên chiến tích vẻ vang.

Các thành viên Đại đội dân quân tự vệ tập trung pháo cao xạ 37mm thị xã Thái Bình trong một chuyến thăm Thành cổ Quảng Trị.


Chiến công lập trên vòm lưới lửa

Sau cuộc tiến công chiến lược xuân hè năm 1972 của quân dân ta ở miền Nam, đế quốc Mỹ đẩy mạnh đánh phá miền Bắc với âm mưu phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng, cắt đứt nguồn chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Bằng chiến dịch Linebacker I (từ ngày 6/4 - 22/10/1972) và Linebacker II (từ ngày 18 - 30/12/1972), chúng ném bom, bắn phá ồ ạt các mục tiêu trọng điểm về quân sự, kinh tế, giao thông, thả thủy lôi phong tỏa các hải cảng nhằm làm kiệt quệ miền Bắc. 

Thị xã Thái Bình là một trong những vị trí xung yếu - nơi có cầu Bo nối liền Thái Bình - Hải Phòng cùng tuyến giao thông huyết mạch đường 10, ta nhận định đây sẽ là mục tiêu đánh phá của địch. Thực hiện kế hoạch tác chiến của Bộ CHQS tỉnh, ngày 19/8/1969, Đại đội dân quân tự vệ tập trung pháo cao xạ 37mm thị xã Thái Bình được thành lập với nhiệm vụ chủ động bắn máy bay Mỹ bảo vệ cầu Bo, các mục tiêu chính trị đầu não của tỉnh, của thị xã Thái Bình trên tuyến quốc lộ 10 và hiệp đồng chặt chẽ với các đại đội thuộc Tiểu đoàn 54 pháo 37mm của lực lượng chủ lực cùng lực lượng tầm thấp thực hiện tốt các phương án tác chiến. 

Trung úy Phạm Thanh Tịnh (khi đó đang là cán bộ Ban CHQS thị xã) làm Đại đội trưởng. Đại đội lúc đầu có 2 trung đội và 4 khẩu đội với 4 khẩu pháo, sau tăng lên 5 khẩu. Quân số ban đầu chỉ có 50 đồng chí, lúc cao điểm có trên 100 đồng chí thay phiên nhau trực chiến. Họ đều là những thanh niên tiên tiến, được tuyển chọn từ Nhà máy Cơ khí, Xí nghiệp Dược phẩm, Cơ khí nông nghiệp, Ty Kiến trúc và một số phường nội thị. Ngoài đồng chí Đại đội trưởng có tuổi đời cao nhất (40 tuổi), những người còn lại đều mới trên dưới hai mươi, thậm chí có người mới 16 tuổi. Đặc biệt, Đại đội có đến 80% là nữ.

Xác định nhiệm vụ cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Đại đội luôn đoàn kết, đồng lòng vượt mọi khó khăn, gian khổ, tích cực học tập, rèn luyện cách sử dụng vũ khí, thành thạo thao tác kỹ thuật với quyết tâm bám trận địa, “thà hy sinh chứ nhất định không rời mâm pháo”.

Và thời cơ đã đến...

Theo lời kể của bà Bùi Thị Tuyết ở tổ 7, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình): Khi đó tôi mới 18 tuổi, đảm nhiệm vị trí pháo thủ số 3 (thuộc khẩu đội phường Kỳ Bá) kiêm trinh sát và trắc thủ đo xa. Chưa đến 7 giờ ngày 19/8/1972, khi tôi còn đang ăn dở bát cơm sáng thì nhận được tin báo từ Tỉnh đội: Có mục tiêu đang hoạt động ngoài biển khơi, các đồng chí trong các đơn vị chú ý đề phòng và sẵn sàng chiến đấu. Chỉ ít phút sau, tiếng động cơ từ hướng 34 đã dồn dập, tôi liền đánh ngay một hồi kẻng dài báo hiệu cho đồng đội. Ngay sau hồi kẻng, tất cả vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

6 cô gái trên mâm pháo. Ảnh tư liệu.

Đúng như dự đoán, từ hướng 34 về hướng 14, hai tốp máy bay F4H theo hình thang bay dọc sông Trà Lý bất ngờ xoay đội hình, dàn hàng ngang, bay song song giữa hướng 12 và hướng 14 rồi bổ nhào bắn phá cầu Bo, ngã ba An Tập và bệnh viện tỉnh. Chiếc F4H đi đầu nâng độ cao, lao thẳng. Ngay khi bắt được hướng mục tiêu theo ống kính trinh sát, trắc thủ Tuyết liền nhảy xuống vị trí máy đo xa. Trong giây phút bắt đúng mục tiêu và cự ly, nhận được số liệu từ trắc thủ, Đại đội trưởng hô to: “4000 - 3500. Bắn!”. 4 khẩu pháo đồng loạt khai hỏa đan thành lưới lửa phòng không rực sáng. Chiếc F4H đi đầu lảo đảo rồi bốc cháy, cuối cùng rơi cách Đồng Châu 30km về phía Đông Nam. Những chiếc còn lại vội vã cắt bom trước khi quay đầu bỏ chạy ra hướng sông Trà Lý và cửa sông Ba Lạt.

 “Tinh thần lên cao, các chiến sĩ hăng say chiến đấu. Đạn không đủ, đơn vị phải báo cáo chỉ huy xin tiếp thêm đạn…” - bà Bùi Thị Nga ở tổ 4, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình), nguyên khẩu đội trưởng khẩu đội 1 Xí nghiệp Dược phẩm hồi tưởng.

Tin chiến thắng được Đài Tiếng nói Việt Nam phát ngay buổi chiều hôm đó, làm nức lòng quân dân trong tỉnh. Điều đặc biệt, sau khi máy bay rơi, nhiều đơn vị đã gọi điện về Tỉnh đội nhận bắn rơi máy bay, chỉ trừ Đại đội dân quân tự vệ tập trung pháo cao xạ 37mm thị xã. Khi được hỏi sao bắn rơi máy bay mà không nhận, các cô thật thà trả lời: Thưa thủ trưởng, chúng em biết là có máy bay rơi nhưng vì khi đó trời đất còn đang mịt mù, cấp trên chưa xác nhận đầu đạn, phần tử trên pháo cũng như điểm xạ bắn nên chúng em chưa dám nhận. 45 năm sau, bà Tuyết vẫn nhớ như in lời khen của đồng chí thủ trưởng khi đó: “Các đồng chí khiêm tốn lắm. Chúng ta tiếp tục phát huy và cùng lập công nhé!”.

45 năm ấy biết bao nhiêu tình

Tuy là đơn vị không chuyên được huy động tham gia chiến đấu trong vài năm nhưng các chiến sĩ Đại đội dân quân tự vệ tập trung pháo cao xạ 37mm thị xã Thái Bình luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tình cảm, quyền lợi của bản thân, quyết tâm bám trận địa tới cùng. 

Ông Phạm Thanh Tịnh, 86 tuổi, ở xã An Ấp (Quỳnh Phụ), nguyên Đại đội trưởng kể: Thời điểm đó, để thám thính tình hình, địch liên tục cho máy bay trinh sát các khu vực của ta. Vì vậy, đơn vị lúc nào cũng trong tư thế tỉnh táo, trực chiến đấu 24/24 giờ, không để máy bay trinh sát của địch tìm ra sơ hở. Có những hôm 23 lần báo động, 3 ngày 3 đêm liền thức trắng bên mâm pháo. Từ những ngày tháng kề vai sát cánh bên nhau, cùng chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi, tình yêu đã nảy nở, như tình yêu của trắc thủ Tuyết với khẩu đội trưởng Trần Minh Khanh (khẩu đội 4 Ty Kiến trúc) hay tình yêu của nữ dân quân Nguyễn Thị La (Xí nghiệp Dược phẩm) với sĩ quan Lại Quang Thoại (Thị đội)… Đó là những mối tình mạnh mẽ, bền chặt, vượt lên bom rơi, đạn lạc, khó khăn, gian khổ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Thùy Dung