Thứ 4, 24/04/2024, 08:59[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (kỳ 17)

Thứ 2, 07/08/2017 | 15:13:32
1,113 lượt xem
Đi tìm nơi tận cùng của ký ức. Đó là nơi người chiến binh năm xưa không dễ gì quên. Những gì còn lại của chiến tranh, của lịch sử, những gì còn lại của ký ức sẽ mãi mãi còn lại.

Xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Kỳ 17: Mở toang cánh cửa thép Xuân Lộc

Cái hiện thực của một thời người lính phải đối mặt không phải là cái vô thức. Nó luôn đặt cho mọi người phải suy ngẫm. Suy ngẫm để ý thức về một cuộc chiến tranh. Một cuộc chiến phi nghĩa mà người Mỹ đã gây ra và họ đã sử dụng những vũ khí này để giết người.
Ngày đó người chiến binh đây, ông chỉ biết ra trận là dấn thân, là tiến đánh. Ông đã cùng đồng đội đuổi giặc ở Cheo Reo, đường 7 trong chiến dịch Tây Nguyên. Sau đó tiếp tục tiến đánh quân địch ở Xuân Lộc.

Xác chiếc máy bay ngày đó và xác chiếc máy bay tại khu bảo tàng đây cùng chung một số phận. Từ nước Mỹ sang đây rồi vĩnh viễn nằm lại ở đây.

Những con người từng đi qua cuộc chiến tranh, đi qua một thời bom đạn, họ hiểu hơn ai hết, để có được chiến thắng đập tan mưu đồ và phương tiện chiến tranh của quân xâm lược, người chiến sĩ đã anh dũng mưu trí đánh địch như thế nào.

Trên đường truy đuổi tàn quân tháo chạy, các ông tiếp tục bài binh bố trận. Thành lập đơn vị cấp quân đoàn, tăng cường sức mạnh cho những trận đánh tiếp theo.

Vượt hơn 600 cây số để tập kết nơi cửa ngõ Sài Gòn. Con đường phía trước hết sức ác liệt. Nhiều điểm địch co cụm, cản phá. Quân giải phóng xông lên vừa chiến đấu vừa củng cố lực lượng. Chiến sự hết sức cam go. Phạm Huy Nghệ, người trực tiếp tham gia cùng đơn vị đánh chiếm cầu Long Bình để đón Quân đoàn 2, sau đó trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho biết: Án ngữ cửa ngõ Sài Gòn, quyết liệt nhất là cuộc động binh ở thị xã Xuân Lộc. Đây là cánh cửa thép. Nơi sư đoàn 18 quân lực Việt Nam cộng hòa cố thủ chống đỡ quyết liệt.

Lực lượng quân giải phóng đã tập hợp nhiều đơn vị tới Xuân Lộc với quyết tâm đập tan cánh cửa thép, một lá chắn cửa ngõ Sài Gòn, mở đường tiến về thành phố đánh chiếm các mục tiêu chiến lược.

Ông Hà Ngọc Vui cùng Sư đoàn 341 sau khi đánh chiếm Châu Thành trên đường 13 tiếp tục tiến quân đánh căn cứ Định Quán và căn cứ Long Khánh, tiến vào thị xã Xuân Lộc. Tại đây quân ngụy chống trả quyết liệt, các ông bị kẹt trong vòng vây giữa thị xã.

Cho đến hôm nay Hà Ngọc Vui vẫn chưa quên cuộc phản kích, phá vây chiếm lại căn cứ Xuân Lộc.

Cuộc chiến diễn ra căng thẳng hàng chục ngày đêm. Quân ngụy quyết giữ, quân giải phóng quyết đánh, Sư 341 cùng Sư 7 và nhiều đơn vị khác của Quân đoàn 4 phối hợp tấn công vào hệ thống phòng ngự của sư đoàn 18 ngụy.

Địch củng cố mở nhiều đợt phản kích. Quân giải phóng áp sát vòng vây. Chiếm Long Khánh, mở cánh cửa Xuân Lộc, một trận đánh vô cùng cam go. Ông Hà Ngọc Vui cho biết.


Bộ binh cùng xe tăng ta tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc (tháng 4/1975). Ảnh tư liệu

Từng là cố vấn quân sự tại miền Nam Việt Nam, Wayne Lend cho rằng, cuộc chiến Xuân Lộc sở dĩ quân lực Việt Nam cộng hòa phải chiếm bằng mọi giá vì nếu để mất Xuân Lộc là mất tất cả. Đây là phòng tuyến chặn đối phương đánh về Sài Gòn.

Tại đây lực lượng bố phòng chỉ có một sư đoàn. Đó là sai lầm. Trong khi quân tăng viện bị quân Bắc Việt tiêu diệt, khống chế, không thể ứng cứu. Xuân Lộc đã không giữ được.
Ông Preeton Wool, cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam bình luận: Khi một bên tinh thần hoảng loạn, không có khả ứng tác chiến thì họ bại trận là một điều không tránh khỏi. Xuân Lộc chỉ là cứ điểm cầm cự cho một chế độ mà Sài Gòn đang trong tuyệt vọng.
Người Mỹ lúc này đứng ngoài cuộc. Họ có muốn nhúng tay vào cũng không còn cơ hội. Quân đội Bắc Việt thắng thế, họ sẽ tấn công để chấm dứt chiến tranh.

Những ngày cuối cùng, cuộc giao tranh giữa hai phía tại Xuân Lộc là những ngày đẫm máu. Sư đoàn 18 quân lực Việt Nam cộng hòa dồn mọi khả năng để chống đỡ. Chúng đổ quân bằng máy bay trực thăng, tăng cường hỏa lực tác chiến, xe quân sự từ các điểm lao ra bắn trả. Lực lượng quân giải phóng áp sát, bao vây, tấn công, chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Quân ngụy phần lớn bỏ chạy về Đồng Nai cố thủ.

Những chiến binh tham gia trận đánh Xuân Lộc ngày ấy giờ đây không còn nhiều.

Vào thăm chiến trường miền Đông năm xưa ký ức trận đánh Xuân Lộc lại trào dâng.

Biết rằng sự ác liệt là đổ máu, là thịt nát xương tan nhưng các chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 đâu có quản ngại. Ở nơi chiến sự khốc liệt như thế này làm sao tránh khỏi hy sinh.

Cánh cửa thép Xuân Lộc không còn, các mũi tiến quân tiếp tục tiến vào đánh chiếm các căn cứ quan trọng của địch phía cửa ngõ Sài Gòn.

Con đường tới dinh Độc Lập, người chiến sĩ quân giải phóng phải đi mất gần 1/4 thế kỷ. Bốn mươi năm và lâu hơn nữa, nhân chứng của một cuộc chiến tranh có thể sẽ không còn. Ký ức về con đường giải phóng dân tộc và cái đích cuối cùng của ngày toàn thắng chắc đã mấy ai quên.

Cuối tháng 4/1975. Thế trận trên chiến trường nghiêng hẳn về phía quân giải phóng. Thời cơ đã đến. Kế hoạch tổng tấn công Sài Gòn được Bộ Chính trị phê duyệt. Trận đánh lịch sử này được mang tên Bác Hồ kính yêu: chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trên chặng đường dài truy đuổi quân địch, các binh đoàn giải quân giải phóng từ nhiều hướng tiến về phía Sài Gòn. Hướng Tây Nam Đoàn 232 cùng các đơn vị chủ lực thần tốc xông tới. Hướng Đông Quân đoàn 4 chặn đánh làm tan rã sư đoàn 14 bộ binh ngụy. Các hướng khác quân giải phóng đồng loạt tiến lên.

Những người chiến binh đuổi giặc năm xưa trở về thăm đơn vị cũ, Sư đoàn 390 - đơn vị anh hùng. Sư đoàn đã từng làm nên những chiến công vang dội ở Quảng Trị, Khe Sanh tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nguyên Chính ủy Trung đoàn 27 Triệu Hải, ông từng tham gia trong mũi thọc sâu của chiến dịch nhớ lại những ngày Trung đoàn thần tốc chiến đấu phá tan tuyến phòng thủ phía Bắc mở đường cho các đơn vị tiến quân áp sát Sài Gòn.

Đây là gia đình má Sáu Ngẫu, một cơ sở cách mạng ở Lái Thiêu. Trung đoàn 27 đã được má trao cho tấm bản đồ để làm cơ sở tiến quân.

Trao tấm bản đồ, má Sáu trao cả người con gái tên là Lê Thị Mỹ để lên xe tăng dẫn đường cho Trung đoàn 27 quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên