Thứ 6, 19/04/2024, 23:41[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 21)

Thứ 6, 01/09/2017 | 17:31:16
1,059 lượt xem
Sau ngày hòa bình, non sông liền một dải, các cựu chiến binh có dịp trở lại thăm cây cầu Hiền Lương. Cây cầu chia cắt đất nước hơn 1/4 thế kỷ. Để nhịp cầu nối liền hai miền Nam Bắc, biết bao chiến sĩ đã phải đổ máu hy sinh.

Cầu Hiền Lương ngày nay.

Kỳ 21: Tiếng bom thời bình

Mai sau dù đến bao giờ

Vẫn không quên được đôi bờ Hiền Lương

Cuộc chiến tranh đã khép lại nhưng hậu quả, dấu tích chiến tranh do quân đội Mỹ để lại trên đất nước Việt Nam vẫn còn đây Bom mìn Mỹ nằm lại không theo người Mỹ về nước Mỹ. Nằm lại tiếp tục gây nên bao hệ lụy cho môi trường và cuộc sống của người Việt.

Khi chiến tranh kết thúc, nhà nước và quân đội đã rất quan tâm khắc phục hậu quả bom mìn, tổ chức nhiều đơn vị rà phá, thu dọn làm sạch môi trường đạn bom ở những vùng đất trọng điểm. Nhưng chưa biết bao giờ mới rà phá, thu dọn hết.

Theo tài liệu của nước ngoài, Việt Nam là nơi bị ném bom nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Số bom đạn dội xuống Việt Nam 7,85 triệu tấn, gấp 3 lần tổng số bom đạn sử dụng trong thế chiến thứ 2. Mỗi người dân trung bình phải chịu đựng trên dưới 250kg bom đạn.

Việc rà phá bom mìn dưới đất, dưới cỏ cây lấp khuất hết sức nguy hiểm, chỉ sơ sảy một chút là có thể gây nổ chết người. Với tốc độ thu dọn như hiện tại, chuyên gia nước ngoài cho rằng phải 100 năm nữa môi trường Việt Nam mới cơ bản dọn sạch đạn bom.

Những người tham gia tháo gỡ bom mìn dưới lòng đất. Trong lòng họ hàm chứa một nội lực dũng cảm, hy sinh. Nhiều quả bom còn kíp nổ, chúng bất thần gây nên sự bất hạnh cho con người.

Trên địa bàn Hương Hóa, Quảng Trị chỉ trong một năm đội rà phá đã xử lý và tiêu hủy gần 30.000 quả bom mìn các loại, trả lại sự bình yên cho nhân dân.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên lĩnh vực rà phá bom mìn đang mở ra những triển vọng khả quan. Bằng phương pháp khoa học, xác định bom mìn lấp khuất chính xác hơn, rút ngắn thời gian và hạn chế rủi ro trong quá trình tìm kiếm, rà phá.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí đã tới Triệu Ái, huyện Triệu Phong và nhiều nơi khác trên đất Quảng Trị xem xét, triển khai chương trình rà phá bom mìn.

Sau 40 năm cuộc chiến khép lại, cả nước hậu quả bom mìn đã gây ra trên 5.000 vụ, làm chết và thương tích, tàn tật gần 26.500 người.

Bà Molly Watt chuyên gia lĩnh vực bom mìn cho rằng: Sự nỗ lực của hai phía Việt Nam nơi gánh chịu hậu quả và Hoa Kỳ nơi gây ra hậu quả, vừa là trách nhiệm vừa là thể hiện tính nhân đạo của con người.

Giáo sư Fred  Marchant, người hoạt động trong lĩnh vực chống chiến tranh ở Hoa Kỳ, nhiều lần Fred Marchant sang Việt Nam, ông bình luận: Thật khó có thể tin, chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Mỹ rút về nước là hòa bình, không phải thế. Chiến tranh vẫn còn đó. Rất nhiều người chết và thương tích sau cuộc chiến là một bằng cớ. Ai phải chịu trách nhiệm con người gây ra, hay bom đạn. Chưa cần nói tới, hãy cứu lấy họ đã. Phải ngăn chặn, hãy hành động đi đừng để chúng giết hại người dân vô tội. thật vô lương tâm.

Trên trái đất này có cuộc chiến tranh nào tàn khốc như cuộc chiến tranh người Mỹ gây ra ở Việt Nam. Hàng triệu người dân bị chết oan vô tội, gần 8 triệu người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hoạt động kháng chiến bị hy sinh, bị thương tích và bệnh tật do chiến tranh gây ra.

Hàng vạn chiến sĩ anh dũng chiến đấu, khi hòa bình trở về trên người mang đầy thương tích. Vì đất nước, vì nhân dân họ đã nén chịu nỗi đau của riêng mình.

Ngoài việc khắc phục hậu quả bom mìn, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách đối với người có công, chăm lo, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Thái chiến sĩ C23 Trung đoàn 88, bà Đặng Thị Tơ chiến sĩ quân giải phóng miền Nam họ cùng có mặt ở chiến trường những năm tháng khói lửa. Khi ông Thái bị thương về điều dưỡng ở trại thương binh nặng Quang Trung, bà Tơ cũng chuyển ngành về phục vụ ở đây. Duyên số đã se kết cho hai người chiến binh nên vợ nên chồng.

Trong những năm qua các cơ quan chính sách và đơn vị quân đội đã phối hợp tổ chức nhiều đội tìm kiếm hài cốt còn lấp khuất nơi rừng xanh, núi cao, để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.

Những chiến sĩ hy sinh, được đơn vị chôn cất. Nhưng khi đó, cuộc chiến vẫn tiếp diễn, bom đạn cày xới, địa hình thay đổi. Thời gian đã quá lâu, việc xác định vị trí các liệt sĩ an nghỉ hết sức khó khăn. Tìm đưa các anh về là một hành trình cũng vô cùng gian khó.

Các đơn vị chính sách còn phối hợp với nước bạn Lào, Cam-Pu-Chia, tìm kiếm đưa hài cốt quân tình nguyện trở về nước. Đón các anh trở về để quê mẹ và người thân có điều kiện chăm lo, báo đáp.

Dẫu có muôn vàn gian khó, cũng không sánh được sự hy sinh của các anh ở nơi xa Tổ quốc.

Bốn mươi năm qua, hơn 60 vạn bộ hài cốt đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Hàng vạn bộ hài cốt đang còn bị lấp khuất, nhà nước và các cơ quan chính sách đang nỗ lực tìm kiếm đón các anh trở về.

Hầu hết các làng quê Việt Nam đều có người hy sinh. Dù còn khó khăn, cũng chắt chiu gom góp xây dựng nghĩa trang và đền thờ các anh hùng liệt sĩ.

Ông Nguyễn Xuân Thái 40 năm sống trên chiếc xe lăn, ông vẫn thường tới nghĩa trang để tưởng nhớ đồng đội. Mang trên người vết thương nặng, cuộc sống đầy khó khăn, nhưng ông bảo, ông còn hạnh phúc hơn những đồng đội của ông không trở về.

Ông Thái và bao người khác mang nặng tâm trạng ấy. Không làm tốt trách nhiệm của người còn sống là vô ơn có tội với người đã khuất.

Người Mỹ gây nên chiến tranh làm hàng triệu người Việt Nam thiệt mạng. Cả lính tử trận của phía bên kia chiến tuyến. Suy cho cùng, chiến tranh đã xô đẩy con người vào cõi chết.

Nguyên tư lệnh sư 18 quân lực Việt Nam cộng hòa, hiện sống ở nước ngoài. Trong một buổi gặp mặt bạn hữu, ông nói: Những người mẹ, người vợ chờ đợi mười năm, hai mươi năm, bốn mươi năm con mẹ vẫn chưa về. Sự hy sinh của người mẹ liệt sĩ, người mẹ Việt Nam, có một thời bi hùng như thế

Công lao ấy phải đổi bằng máu xương, bằng nước mắt của bao người mẹ, của bao người chiến sĩ, làm sao có thể quên được.

Đốt nén hương thấu cùng trời đất

Ngọn nến hồng cháy tận tâm can

Hỡi các anh, những con người bất tử

Hóa thân mình làm ngọn lửa thiêng

Cho Tổ quốc Việt Nam bền vững

Cho muôn nhà cuộc sống bình yên.

*

*         *

Cuộc chiến tranh với ông Nguyễn Văn Ngõ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, một người lính về làng không còn hằn trong ký ức. Ký ức chỉ còn nỗi đau. Nỗi đau thấu cùng năm tháng. Nỗi đau mà chính ông, con của ông, cháu của ông đang phải gánh chịu, những ngày quằn quại, đau đớn. Đó là một nỗi đau da cam.

Giữa cánh rừng Trường Sơn ngập trùm ánh lửa màu cam năm ấy, đã biến ông và cả đồng đội của ông phải gánh chịu hậu quả này.

Trong chiến tranh Việt Nam người Mỹ đã sử dụng một khối lượng chất độc hóa học khá lớn.

Từ năm 1961 đến năm 1971 người Mỹ đã tiến hành 19.000 phi vụ, rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa chất Diôxin cực kỳ độc hại, xuống 26.000 làng, bản miền Nam Việt Nam gây thảm họa nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

(Còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh chuyên