Thứ 5, 18/04/2024, 15:25[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 23)

Thứ 2, 18/09/2017 | 08:38:14
851 lượt xem
Công lý dẫu còn ở phía trước nhưng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đang mở ra những cơ hội mới.

Ảnh minh họa.

Kỳ 23: Thông điệp từ bức tường Việt Nam

Công lý dẫu còn ở phía trước nhưng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đang mở ra những cơ hội mới.

Da cam, bầu trời và nạn nhân trong con mắt tuổi thơ, các em đã vẽ nên những bức tranh đẫm nước mắt. Những bức thông điệp gửi cho mai sau, để nhân loại biết về một cuộc chiến tranh hóa học ở VIệt Nam mà hậu họa của nó di truyền không biết đến bao giờ?

Người Mỹ gây ra cuộc chiến tranh, không chỉ để lại hậu quả rất lớn với nhân dân Việt Nam. Mà tại nước Mỹ, chỉ cảm nhận qua bức tường có tên gọi bức tường Việt Nam tại thủ đô Washington cũng cho thấy được phần nào cái giá người Mỹ phải trả cho cuộc chiến tranh. Hơn 58.000 lính Mỹ tử trận ở Việt Nam được ghi khắc trên bức tường tại nước Mỹ.

Ngoài số người tử trận và thương tích, còn rất nhiều lính Mỹ bị nhiễm chất độc hóa học và bị mắc chứng rối loạn tâm thần, được gọi là hội chứng Việt Nam.

Cựu binh Mỹ Brian Mooney đây, sau những năm tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam, trở về nước ông là một trong những người bị nhiễm nặng chất độc hóa học. Chất độc do chính quân đội Mỹ rải thảm chiến trường nơi các ông đồn trú. Gặp ông tại thành phố Boston, Brian cho biết: Khi bắt đầu tôi biết rằng tôi bị Parkinson và bác sĩ nói rằng tôi bị Parkinson là do hậu quả phơi nhiễm chất độc da cam. Bệnh càng ngày càng làm tôi đau yếu đi lại khó khăn. Tôi biết nhiều người Việt Nam cũng chịu đựng nỗi đau như thế này. Tôi muốn giúp đỡ tất cả mọi người nhận thức là phơi nhiễm chất độc da cam Điôxin có thể ảnh hưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ông Brian Mooney tâm sự, những người nhiễm độc Điôxin như ông và những bạn bè của ông từ Việt Nam trở về, ảnh hưởng sang cả vợ con, đau đớn, kéo dài không biết đến bao giờ.

Người Việt Nam, người Mỹ cùng chung một số phận do thứ vũ khí hóa học giết người của Mỹ gây ra.

Hội cựu chiến binh Mỹ tiến hành điều tra và họ đã phát hiện có tỷ lệ rất lớn cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam bị bệnh Parkinson và tìm giải pháp giúp đỡ các nạn nhân này. Theo như hiểu biết của tôi, phơi nhiễm chất độc da cam có khả năng rất cao dẫn tới bệnh tật. Bạn có thể đọc và biết chính quyền Washington bị chỉ trích như thế nào, các bộ ở Mỹ phải chịu trách nhiệm với các nạn nhân. Họ đã triển khai một số dự án khắc phục hậu quả và đang cố gắng cải thiện việc trợ giúp này.

Theo số liệu của Mỹ, số quân nhân và cố vấn Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam, trở về có hàng chục vạn người đã bị ung thư, sinh con dị tật do ảnh hưởng từ chất độc hóa học.

Cựu binh Preston và các bạn ông có mặt ở Đà Nẵng - Tây Nguyên những năm 1965 - 1967 khi hết thời hạn cầm súng ở Việt Nam về Mỹ. Nhiều người chất độc da cam đã hủy hoại cả hai, ba thế hệ. Preston đã chết, con gái ông cũng không thoát khỏi.

Nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh, nhiều nạn nhân cựu binh Mỹ và những người gián tiếp chịu ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, sinh sống ở Boston, ở New Sork và nhiều nơi khác đã tham gia phong trào vì hòa bình, phản đối đòi chính phủ Mỹ giải quyết hậu quả ở cả hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

Elmo Zumwaly - người ra lệnh rải chất độc da cam xuống các vùng chiến sự tại miền Nam Việt Nam nơi con trai ông - Elom Zumwaly - đang làm phận sự không chỉ gây đau khổ cho nhân dân Việt Nam mà còn làm chính con trai và đứa cháu nội của ông bị nhiễm độc nặng.

Trong cuốn sách “Cha con tôi”, Elmo Zumwaly đã thú nhận nỗi bất hạnh của gia đình ông. James - một người con của ông đã nhiều lần sang Việt Nam sám hối.

Cuộc hội thảo văn học quốc tế với chủ đề chống chiến tranh do Viện William Joiner tổ chức tại Boston, Hoa Kỳ tháng 6/2014. Đoàn Việt Nam được mời 3 nhà văn có tác phẩm văn học về hậu quả chiến tranh tham dự. Hội thảo gồm các chuyên gia quân sự, các nhà văn cùng cựu chiến binh một số nước. Nội dung đề cập tới nhiều tư tưởng khác nhau trong văn học chiến tranh và hệ lụy từ chiến tranh Việt Nam.

Những tác phẩm hậu quả chiến tranh với số phận con người được hội thảo đánh giá cao bởi tiếng nói rung động từ lương tâm nhà văn là thông điệp về một cuộc chiến mà chính bên thua cuộc lại gây ra những hệ lụy khôn lường cho cả hai phía.

William Joiner một tổ chức hoạt động vì hòa bình. Đã có nhiều đoàn nhà văn Việt Nam và các nước được mời tham dự với chủ thể văn học chiến tranh, văn học vì hòa bình. Joiner còn là cầu nối tình hữu nghị giữa các quốc gia, qua đất nước, con người, nền văn hóa để cùng sát cánh bên nhau chống lại cái ác, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Tiến sĩ Thomas Kane, Giám đốc Viện William Joiner cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam những chương trình ủng hộ người khuyết tật ở những tỉnh bị ảnh hưởng nặng của chất độc da cam. Với tư cách và vị trí hiện tại tiếp tục những công việc liên quan đến khắc phục hậu quả chất độc da cam đã được bắt đầu từ trước đây. Chúng tôi ủng hộ những người chịu hậu quả chiến tranh. Tiếp tục mối quan hệ với các nhà văn Việt Nam trao đổi về văn hóa, về chiến tranh. Và tôi mong muốn Việt Nam tham gia đối thoại với các nước khác trong việc hàn gắn, chia sẻ sau nhiều năm chiến tranh. Về thể chất, về tinh thần do ảnh hưởng chiến tranh trong một số lĩnh vực mà chúng tôi phải có trách nhiệm.

Hơn 40 năm trước, 2,7 triệu thanh niên Mỹ sang Việt Nam thực hiện cuộc chiến tranh theo mưu đồ của Nhà trắng. Dấu vết những người lính Mỹ ra đi ngày ấy không còn. Nhưng dòng sông Potomac nơi người công dân Mỹ tự thiêu phản đối chính phủ đưa quân sang Việt Nam gây chiến tranh, dòng sông vẫn còn trong xanh tuôn chảy. Và bức tường lớn tưởng niệm lính Mỹ tử trận ở Việt Nam đã mọc lên.

Tháng 7/1980, Quốc hội Mỹ chọn thủ đô Washington là nơi xây dựng bức tường. Trong số 1.421 thiết kế được chọn là mẫu của Maya Ying lin - một nữ sinh mới 21 tuổi. Maya Ying lin tuyên bố, mỗi người lính Mỹ tử trận ghi trên tượng đài tự nó là đài kỷ niệm.

Bức tường tên chính thức là Việt Nam Veterans Memorial. Gọi tắt là bức tường Việt Nam. Bức tường khắc tên 58.220 lính Mỹ chết trận tại Việt Nam.

Số lính Mỹ mang hậu quả chiến tranh Việt Nam không ghi trên bức tường gồm 305.000 người thương tích, 153.000 người tàn phế, 630.000 người nhiễm chất độc Điôxin. 10% trong số 2,7 triệu lính Mỹ trở về mang hội chứng tâm thần, nổi loạn chống lại chiến tranh v.v...

Nhân dân Việt Nam, bằng tấm lòng nhân đạo luôn nỗ lực trong việc giúp đỡ nhân dân Mỹ khắc phục hậu quả, tìm kiếm người Mỹ mất tích trong cuộc chiến.

Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người dân và các cựu chiến binh Mỹ tới Washington tìm tên của đồng đội, của người thân trên bức tường Việt Nam.

Nhiều người mẹ còn ke lại cả tên của con mình khắc trên bức tường để mang về nhà. Đây là cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh. Giữa Washington, bức tường Việt Nam, bức thông điệp của nước Mỹ gửi cho hôm nay và gửi cho cả mai sau.

Tom Polgar - một chuyên gia cao cấp tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam, người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn đã ghi lại nhận xét: “Đó là một cuộc chiến tranh chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ ở Việt Nam chắc sẽ không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Những ai không học được gì ở lịch sử, sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”.

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên