Thứ 7, 20/04/2024, 10:24[GMT+7]

Lên ngàn gió thổi về xuôi

Thứ 2, 18/09/2017 | 08:52:33
580 lượt xem
Chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) Định Hóa còn là nơi tập hợp lực lượng thanh niên xung phong đầu tiên phục vụ công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống lại thế lực ngoại bang xâm lược. Đội thanh niên xung phong Thái Bình gồm 180 đoàn viên thanh niên cứu quốc ưu tú đã vượt vòng vây của giặc Pháp lên ngàn.

Trong chuyến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng báo điện tử và tòa soạn đa phương tiện tại Thái Nguyên, đoàn công tác Báo Thái Bình đã được đồng nghiệp Báo Thái Nguyên đưa về thăm An toàn khu (ATK) Định Hóa, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn xây dựng ATK và là căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. 

Chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) Định Hóa còn là nơi tập hợp lực lượng thanh niên xung phong đầu tiên phục vụ công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống lại thế lực ngoại bang xâm lược. Đội thanh niên xung phong Thái Bình gồm 180 đoàn viên thanh niên cứu quốc ưu tú đã vượt vòng vây của giặc Pháp lên ngàn.

Suốt chiều dài lịch sử cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Thái Nguyên là trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. ATK Định Hóa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ tổng tư lệnh quân đội ở và làm việc. Nhiều địa danh kháng chiến ở Định Hóa đã viết lên trang sử hào hùng, oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đáng chú ý có đồi Khau Tý nơi Bác Hồ đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên tại ATK Định Hóa, nơi Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công mùa đông của thực dân Pháp lên Việt Bắc cách ngày nay vừa tròn 70 năm, chiến dịch thu - đông năm 1947.

Việt Bắc - thủ đô gió ngàn có Nà Nọ là nơi Bác Hồ làm lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam Võ Nguyên Giáp, có đồi Tỉn Keo dưới chân Đèo Xe ngày 6/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp với dã tâm xâm lược và đặt ách thống trị, chúng quay lại cướp nước ta một lần nữa nhưng nhân dân Việt Nam quyết đem xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, quyết không để mất nước, không chịu làm nô lệ. Nhân dân ta yêu chuộng hòa bình, không sợ chiến chinh, giặc đã đến thì ta quyết đánh mà đã đánh là thắng. 

Để chuẩn bị cho cuộc tổng phản công vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, với tầm nhìn chiến lược, ngay từ tháng 10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc củng cố, xây dựng căn cứ địa cách mạng và Định Hóa vinh dự được Bác và Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đặt đại bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cũng tại nơi đây, năm 1952, Bác đã chỉ thị cho đồng chí Vũ Kỳ xây dựng lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Những đoàn viên thanh niên cứu quốc ưu tú đầu tiên từ các tỉnh miền Bắc đã hăng hái tham gia, trong đó 180 đoàn viên thanh niên cứu quốc ưu tú của Thái Bình đã vượt vòng vây của giặc Pháp nắm chặt tay nhau băng đồi vượt suối lên ATK. 

Ông Vũ Xuân Hòa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội thanh niên xung phong Thái Bình thuộc Đội 261 XP, ATK Định Hóa hiện là cán bộ nghỉ hưu ở khu Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương vẫn nhớ như in kỷ niệm ngày gia nhập thanh niên xung phong lên ATK. Năm 1952, ông Hòa vừa tròn 23 tuổi, ông được kết nạp Đảng năm 18 tuổi, thời điểm đó ông đang là Thường vụ Đảng ủy phụ trách công tác tổ chức và tuyên huấn xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương được Huyện ủy Kiến Xương ra quyết định điều động lên huyện cùng với một số đảng viên khác lãnh đạo đội thanh niên của huyện gồm 65 người sáp nhập đội thanh niên của tỉnh lên ATK Định Hóa. Đội thanh niên xung phong được thông tin ngắn gọn là Trung ương chỉ thị tuyển chọn một đội thanh niên ở trong Đoàn Thanh niên cứu quốc đã trải qua thử thách, chiến đấu kiên cường, tích cực hoạt động đoàn trong vùng địch hậu của Thái Bình lên Việt Bắc để huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị cho cuộc tổng phản công tiêu diệt địch đồng thời đào tạo lớp cán bộ cho công cuộc dựng xây đất nước sau này. Thời điểm này, giặc Pháp dựng bốt ngay đầu làng Nê thường xuyên càn quét xóm làng, cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ, lùng bắt cán bộ Việt Minh, để tránh giặc truy sát ông Hòa cùng các đảng viên trong chi bộ phải hoạt động dưới hầm bí mật. Hôm ấy, một đêm không trăng sao, được sự hướng dẫn của giao liên, đội thanh niên Kiến Xương đã bí mật vượt vòng vây của thực dân Pháp qua bến đò Gồ trên sông Trà Lý sang huyện Thái Ninh, đi bộ băng đồng vượt qua đường 10 sang đường 39 lên tập kết tại căn cứ du kích huyện Hưng Nhân sáp nhập với đội thanh niên các huyện bạn thành đội thanh niên xung phong gồm 180 người. Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn giao cho đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Thường vụ Tỉnh đoàn quê ở Hưng Nhân làm Đại đội trưởng, ông Hòa và ông Phạm Văn Đam quê ở Hưng Nhân làm Đại đội phó, đồng thời thành lập ban chỉ huy gồm 7 người, đồng chí Nguyễn Văn Bốn là Bí thư Chi bộ. Tư trang của thanh niên xung phong chỉ có một chiếc ba lô hoặc bị cói với vài bộ quần áo, một bao “ruột tượng” đựng gạo. Đa phần thanh niên còn rất trẻ chưa có gia đình riêng. Trong đội, ông Hòa già dặn hơn nên nhiều chiến sĩ trẻ lần đầu xa nhà còn khóc nhè rất thích được ông Hòa dỗ dành. Toàn đội phải học thuộc các mật khẩu, hiệu lệnh hành quân để khi đi qua các chốt quan trọng như vượt sông Hồng, đường số 23, đường 1, sông Đáy… không bị địch phát hiện giúp bảo toàn lực lượng. Sau 6 ngày hành quân gian khổ vượt chốt, trạm, bốt giặc nguy hiểm đội đã đến được ATK, một vùng rừng núi bạt ngàn, âm u, chim kêu, vượn hót, đêm đêm nghe tiếng hổ gầm mà rợn tóc gáy. Vừa đến ATK được mấy tiếng đồng hồ thì đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ tới thăm, động viên, khen ngợi đơn vị thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vượt qua vùng địch tạm chiếm lên ATK an toàn. Theo chỉ thị của Bác, đồng chí Vũ Kỳ được cử làm trưởng đoàn thanh niên xung phong mang ký hiệu XP. Đội thanh niên xung phong của Thái Bình được bổ sung vào Đội 261, đội đầu tiên của Đoàn thanh niên xung phong ATK.

70 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn Định Hóa (Thái Nguyên) xây dựng ATK và 65 năm ngày xuất hành của đội thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình đầu tiên vượt vòng vây giặc Pháp lên ATK (1952) với nhiệm vụ quan trọng phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và phản công vào sào huyệt của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Và nay, chúng tôi - những cán bộ, phóng viên Báo Thái Bình mới có dịp về thăm ATK Định Hóa, được đắm mình vào nắng, vào gió ngàn vi vút, cảm nhận sâu sắc hào khí thanh niên xung phong cảm tử vì Tổ quốc.


Ông Vũ Xuân Hòa, nguyên Đại đội trưởng 412, Đội 261 XP, thanh niên xung phong ATK đầu tiên, cán bộ hưu trí khu Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương

Đại đội thanh niên xung phong Thái Bình nằm trong biên chế của Đội thanh niên xung phong trung ương 261 XP do đồng chí Đào Đình Điền là Đội trưởng nhận lệnh gấp rút làm tuyến đường phục vụ chiến dịch Tây Bắc - Nà Sản. Sau một đêm hành quân vượt đèo Khế thì trời vừa sáng, quân địch phát hiện và điều máy bay tới ném bom xuống đơn vị. Đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Đại đội trưởng hy sinh, tôi được chỉ định lên thay đồng chí Bốn. Đến tháng 8/1953, để chuẩn bị cho chiến dịch đông xuân 1953 - 1954, Đội 261 XP được lệnh rút về ATK, cán bộ, đảng viên được dự lớp tập huấn chính trị ngay tại ATK, tôi được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 412 trong đó có 80 chiến sĩ người Thái Bình, sau đó tiếp tục mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày giải phóng Điện Biên.


Cựu chiến binh Lê Đình Vàng, xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Hàng năm cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 tôi lại đi một vòng từ ATK Định Hóa sang cây đa Tân Trào (Tuyên Quang) thắp hương tưởng niệm cho các chiến sĩ bộ đội và thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó có rất nhiều thanh niên xung phong người Thái Bình. Tôi vô cùng cảm phục sự hy sinh của các chiến sĩ thanh niên xung phong nói chung và Thái Bình nói riêng.


Chị Dương Thị Hiền, nhân viên Phòng quản lý Nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Có rất nhiều hiện vật và cả những câu chuyện bi hùng một thời khói lửa, đạn bom của các chiến sĩ bộ đội và thanh niên xung phong lớp đầu tiên từ khắp các vùng miền đến Định Hóa xây dựng ATK trong đó có rất nhiều chiến sĩ quê Thái Bình. 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược đã kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ, mồ hôi, công sức cùng máu đỏ của các chiến sĩ thanh niên xung phong đã xây đắp lên những con đường ra chiến trường và tô thắm lá cờ Tổ quốc.


Quang Viện