Thứ 5, 28/03/2024, 15:04[GMT+7]

Thụy An đi lên từ nông nghiệp

Thứ 3, 28/02/2017 | 16:09:30
3,512 lượt xem
Sau hơn 2 năm đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Thụy An (Thái Thụy) tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là mở rộng diện tích cây màu truyền thống có giá trị kinh tế cao, thâm canh tăng vụ tại cánh đồng mẫu lớn theo hướng đa cây trồng, từ đó đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác đạt hơn 304 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 32 triệu đồng/năm.

Người dân Thụy An phơi tỏi. Ảnh: Trần Tuấn

Là xã nội đồng, biệt lập với các xã khác và xa trung tâm huyện, Thụy An được ví như một “ốc đảo thu nhỏ”. Vị trí địa lý không thuận lợi đã ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Hiện tại, không có một doanh nghiệp nào đóng chân trên địa bàn Thụy An, nền kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có hơn 313ha diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 80% cơ cấu kinh tế.

Từ thực tế trên, trong quá trình xây dựng NTM từ năm 2011 đến năm 2014, Thụy An đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, xã đã đầu tư gần 12 tỷ đồng để xây dựng hơn 7,5km trục giao thông nội đồng, hơn 6km kênh mương cứng, 2 trạm bơm chống úng cục bộ…

Sau khi về đích NTM tháng 10/2014, xã tiếp tục làm mới 6 tuyến đường nội đồng rộng 3m với tổng chiều dài hơn 2,5km, kinh phí từ ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Đến nay, hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng trên địa bàn xã cơ bản đã được cứng hóa phục vụ tốt việc tưới, tiêu và đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xã đầu tư xây dựng được 15km đường điện ra khu chuyển đổi, khu cánh đồng mẫu lớn, khu đồng trồng màu để phục vụ tưới, tiêu và các hoạt động sản xuất khác.

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng mẫu lớn 116ha của Thụy An vào thời điểm người dân đang bước vào vụ sản xuất cây thuốc lào. Đây là một trong những cây trồng truyền thống đang mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.

Ông Lê Quang Trúc cho biết: Nhờ có đường điện kéo ra đồng giúp việc sản xuất thuận lợi, người dân có thể dùng máy bơm để tưới, tiêu thay cho tưới thủ công trước đây, đến vụ thu hoạch thì mang máy thái thuốc lào ra chế biến ngay tại ruộng. Với một mẫu thuốc lào tôi đang trồng, trung bình cho thu hoạch khoảng 5 tấn thuốc với giá bán khoảng 15 triệu đồng/tấn thì doanh thu đạt 75 triệu đồng. Sau vụ thuốc lào tôi lại chuyển sang luân phiên trồng dưa lê, cấy lúa mùa, trồng cây màu vụ đông, doanh thu từ các loại cây trồng này cũng ngang với thuốc lào.

Theo ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thụy An: Nhờ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đã giúp địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, việc thực hiện thâm canh tăng vụ tại cánh đồng mẫu lớn của xã theo hướng đa cây trồng với phương thức luân canh 4 vụ/năm: thuốc lào - dưa lê chen vụ - lúa mùa - cây màu vụ đông gồm hành, tỏi, dưa hấu đã phát huy được hiệu quả, giúp nâng giá trị sản xuất lên 483 triệu đồng/ha. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tập trung mở rộng diện tích trồng cây màu truyền thống như thuốc lào, hành tỏi, dưa lê, dưa hấu.

Năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thụy An đạt 108 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp đã giúp Thụy An tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đặc biệt là tiêu chí phát triển sản xuất và thu nhập.

Trần Tuấn