Thứ 7, 20/04/2024, 09:32[GMT+7]

Vận hội mới cho nông nghiệp, nông thôn

Thứ 2, 24/04/2017 | 15:41:05
1,922 lượt xem
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do tỉnh vừa tổ chức đã thành công tốt đẹp, tạo được dấu ấn và hơn hết trở thành tiền đề để Thái Bình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Dự án trồng rau, củ, quả hữu cơ của Tập đoàn TH tại xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư).

Thành công từ bước khởi động

Hội nghị có sự tham gia của hơn 800 đại biểu đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành của trung ương, một số địa phương và đặc biệt là các tập đoàn, lãnh đạo các hiệp hội, các ngân hàng và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo các đại biểu tham dự, đây là lần đầu tiên Thái Bình tổ chức hội nghị chuyên đề xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện quy mô lớn với cách thức tổ chức bài bản, công tác chuẩn bị chu đáo, hội nghị đã tạo được những ấn tượng hết sức tốt đẹp. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao Thái Bình đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành trung ương tổ chức thành công hội nghị quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đầy thách thức, tất cả những hội nghị về nông nghiệp trong đó có hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà Thái Bình tổ chức đều rất sôi nổi, mang khí thế hừng hực hướng về nông thôn để khai thác tiềm năng, thế mạnh to lớn của địa phương, đất nước. 

Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng: “Với nguồn lực, trí tuệ, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, Thái Bình tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các chủ trương, chiến lược, chính sách của Đảng, Nhà nước để nông nghiệp, nông thôn, nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”. 

Có thể nói qua hội nghị, doanh nghiệp đã tiếp cận với những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, rộng mở, toàn diện mà từ trước tới nay chưa biết đến hoặc biết chưa đầy đủ về nông nghiệp, nông thôn Thái Bình. Coi doanh nghiệp là ân nhân, sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của Thái Bình, với tinh thần ấy, hội nghị thể hiện được cam kết và quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, quảng bá đưa các sản phẩm nông nghiệp của Thái Bình đến với thị trường trong và ngoài nước.

Thu hút nhiều dự án lớn

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nghiên ứu đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký 25.658 tỷ đồng, diện tích đất thuê 7.127,6ha. Trong đó phải kể tới dự án của liên doanh Tập đoàn Ô tô Trường Hải và Tập đoàn Lộc Trời với tổng vốn đầu tư lên tới 7.800 tỷ đồng. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải cho biết: Dự án công nghiệp hóa nông nghiệp và vận hành chuỗi khép kín sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, phân phối các sản phẩm nông nghiệp do liên danh Tập đoàn Ô tô Trường Hải và Tập đoàn Lộc Trời triển khai tại Thái Bình dự kiến thuê khoảng 2.000ha đất tại huyện Quỳnh Phụ. Dự án gồm các dự án nhỏ: khu công nghiệp chuyên nông nghiệp, diện tích khoảng 310ha, gồm phân khu công nghiệp đầu vào cho sản xuất canh tác, phân khu công nghiệp đầu ra sau thu hoạch, nông trường thực nghiệm phục vụ nghiên cứu và đào tạo; cảng, hệ thống vận chuyển chuyên dụng bằng đường thủy; hệ thống nông trường diện tích khoảng 340ha. Dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thành dự án.

Thu hoạch cây màu xuân tại huyện Quỳnh Phụ.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên khi đầu tư dự án lớn vào nông nghiệp Thái Bình, tháng 2/2017, Tập đoàn TH đã khởi công dự án sản xuất rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn Global GAP và Organic tại xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư). Dự án này được TH thiết kế theo chiến lược đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đưa tới tay người tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên. Về lâu dài, TH mong muốn xây dựng dự án thành khu nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu tại Thái Bình, tạo mô hình cho nông dân tham quan, học tập, nắm bắt được cách sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa hàm lượng chất xám cao vào sản xuất nông nghiệp. Có thể nói, từ lúc tìm hiểu, nghiên cứu đến khi triển khai dự án chỉ trong một thời gian ngắn đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền cùng sự hưởng ứng của người dân Thái Bình; xóa tan tâm lý e ngại của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, mang lại nguồn sinh khí mới, mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành này. Không chỉ dừng lại ở đó, Tập đoàn TH đang nghiên cứu đầu tư tại Thái Bình dự án trồng khoai tây chất lượng cao và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ khoai tây phục vụ trong nước và xuất khẩu với diện tích đất khoảng 2.000ha, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.

Riêng dự án trồng lúa chất lượng cao, khu nuôi trồng thủy hải sản kết hợp dịch vụ sinh thái tại huyện Tiền Hải với quy mô 1.350ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng của Tập đoàn Geleximco ngay từ khi đưa ý tưởng đã là dự án động lực góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng của các huyện ven biển. Quan trọng hơn, Geleximco cho thấy cách làm hiện đại, với tầm nhìn chiến lược khi đầu tư vào lúa chất lượng cao ở Tiền Hải - một trong những thế mạnh của địa phương chưa được khai thác triệt để. Không chỉ có trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao mà còn hướng tới nhiều dịch vụ khác bảo đảm sự phát triển bền vững. Cụ thể, Geleximco đầu tư trồng lúa chất lượng cao tại các xã: Tây An, Tây Lương, Vũ Lăng, Tây Sơn, Tây Ninh, Đông Phong với diện tích 550ha, giá trị đầu tư khoảng 400 tỷ đồng; nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao kết hợp dịch vụ sinh thái tại cồn Vành, xã Nam Phú diện tích 600ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; mở rộng dự án nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Thịnh với tổng diện tích sau mở rộng 200ha, vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại hội nghị, UBND tỉnh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, chỉ đạo, điều hành thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Để xây dựng thành công mô hình thí điểm tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước, UBND tỉnh cũng đã ký kết hợp tác đầu tư với Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao thuộc Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Theo đó tổ hợp là một mô hình tập hợp của chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; bao gồm các đơn vị nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử, sản xuất trực tiếp, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, thương mại, trung tâm phân phối… với diện tích tối thiểu 3.000ha.

Cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của Nhà nước, tùy theo quy mô, tính chất và nội dung của từng dự án, từ những kiến nghị, đề xuất cụ thể của nhà đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh trên cơ sở không trái với các quy định hiện hành của Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.

Lưu Ngần