Thứ 6, 29/03/2024, 12:02[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 4)

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:14:33
1,600 lượt xem

Một đơn vị Quân giải phóng miền Nam hoạt động trong khu vực Đồng Tháp Mười năm 1966. Ảnh tư liệu.

Kỳ 4: Những trận đánh kỳ diệu trên sông, trên biển

Tại vùng sông Cửu Long xanh tươi như thế này, khi chiến tranh ập đến, những dòng sông, những cánh đồng biến thành nơi tuần tiễu, hoạt động của tàu chiến Mỹ.
Nơi diễn ra cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng quân giải phóng và các đơn vị thủy quân lục chiến từ nước Mỹ sang.
Trên là trời, dưới là cánh đồng trống trải. Việc ẩn náu, bám địch sẽ sao đây. Thế và lực đối phương ở những vùng sông nước như thế này quả thực bất lợi cho phía quân giải phóng. Vậy mà cái giá của người Mỹ phải trả trên vùng sông nước Cửu Long bị quân giải phóng tiêu diệt cũng không nhỏ.
Những chiến sĩ quân giải phóng đánh Mỹ trên Đồng Tháp Mười ngày đó, nhân chứng vẫn còn. Mỗi lần có dịp gặp mặt, họ lại cùng nhau nhớ lại.
Điều làm nên sự kỳ diệu trên vùng sông nước, chính là trận tuyến trong lòng dân. Nếu không được dân ủng hộ, che chở, người chiến sĩ biết dựa vào đâu. Ở nhiều vùng chiến sự, quân giải phóng trà trộn vào dân, tải lương, vận chuyển vũ khí, bám sát các hoạt động của địch, tạo cơ hội liên tiếp tấn công tiêu diệt quân địch.
Người tiểu đoàn trưởng đơn vị 502A bộ đội địa phương tỉnh Đồng Tháp năm xưa đây, gặp đồng đội, nhớ về chiến công một trận đánh, các ông kể lại:
Ở một hướng tấn công khác, giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt.
Bị thương từ dưới nước ngoi lên, tiếp tục chiến đấu rồi hy sinh. Những tấm gương giáp mặt với lính Mỹ dũng cảm như thế, thật xứng danh anh hùng.
Nhìn cảnh các chiến sĩ tiểu đoàn 502A bộ đội địa phương Đồng Tháp không khỏi bùi ngùi nhớ tới một trận đánh cảm tử. Khi quân ta tiêu diệt phần lớn lực lượng địch, chúng quay lại phục kích phản công.
Bị thiệt hại  nặng, quân Mỹ tổ chức quần đảo, chà sát, tìm diệt các chiến sĩ quân giải phóng đang ẩn náu dưới đầm nước. Khi phát hiện ra mục tiêu chúng bắn xối xả. Sự hy sinh của người chiến sĩ vùng sông nước anh hùng và bi thương như thế này đây.
Các chiến sĩ tiểu đoàn 502A, trong một trận chiến đấu diễn ra tương tự, trên Đồng Tháp Mười, bị tổn thương khá lớn. Nếu không nghe chuyện những người trong cuộc kể lại, sao có thể biết được sự thật một trận đánh có tới hơn một nửa đơn vị hy sinh.
Tiến sỹ Thomas giám đốc viện Wiliam Joiner Hoa Kỳ, ông có người cha tham chiến tại Việt Nam. Và một số bạn bè của gia đình Thomas Kane cũng từng tham chiến tại vùng sông nước Nam Bộ và bị quân giải phóng bắn chết ở đó, ông kể lại:
Một người anh trai bạn của tôi, người cùng ban nhạc Rock nroll với tôi đã sang Việt Nam. Anh ấy là lính thủy. Anh ấy đã từng ở Campuchia rồi ở vùng sông Mê Koong, sau đó anh ấy bị bắn chết ở Việt Nam. Một số bạn bè của cha tôi cũng bị bắt buộc phải sang Việt Nam. Bố của người bạn thân của tôi, ông ấy là đại tá cũng bị bắn chết ở Việt Nam. Nỗi đau của chiến tranh mang đến từng gia đình ở Mỹ. Bố tôi phục vụ một năm ở chiến trường miền Nam. Tôi còn nhớ hồi đó tôi rất tức giận. Tôi bộc lộ sự căng thẳng. Tôi lo sợ cho bố tôi. Bố tôi tham gia chiến đấu. Tôi không thích chiến tranh. Tôi không có chính kiến gì về chính trị. Tôi mặc định chúng tôi đến Việt Nam vì những lý do tốt đẹp.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Các nhà điêu khắc đã dựng tượng để ghi dấu một thời có những người mẹ không chỉ nuôi chồng, nuôi con đánh giặc, mà còn dấn thân che chở cán bộ chiến sĩ quân giải phóng giữa vùng sông nước Cửu Long. Lòng mẹ rộng vô cùng.
Hình ảnh nhân dân Đồng Tháp cưu mang giúp đỡ bộ đội đánh giặc lập nên những chiến công như Tiểu đoàn 502A, như các chiến sĩ của bao đơn vị khác. Dẫu có xây cả nghìn bức tượng cũng chưa xứng đáng với sự anh dũng hy sinh của quân và dân Nam Bộ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


*
*        *


Chiến trường ngày càng mở rộng. Vũ khí lương thực cung cấp cho quân dân miền Nam đánh giặc là nhiệm vụ cấp thiết. Con đường vận chuyển vũ khí từ miền Bắc theo dãy Trường Sơn vào Nam không đáp ứng yêu cầu chiến đấu.
Trước tình hình đó, theo sự chỉ đạo của Trung ương và Bộ Quốc phòng, con đường trên biển được hình thành. Đây là các cựu binh từng có mặt trên con đường biển thời chiến tranh. Ngày đó, các ông sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì nhiệm vụ.
Những tấm huân chương, chiến công của người lính trên con đường biển, ghi dấu những chuyến tàu vượt qua bom đạn, vượt qua sóng gió đưa vũ khí vào chiến trường Nam Bộ. Những tấm huân chương phải đổi bằng máu và nước mắt đã trở thành những kỷ vật vô giá, thiêng liêng.
Vào thăm các vùng bến bãi trên dải đất miền Nam hôm nay, các ông bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến đấu trên con đường biển. Cuộc chiến đấu vô cùng cam go. Giữa trời biển mênh mông, ba mặt quân địch vây ráp, những con  tàu chở đầy vũ khí vượt qua đạn bom, lao lên phía trước.
Từ các bến bãi nơi tàu đưa hàng vào, nhân dân địa phương đã nhanh chóng chuyển vũ khí tới các mặt trận cung cấp cho quân giải phóng.
Mỗi chuyến lái tàu vượt biển là một kỷ niệm khó quên. Chuyến đi của tàu 401 là chuyến mở đường lịch sử cung cấp vũ khí cho chiến trường khu 5.
Tàu 56 của chính trị viên Đỗ Văn Sạn chở vũ khí vào khu 4, vượt qua tuyến phòng thủ dày đặc tàu chiến của Mỹ. Chúng bám sát đe dọa, dùng hỏa lực bắn sang tàu 56. Chính trị viên Đỗ Văn Sạn mưu trí, lừa địch, khi bại lộ, ông đã cho tàu lao thẳng vào  tàu đối phương.
Chuyến đó tàu 56 đã chiến thắng. Chiến công được cấp trên ghi nhận trước hết thuộc về sự chỉ huy bình tĩnh, khôn khéo và đầy kinh nghiệm của chính trị viên Đỗ Văn Sạn. Đồng đội đi trên con tàu ấy sau này đều gọi ông là ân nhân cứu mạng, cứu tàu.
Mỗi lần trở lại bến xưa, nơi những con tàu đã từng qua đây. Nơi các ông đã từng sử dụng những khẩu súng này để tự vệ trên con đường biển. Và chính từ nơi đây nhiều đồng đội của các ông đã anh dũng hy sinh.
Ông Trần Ngọc Tuấn người cán bộ quả cảm, từng chiến đấu trên con tàu, ông đã chứng kiến những hành động anh hùng và sự hy sinh bất tử của những người đồng đội.
Thời kỳ người Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, tàu chiến đối phương liên tục chà sát trên biển, bom đạn Mỹ vẫn không làm nhụt chí chiến đấu của quân dân miền Nam, càng không làm nhụt được ý chí của những người chở vũ khí trên biển. Những con tàu từ hậu phương miền Bắc vẫn nối nhau lên đường.
Một lần tàu của Trần Ngọc Tuấn bị bao vây, các ông vừa tiến lên, vừa phá vây mở đường. Ông Tuấn kể lại:
Một loạt tàu của ta bị địch tấn công. Tàu 41, tàu 43 nổ tung nơi bãi Ngang Đức Phổ. Tàu 142 tự hủy ở Phú Yên. Đồng đội trên những con tàu ấy hầu hết đã hy sinh trên con đường biển. Máu thịt các anh đã hòa trong biển sóng. Tinh thần cảm tử của các anh, đồng đội hôm nay vẫn nhớ thương da diết khôn nguôi. Một đức tính đầy mã thượng, thời ấy, đồng đội sẵn sàng dành cái chết về mình, nhường sự sống cho bạn.
Những con tàu ra khơi, địch chặn phía trước, các ông vòng phía sau, mưu trí, biến hóa khôn lường trên mặt sóng, rồi lựa thời cơ chuyển vũ khí vào bờ.
Bất chấp sự phong tỏa của địch, những con tàu chở vũ khí, lương thực vẫn lần lượt vượt biển. Nhiều chuyến phải quay về, nhiều chuyến phải hủy tàu, các ông không nản chí. Người chết nằm lại biển, người sống tiếp tục đi.
Biết tàu ta vẫn hoạt động trên biển địch phong tỏa bắn chặn các ngã đường, tập trung bắn phá các mục tiêu nghi vấn. Đây là thử thách rất cam go. Những con tàu chở vũ khí vẫn kiên gan, bền chí, đưa vũ khí vào cho quân giải phóng đánh giặc.
Tàu 69 của thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ấn, vượt qua tuyến phòng thủ của địch vào đất mũi Cà Mau. Nhưng nhiều tàu khác như tàu 165, của Nguyễn Chánh Tâm, tàu 100 của Lê Minh Sơn, tàu 645 của Nguyễn Văn Hiệu, tàu 187 của Phan Xã và nhiều con tàu khác đã mãi mãi hóa thân vào biển. Đại tá Khưu Ngọc Bảy nhớ lại:
Mười tám thủy thủ tàu 165 không còn một ai. Trong đó không thể không nhắc đến con tàu bất tử và những chiến công tuyệt vời của tàu 235 do thuyền trưởng Phan Vinh phụ trách. Con tàu sau khi đánh bộc phá cảm tử, xác tàu đã tung lên bờ đảo, dấu tích vẫn còn đây. Ông Phong cho biết: Bọn địch bàng hoàng ngơ ngác. Phía đối phương thú nhận hàng chục chiến hạm của Hoa Kỳ đã đụng độ với một con tàu của Bắc Việt, mà vẫn không bắt sống được con tàu. Tất cả cùng chết để bảo vệ con đường bí mật trên biển.
Nơi những người nằm lại ở bến Ninh Vân, trong đó có chiến sĩ Nguyễn Văn Thuyết. Dẫu mẹ anh đau xót nhưng anh là niềm tự hào của mẹ, của nhân dân Can Lộc quê hương anh. Nhiều khi mẹ khóc, mẹ bảo thế. Nghe dân làng kể lại không ai cầm được nước mắt. Mẹ ơi, chúng con biết mẹ đau nhưng vì đất nước bình yên, mẹ đã nuốt nỗi đau vào lòng.
Người chiến sĩ trên biển đã ra đi một cách bi hùng như thế. Các liệt sĩ Hoàng Thanh Loan, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Chánh Tâm, Huỳnh Ngọc Trạch và nhiều anh hùng liệt sĩ khác đã mãi mãi nằm lại nơi biển xa.
Giữa sông sâu, biển rộng, biết linh khí các anh phiêu bạt nơi đâu. Chúng tôi đồng đội của các anh, may mắn được trở về, xin mãi mãi ghi lòng tạc dạ. Mỗi viên đạn mỗi khẩu súng đến được chiến trường phải đổi bằng máu và nước mắt. Sự hy sinh cao cả của các anh để đổi lấy cuộc sống hòa bình hôm nay.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên