Thứ 6, 29/03/2024, 17:45[GMT+7]

Trường Sa - Khúc tráng ca (Bài 7)

Thứ 2, 08/05/2017 | 10:26:26
1,785 lượt xem
Chia tay Trường Sa, ngoài món quà là những con ốc biển mà anh em bộ đội trên đảo tặng, tôi cũng mang về đất liền một nhúm nhỏ cát ở đảo Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Phan Vinh làm kỷ niệm cho đời mình và chia sẻ với mọi người chưa có dịp đến Trường Sa được thấy một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc để yêu hơn và cùng chung tay xây dựng Trường Sa lớn mạnh, trường tồn.

Tình cát và tình người Trường Sa.

Bài 7: Tình cát

Trường Sa những ngày cuối năm, ban ngày cái nắng nóng cứ hầm hập chứ không lạnh như ngoài miền Bắc. Một buổi trưa, tôi cùng nhà báo Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Báo Biên phòng ra đồi cát phía sườn Đông Nam của đảo Sinh Tồn Đông ngồi hóng mát. Đang mơ màng thưởng thức những cơn gió mặn mòi từ biển nhè nhẹ thổi vào, bất giác chúng tôi nghe thoảng đâu đó có tiếng ai cất lên hát: “Ngày xưa biển không có cát như bây giờ/Ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ/Và gió, gió hát thật êm/Và mây, mây trôi thật hiền/Biển ngây thơ và biển không như bây giờ”.

Giọng hát trầm ấm như ru lòng người và câu hát làm tôi trở nên vô thức lấy tay bốc những hạt cát ngay dưới chân mình lên vân vê ngắm nghía. Anh Thái hỏi tôi: Cát chứ có gì đâu mà nhìn kỹ thế? Tôi không trả lời anh mà nói vu vơ: Mình đang ngồi trên hòn đảo được hình thành từ cách đây hàng triệu năm rồi đấy. Theo các nhà địa chất, quần đảo Trường Sa là các bãi san hô, rạn đá ngầm, cồn cát và các đảo chìm, đảo nổi được hình thành bởi các miệng núi lửa đã “chết” cách đây hàng triệu năm. Các miệng núi lửa này nhô lên gần mặt biển, bên trong là vùng nước nông hoặc hồ nước sâu tùy theo cấu tạo núi lửa xa xưa, còn phía ngoài là biển nên hầu hết các đảo đều chung một đặc điểm có hình vành khăn hoặc elip.

Những mầm sống vươn mình trên cát trắng Trường Sa.

Thấy tôi thao thao bất tuyệt, anh Thái hỏi: Cậu có vẻ biết nhiều nhỉ? Thế cát ở quần đảo Trường Sa được hình thành từ đâu? Tôi bảo, vì yêu biển, đảo quê hương nên em mới tìm hiểu kỹ về tất cả những gì của đảo trước khi ra đây thôi anh ạ! Cát chính là các tinh thể nhỏ vỡ ra từ san hô bởi va đập và dòng chảy hải lưu bào mòn rồi sóng nhồi vun lại thành bãi, thành đảo; cho nên cát ở Trường Sa hạt to, có màu trắng tinh hoặc vàng. Cát ở Trường Sa đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao lớp cán bộ, chiến sĩ hải quân phải không anh?

Thấy chúng tôi trò chuyện rôm rả, cánh lính trẻ ùa ra vây quanh nghe. Một chiến sĩ mặt rất thư sinh nhưng đen sạm vì nắng gió nói bằng chất giọng xứ Quảng Nam: “Các ăn (anh) kể rất hay nghen, nhưng hổng biết các ăn có biết chuyện đồi cát ở đảo biết đi?”. Sự di chuyển của bãi cát nghe có vẻ kỳ lạ, khó tin nhưng nó lại là sự thật. Các bãi cát di chuyển xoay quanh đảo, cứ hết một vòng là tròn một năm. Những người công tác lâu năm trên đảo, nhiều kinh nghiệm chỉ nhìn vị trí bãi cát mà biết thời gian nào trong năm. Đó là hiện tượng tự nhiên do sự thay đổi kỳ con nước triều và theo mùa gió trong năm tạo ra động lực bồi tụ, xói lở bờ mà thành...

Rau mầm được ủ từ cát Trường Sa là món ăn “xa xỉ” của người lính biển.

Sự di chuyển của bãi cát ôm lấy đảo làm cho hình dáng của các đảo cũng thay đổi một cách uyển chuyển, mềm mại và đẹp như chính những người lính tiền tiêu nơi đây. Những hạt cát vô tình lọt vào lòng con ốc, con trai, con ngao cô đơn lâu ngày biến thành những viên ngọc trai lấp lánh đủ màu và rất có giá trị, một món quà quý của biển cả dành tặng cho những người con anh dũng, kiên cường bám trụ giữa biển khơi bao la để giữ đảo.

Trong suốt hải trình đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi được nghe và tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện về cát. Trong đó, ấn tượng nhất là những hạt cát nghèo dinh dưỡng và vô tri lại thành người bạn, người anh nuôi cần mẫn chăm sóc sức khỏe cho bộ đội. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, để có rau xanh cải thiện bữa ăn cho bộ đội trên đảo, anh em đã nghĩ ra cách dùng cát ủ cho hạt rau, hạt đậu xanh lên mầm. Những mầm non ấy trở thành món rau mầm vừa ngon, vừa bổ và thanh mát giúp cho bữa ăn của bộ đội Trường Sa đa dạng hơn, bảo đảm sức khỏe cho chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển, đảo quê hương. Cát còn ủ cho những trái bàng vuông vươn mầm rồi lớn lên phủ xanh làm mát cho đảo, ngụy trang cho các công trình trên đảo và bộ đội khi chiến đấu.

Bãi cát phía Đông Nam đảo Sinh Tồn Đông đẹp đến nao lòng.

Những bãi cát trên quần đảo Trường Sa là nơi huấn luyện, in dấu những bước chân bền bỉ của những người lính đảo tháng, ngày đi tuần tra, canh gác; nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nên mỗi hạt cát đều thấm đượm tiếng nói, nụ cười, mồ hôi gian lao của cán bộ, chiến sĩ hải quân. 

Chia tay Trường Sa, ngoài món quà là những con ốc biển mà anh em bộ đội trên đảo tặng, tôi cũng mang về đất liền một nhúm nhỏ cát ở đảo Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Phan Vinh làm kỷ niệm cho đời mình và chia sẻ với mọi người chưa có dịp đến Trường Sa được thấy một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc để yêu hơn và cùng chung tay xây dựng Trường Sa lớn mạnh, trường tồn. 

Còn nhà báo Nguyễn Hồng Thái kết thúc cuộc hải trình đến với Trường Sa xúc động làm bài thơ, trong đó có đoạn: “Bãi cát trườn bên sườn Đông vắng lặng/Như nốt trầm xao xuyến ở Trường Sa”.

(còn nữa)

Khắc Duẩn