Thứ 6, 19/04/2024, 13:10[GMT+7]

Chuyện kể ở một làng quê

Thứ 2, 09/01/2017 | 08:47:07
1,393 lượt xem
Sáng nào chị cũng tạt sang ngôi nhà này, "nhà tình nghĩa" với hai phòng gọn ghẽ, tinh tươm. Phòng ngoài dùng để thờ, phòng trong kê một chiếc giường cá nhân và ít đồ đạc. Đây là ngày thứ năm mẹ Sức được ở ngôi nhà mới. Nhưng mẹ bị liệt đã nhiều tháng nay.

Mẹ đang ngủ, chị sẽ sàng ngồi xuống bên cạnh. Trên giường, một hình hài nho nhỏ, đôi đầu gối gầy nhom lộ rõ sau chiếc màn bằng vải dù pháo súng. Mẹ Sức mở mắt nhìn chị, miệng run không nói được thành lời. Mẹ khóc... Những nếp nhăn trên khuôn mặt đen đúa vì những dấu vết, tàn nhang, đôi môi như càng xếp chún lại với nhau. Nước mắt lần theo nếp nhăn lăn xuống hai bên gò má, tràn xuống cổ. Nhìn cảnh ấy lòng chị xót thương khôn tả. Như mọi lần, chị lại nhẹ nhàng lấy khăn bông lau nước mắt cho mẹ. Mẹ Sức không nói được nhưng mắt của mẹ biết nói, ánh lên tia sáng mệt mỏi của tuổi già tỏ ý biết ơn... Chị mở chiếc cà mèn múc ra một bát cháo nóng, lấy khăn quàng dưới cổ mẹ. Cái cách chị chăm sóc cho mẹ Sức giống như người ta chăm sóc một đứa trẻ còn bú sữa mẹ. Trong lúc bón từng thìa cháo nhỏ, chị nhớ lại...

Cách đây không lâu chị quyết định về cái làng Đa Đông này. Bỏ việc ở nông trường về làm ruộng, nhiều người bảo chị hâm... Nhưng chị không hâm! Cô gái thanh niên xung phong năm xưa giờ đã gần sáu mươi. Thời chiến tranh, chị không kịp yêu ai và được ai yêu...

Ngày đó, lớp thanh niên như chị giữa làn khói lửa bom đạn còn chưa nhìn rõ mặt nhau, chưa kịp biết tên, biết tuổi, nói chi chuyện yêu đương... Giờ đây chị vẫn cô đơn, giữa chốn phố phường chị càng thấy cô đơn, lạc lõng. Chị cần tình người, cần mái ấm gia đình, cần có người để chăm sóc, an ủi. Và chị quyết định về đây để gần gũi với người cô ruột duy nhất còn lại, vui cảnh đồng quê, chăm sóc mẹ Sức. Thật ra, để có bước ngoặt này, có lẽ bắt đầu từ đợt nghỉ phép năm ấy chị về thăm người cô ruột của mình. Ông dượng đã mất từ lâu vì một căn bệnh ảnh hưởng từ chất độc da cam. Cô có một người con trai và một người con gái, cả hai đều là liệt sĩ. Cảnh nhà neo đơn, thấy chị về, cô mừng lắm. Hai cô cháu tíu tít tâm sự cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống. Một đêm mùa hè hóng mát trước hiên, cô bảo chị:

- Cô thế này là mãn nguyện lắm rồi An ạ. Làng này năm xưa chiến tranh ác liệt, người trong làng hy sinh khá nhiều, có nhà không tìm thấy tung tích ở đâu. Nhà này còn có phúc, hài cốt anh tìm thấy, ngày đêm hương khói cũng đỡ tủi chứ như mẹ Sức thì tội nghiệp.

- Chuyện mẹ Sức ra sao cô?

- Chồng chết vì chất độc da cam, hai con là liệt sĩ nhưng chỉ thấy giấy báo tử, hài cốt chẳng biết ở chiến trường nào mà tìm. Tội nghiệp...

Cô chép miệng thở dài, mắt rưng rưng. Chị muốn hỏi thêm nhưng thấy cô xúc động nên thôi. Chị nghĩ gợi lại vết thương chiến tranh nào có ích gì. Chị chỉ còn biết im lặng. Được một lát, cô giục chị đi ngủ kẻo mai dậy muộn không kịp phiên chợ.

Hôm sau, hết phiên chợ, thu xếp xong gánh hàng chị đi bộ về làng. Đầu làng, chị thấy một bà lão lưng còng ngồi bên vệ đường, ăn mặc tuềnh toàng, một tay cầm gậy, một vai đeo bị cói cũ kỹ. Dáng điệu bà lão mệt mỏi, mắt nhìn xa vắng. "Trong thời gian nghỉ phép ở đây mình chưa gặp bà lão này" - chị thoáng nghĩ. Hay bà không phải người làng? Hay bà tìm ai? Chị lại gần nhỏ nhẹ: Bà tìm người làng à? Để con đưa bà về... Bà lão ngước gương mặt phúc hậu nhìn chị rồi ngoan ngoãn làm theo chị. Cứ thế, chị đưa bà lão về đến nhà cần tìm.

Bữa cơm trưa, chị hỏi cô:

- Sáng nay cháu gặp bà lão tìm người làng ở xóm đồng cô ạ. Có lẽ bà lão không phải người làng này.

Ngừng đũa, cô bảo chị tả hình dáng bà lão. Đoạn cô bảo:

- Đúng là mẹ Sức rồi, chắc là ngày giỗ của anh con trai mẹ về đấy.

Chị sửng sốt: Mẹ Sức ư? Nhưng sao mẹ lại đi lang thang... Cháu cứ tưởng...

- Ăn mày phải không? Mẹ Sức đi hành hương đấy. Để cô kể cho mà nghe. Một câu chuyện buồn ở làng quê.

Giọng cô chầm chậm:

- Chồng chết vì chất độc da cam, hai con của mẹ một trai, một gái đều là liệt sĩ. Thời chiến tranh, người ta chỉ gửi giấy báo tử, nơi hy sinh để bảo mật cũng chỉ ghi chung chung là hy sinh tại chiến trường K, mặt trận X. Hòa bình trở lại, hài cốt của người thân mẹ không biết đâu mà tìm. Mẹ đã hỏi thăm nhiều nơi, người ta đều trả lời không biết. Mẹ khóc, suối lệ đã cạn khô cùng năm tháng. Mẹ sống một mình, day dứt khôn nguôi về những nắm xương tàn của người thân bặt vô âm tín. Mấy năm nay mẹ dở tính đi lang thang khắp nơi... Người biết chuyện chép miệng thương xót, những kẻ khác xem mẹ như bà lão ăn mày trái tính trái nết bỏ con cháu mà đi. Kỳ thực mẹ đi hành hương để hỏi tung tích hài cốt các con, dấu chân mẹ lưu lại ở tất cả những nghĩa trang mẹ đã từng đi qua... Mỗi năm chỉ vào dịp giỗ các con mẹ mới tìm về khấn vái, hương khói rồi lại đi. Không biết mẹ còn đi đến bao giờ nữa.

Nghe xong chuyện An thấy buồn. Buổi chiều, chị đến thăm mẹ Sức. Ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát ở xóm đồng. Đôi mắt của mẹ ánh lên những tia vui nhưng nhanh chóng lụi tắt. Đôi bàn tay run run đốt nén hương trầm khấn vái. Chị hỏi mẹ đã tìm được tin tức về hài cốt các con mẹ chưa? Mẹ chầm chậm lắc đầu. Mẹ bảo sắp tới mẹ sẽ đi vùng Tây Nguyên.

Một tháng sau, chị đến thăm thấy mẹ yếu lắm rồi. Mẹ bảo: Mẹ đã đi gần nửa đất nước mà chưa tìm được hai con Hiếu và Nghĩa, hãy tha thứ cho mẹ...

Mẹ Sức khóc rất lâu. An lặng người, cầm lấy bàn tay khẳng khiu của mẹ. Chị bàn với cô kiến nghị xã xây cho mẹ một ngôi nhà tình nghĩa... Thủ tục giấy tờ, công việc xúc tiến đến 6 tháng. Trong thời gian đó, mẹ Sức lâm bệnh nặng và bị liệt. Ở nông trường, nhận được thư của cô báo tin, chị về thăm mẹ và làm đơn xin nghỉ việc ở nông trường.

Mẹ Sức ăn xong, chị lấy khăn ướt lau cho mẹ và vỗ về bằng những lời an ủi nhẹ nhàng.

Có tiếng ồn ào ngoài sân nhà. Người đàn ông cười giả lả:

- Đây là công trình của xã kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ mà, xã chúng tôi mới khánh thành, trao nhà tình nghĩa cho mẹ Sức...

- Chà, ngôi nhà khang trang nhỉ?

- Vâng, thế đã đáng gì với công lao các anh ấy đã hy sinh... Chúng ta phải ghi ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

An thoáng bực mình. Ngày nào có đoàn về thăm xã lại báo cáo thành tích đấy. Chỉ được cái bề ngoài...

Đoàn người kéo vào nhà. Thấy chị, ông chủ tịch xã giới thiệu:

- Đây là chị Tô Thị An, nữ thanh niên xung phong năm xưa, giờ về xã tôi luôn đấy...

Những lời khen, những lời chúc tụng chẳng làm An vui lên. Nỗi đau của mẹ Sức, của những người mẹ liệt sĩ vẫn còn đó. Hương hồn của các anh giờ ở đâu?

*

* *

...Mẹ Sức chết đã được mười ngày. Chính quyền xã tổ chức lễ tang cho mẹ rất to. Lúc làm lễ truy điệu, ông chủ tịch xã đọc lời điếu hùng hồn: Chúng ta biết ơn gia đình mẹ Sức - một gia đình đã cống hiến xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Các con của mẹ không trở về nữa... Chúng ta ghi nhận sự hy sinh cao quý của gia đình mẹ Sức. Mẹ thật xứng đáng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng ta tự hào vì có một bà mẹ anh hùng như thế...

Quãng đời mẹ Sức như trang sách cuối cùng cũng khép lại. Không còn ai nhắc đến mẹ... Một năm sau, người cô ruột của An cũng qua đời. Lo ma chay chu tất cho người cô duy nhất của mình xong An bỏ làng đi đâu không ai rõ. Có tin đồn An đi theo một ông thương binh vừa chết vợ. Song có điều lạ là vào ngày giỗ của mẹ Sức người ta lại thấy trên mộ của mẹ có hoa tươi và khói hương trầm nghi ngút...

Một hôm, bọn trẻ chăn trâu trong làng kháo nhau có một người đàn bà đứng tuổi đi với người đàn ông lạ mặt vào nghĩa trang xã. Họ mang những túi hành lý như những hộp vuông xinh xắn. Có tất thẩy hai chiếc hộp như vậy. Họ đào bới và chôn những chiếc hộp bên mộ mẹ Sức, thắp hương rồi ra đi.

Người đàn bà ấy là An. Chị đi cùng với người đồng đội cũ của Hiếu và Nghĩa - hai con của mẹ Sức. Hài cốt các con của mẹ đã được tìm thấy.

Không biết ông chủ tịch xã, người trong làng có ai biết gì không? Chỉ có việc làm của chị An âm thầm, lặng lẽ đến không ngờ...

Ngọc Tuyền
(Vũ Vân, Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày