Thứ 6, 29/03/2024, 22:54[GMT+7]

Thấy đỏ tưởng chín

Thứ 2, 03/07/2017 | 14:32:02
1,519 lượt xem
Ở thành phố, xưa kia, cứ thấy nói người từ nông thôn lên là có người đã nghĩ ngay rằng: đó là người nhà quê. Sống nơi ao tù nước đọng, ruồi muỗi như ong, tầm suy nghĩ không vượt khỏi lũy tre làng. Cách nhìn nhận, đánh giá như vậy lạc hậu lắm rồi.

Từ ngày xây dựng nông thôn mới thì nhà quê bây giờ không thua kém gì thành phố - thậm chí có những điểm nhà quê còn nổi trội hơn thành phố như nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tắt lửa tối đèn có nhau. 

Tuy vậy, ngay từ những miền quê đổi mới ấy vẫn có những người “thấy đỏ tưởng chín” - “đứng núi nọ trông núi kia”: Anh Tham ở thôn Thượng, học hết lớp 9, không có điều kiện học lên, đi làm thợ xây, sau vài năm nay sắp trở thành thợ chính. Mỗi tháng anh có thu nhập 3 - 4 triệu đồng. Ấy vậy mà vẫn không yên tâm, cứ ngấp nghến bỏ nghề đi biên giới làm thuê cho những ông trùm buôn lậu, công cao gấp mấy lần gã thợ xây quèn... Nghĩ vậy, anh Tham rủ rê mấy người bạn ở làng bên bỏ nghề sửa xe đạp, cấy lúa, trồng rau cùng mình khăn gói đi làm thuê ở xứ người. Mấy đêm đầu mang vác hàng trót lọt, được ông chủ trả công hậu hĩnh 2 triệu đồng một đêm anh mừng lắm. Mấy đêm sau đó bị công an, biên phòng tuần tra vây bắt gắt gao. Cánh cửu vạn phải xuyên rừng, lội suối mang vác nặng oằn xương sống. Anh Tham chẳng may ngã rạn xương đùi, bị chủ sa thải, phải về quê. Biết tin anh đi làm trên biên giới về, dân làng tới thăm hỏi. Cụ Đức cao tuổi nhất làng vừa bước vào sân đã nói:

- Nào! Xem công nhân từ biên giới về có quà gì đây.

- Có đấy ạ! Xin mời cụ vào nhà.

Người tới thăm mỗi lúc một đông, mỗi người góp một chuyện, rất rôm rả. Tất cả đều xoay quanh chuyện làm ăn thời đổi mới. Ông Hưng từ thôn Đông sang bô bô kể: Anh Mạnh thôn tôi nhận đấu thầu 10 mẫu đất bãi với giá 70kg thóc/sào/năm để trồng chuối tiêu hồng, chuối tây Đài Loan, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng. Chị Hòa vừa đi chợ về kể: Gia đình bác Thắm chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò đực giống, mỗi năm thu mấy trăm triệu. Đất nước thời đổi mới, nông thôn “thay da đổi thịt”. Điện - đường - trường - trạm khang trang, to đẹp. Con bé đi học mầm non, con lớn vào trường tiểu học, THCS. Nếu không may gia đình có người ốm yếu thì có ô tô, xe máy đưa ngay đi viện cứu chữa kịp thời. Giao thông thuận lợi, hàng hóa lưu thông, cần mua gì cũng có. Điện sáng, nước sạch về với từng gia đình... Môi trường sống như thế sao không yên tâm lập nghiệp mà cứ phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống ở xứ người để gánh chịu sự ồn ào, khói bụi, ô nhiễm... 

Nghe chị Hòa nói vậy, bác Trung nói chen vào: Mấy năm gần đây nhiều địa phương có phong trào tích tụ ruộng đất, trồng cây nông nghiệp sạch được bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Cho khoán thầu 100kg thóc/sào/năm, trả 10 năm liền. Người chủ đất sử dụng đồng vốn ấy vào việc buôn bán, phát triển ngành nghề. Chủ doanh nghiệp đón nhận người có ruộng cho khoán thầu vào làm công nhân cho doanh nghiệp. Nông thôn thời nay không thiếu việc làm mà chỉ thiếu người biết làm việc.

Qua thực tế nêu trên cho thấy, thời nay, “an cư lạc nghiệp” ngay trên quê cha đất mẹ là an toàn, hiệu quả nhất. Nếu cứ đứng núi này trông núi nọ, thấy đỏ tưởng chín, vội đói bốc hai tay là khó tránh khỏi thất bại. Đi đâu? Làm gì? Làm như thế nào?... Tất cả đều phải đắn đo suy tính cặn kẽ, nếu không sẽ vấp ngã khó lường.

Ngọc Hồ

Hồng An, Hưng Hà

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày