Thứ 6, 19/04/2024, 17:46[GMT+7]

Tặng mẹ những bình yên

Thứ 2, 11/09/2017 | 08:55:20
1,231 lượt xem
Đã mười hai giờ đêm, mẹ tôi vẫn ôm chiếc điện thoại nói chuyện to nhỏ với đứa em gái ở cách nửa vòng trái đất. Sợ con cháu tỉnh giấc, bà khẽ ra ngồi đầu hiên, thỉnh thoảng mới thấy cất lời. Nhìn bóng mẹ trong đêm, bàn tay chốc chốc lại đưa nên dụi mắt... Những hạt mưa tháng bảy cứ rả rích như bù lại cái nắng rám trái bưởi đầu thu.

Ảnh minh họa.

Bố mẹ tôi mấy năm nay cũng mở mày mở mặt với bà con làng xóm bởi có con gái út theo chồng định cư ở nước ngoài. Đấy là tôi nghe mọi người nói vậy chứ mẹ tôi tuyệt nhiên không bao giờ thể hiện. Thỉnh thoảng có người về, con gái út lại gửi cho mẹ mấy hộp thuốc bổ, mấy bộ quần áo bán ở bên tây nhưng xét kỹ thì toàn hàng châu Á. Nghe tin mẹ ốm, con rể gửi ngay ít tiền để mẹ thuốc thang tẩm bổ. Ai cũng bảo mẹ tôi sướng. Và mẹ tôi cũng chưa than khổ bao giờ.

Năm anh tôi sáu tuổi tôi cũng vừa lên năm. Vừa xách nổi cái giỏ, chúng tôi đã vác cần câu mỗi chiều chập choạng, ngồi câu cá hau ở cống ông Bảo. Gọi là cống ông Bảo vì nhà ông Bảo ngay chân cầu chứ thực ra đó là cái cống xuyên qua con đê 5, đưa nước từ cửa Ba Lạt vào chạy quanh co khắp làng, chạy ra cánh đồng là vùng giữa đê 5 và đê 6. Cá hau nhiều khó tả, xôn xao mặt nước, cứ thả cần nhấc lên là có cá. Vì là họ cá trên nên tuy nhỏ con nhưng lại có ngạnh gai hai bên, đầu thì to. Câu cả giỏ nhưng bỏ đầu cũng còn chẳng là bao. Ai cũng bảo mẹ tôi khéo đẻ. Một trai một gái, bé tí mà đã chẳng phải lo thức ăn. Bố tôi đi biển đánh cá bán lấy tiền đong gạo. Còn chúng tôi câu cá để ăn. Mỗi người mỗi việc. Mẹ chỉ nói vậy. Nhưng hồi ấy tôi không coi đó là công việc mà là sở thích, niềm vui. Có những ngày trốn nhà giữa trưa hè đi ngồi cửa cống. Rồi cũng tuổi ấy, chúng tôi đi hôi đăng. Nghe thôi là đã biết, giống người ta đi “hôi bia”, “hôi dưa hấu” mà bây giờ thỉnh thoảng báo đăng. Có khác là ngày ấy ngư dân cắm những hàng rào bằng lưới nilon, còn gọi là bả đăng, ở chân các bãi ven sông ven biển. Nước lên, nước rút, tôm cá mắc kẹt ở chân đăng. Và khi họ bắt rồi chúng tôi mới “hôi” những con còn sót. Cũng đủ thực phẩm trong ngày.

Lớn hơn chút nữa, mẹ mua cho chúng tôi nào dậm cá, nào lờ cua. Tôi sức con gái, cố lắm cũng chỉ gánh được tầm 3 chục cái. Nặng nhưng hăng lắm. Phải chứng tỏ mình không thua kém cánh con trai. Cá đi câu, đi hôi phơi khô lụn vụn dành để làm mồi. Buổi tối đi đặt lờ ở các sông, đồng ngập nước, đánh ghi lại, sáng sớm đi nhấc về. Phăng phăng trên những cánh đồng mùa gió, đứa nào cũng lấm lem, ướt át mà hăng hái, khỏe mạnh. Mẹ tôi sáng nào cũng đổ cua đi bán, tiền ấy đong gạo, mua sách, may áo mới để chuẩn bị vào năm học. Mẹ bảo “ốm đau không dành cho trẻ con nông thôn” nên cấm đứa nào ốm. Mẹ cũng chỉ nói vậy. Và không biết có phải thế không mà lũ trẻ đầu trần chân đất ngày ấy ít phải thuốc thang như trẻ con bây giờ. Rồi tôi đi cấy với mẹ, tự hào làm cái việc mà con trai ít khi tham gia. Đồng ruộng chua trũng thụt lún, đóm mạ tám, mạ hom cao ngút, có khi người với mạ bằng nhau. Cái nắng, mưa, nóng, lạnh, mỏi gối chồn chân tôi không sợ bằng đỉa. Đỉa nhiều vô kể. Cứ thấy ngưa ngứa bắp chân là tôi nhảy sòn sòn trên ruộng. Dù rất sợ nhưng cứ nhắm mắt nhắm mũi cào bừa hòng bứt con đỉa ném ra xa. Cái thứ sinh vật hút máu trơn trơn, mềm mềm ấy khiến tôi phát ớn. Mẹ tôi thấy vậy thì cứ cười ngặt nghẽo. Bây giờ đỉa ít, cứ bảo do lạm dụng thuốc trừ sâu… Với tôi thì sao cũng được, miễn là không còn đỉa bám nữa.

Lên tiểu học và trung học cơ sở, tôi vẫn đi câu, đi cấy, đi hôi và còn du nhập thêm nhiều “cái thú” của người lớn như đi giận hến, soi cua, nạo ngao, đào giá, cào don, thậm chí là vét thòi lói (có người gọi là thoi loi). Những con cá thòi lói đậu hàng đàn bên mép nước các con sông trên các bãi ngập mặn. Người ta thiết kế cái gọi là “vét” bằng bả đăng, may hình chữ U, buộc gậy hai đầu, hai người cầm căng rà dọc các con sông. Cá thòi lói to bằng ngón tay nhỏ nhảy lao xao rồi chui vào vét. Con nào to, có trứng thì kho hoặc nấu rau, nấu khế. Con nhỏ thì nuôi lợn, nuôi gà hoặc phơi khô làm mồi đánh lờ cua. Mẹ thường không cho chúng tôi đi vét thòi lói cùng vì lội bãi, lội sông rất mệt, nhiều khi lại sa vào vũng sâu khó để ý. Đi cùng cũng khó chứ đừng nói là đi toàn trẻ con với nhau. Tuy vậy chúng tôi vẫn kì kèo có hôm đi bằng được để bây giờ có những kỷ niệm không thể nào quên.

Học cấp ba tôi vẫn đi biển, đi câu và đặc biệt là đi cấy. Vì ở nông thôn, con gái càng lớn càng phải cấy giỏi. Mẹ tôi bảo vậy. Cấy ruộng nhà mình, cấy trả công hàng xóm, cấy thuê cấy khoán lấy tiền cho năm học tới. Tôi thấy mẹ tôi lạc hậu quá, cứ bắt con cái phải làm những việc vất vả, làm sao mà học tập tốt được. Mấy đời làm ruộng, chẳng lẽ cũng muốn con cái phải làm ruộng. Tôi đi cấy mà ấm ức trong lòng. Càng ấm ức tôi càng hăng, cho “bõ” những lời mẹ tôi. Cái tuổi ẩm ương ấy đến giờ tôi mới hiểu… Tốt nghiệp cấp ba, trong lúc chờ kết quả thi đại học tôi đi cấy triền miên từ đầu vụ đến cuối vụ, đếm ra cũng ngót một tháng. Lưng muốn gãy, chân tay muốn rụng rời nhưng còn hơn là ngồi nhà chờ đợi. Chờ đợi bao giờ cũng thấy thời gian chậm chạp. Rồi khi vào đại học, nghỉ hè tôi vẫn về đi cấy. Nhà nông không được mất gốc. Đại học cũng chỉ là một nhà trẻ lớn trước khi chúng mày thực sự trưởng thành - mẹ chỉ ngắn gọn mà đến tận bây giờ tôi mới hiểu triết lý ấy sâu sắc đến nhường nào.

Tôi ra trường, có việc làm ổn định, lấy chồng, sinh con, không đi cấy nữa. Cũng không thấy mẹ giục mỗi khi mùa vụ tới. Tôi mừng lắm nhưng cứ thao thiết tâm can mỗi khi mùi rơm mới nồng nàn bay vào thị trấn, mỗi khi khói rơm rạ buổi chiều mù mịt mọi ngả đường, mỗi khi cánh đồng trắng nước và tiếng máy cày giòn giã trên đồng, mỗi khi đi trên đường thấy tấp nập người cày, người cấy. Nhớ việc thì ít mà nhớ mẹ thì nhiều. Ngẫm lại mới lạ. Cả cuộc đời tất bật mưu sinh mẹ hầu như toàn ra lệnh. Không có thời gian mà ôm ấp, mà thủ thỉ, mà chia sẻ chuyện hẹn hò. Chúng tôi lớn lên, chóng mặt với việc nhà nông, với những thú vui thời con trẻ. Mẹ bảo lao động là vinh quang, không có gì phải phàn nàn cả.

Mùa Vu Lan. Gái út gửi về cho mẹ nào thuốc bổ, nào bánh kẹo và tất nhiên cả tiền nữa. Tôi xuýt xoa với những món đồ lạ. Thế là mẹ không tủi thân khi cái Mít gửi sâm Hàn Quốc về cho mẹ nó nữa nhé! May mà có dì út chứ viên chức quèn như con chẳng có gì cho mẹ. Tôi rang rang câu chuyện. Mẹ chảy nước mắt. Tôi quýnh quáng cả lên. Mãi mẹ mới mở lời, dịu dàng đến lạ. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ dịu dàng như vậy. Quà cáp thì cũng quý nhưng cái quý nhất là các con bình an. Em con ở xa, thiệt thòi nhiều nhưng bù lại chồng con thương yêu. Con ở gần, làm viên chức nghèo nhưng bù lại gia đình đầm ấm. Cả đời mẹ chỉ mong có vậy. Mong các con bình yên trong công việc, bình yên trong gia đình, bình yên trong tâm tưởng. Muốn vậy, phải làm việc để biết quý đồng tiền. Phải học tập để biết mình biết người. Phải ngay thẳng, làm việc thiện để tâm không vướng bận. Cái Mít nó “phải” đi Hàn Quốc để thoát khỏi nợ nần, chồng hút sách, chứ không phải “được” đi. Đừng nghĩ đến chuyện quà cáp, hãy tặng mẹ bằng bình yên của các con. Đó là món quà lớn nhất mà mẹ mong nhận được. Mẹ thôi khóc nhưng tôi bắt đầu chảy nước mắt. Nhìn con gái, con trai bé nhỏ đang đuổi mèo ngoài sân, tôi chợt hiểu. Điều lớn nhất tôi mong muốn cũng chính là bình yên cho các con. Mùa Vu Lan, yêu mẹ bằng những bình yên con nhé.

Đỗ Hà

Đài TTTH Tiền Hải

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày