Thứ 6, 29/03/2024, 08:27[GMT+7]

Dồn tổng lực giải cứu ngành chăn nuôi lợn (Kỳ 2)

Thứ 6, 19/05/2017 | 08:37:29
1,373 lượt xem
Theo số liệu của cơ quan chức năng, giá bán thịt lợn hơi bắt đầu giảm từ tháng 10/2016, đến tháng 2/2017 giá lợn hơi dao động từ 29.000 - 32.000 đồng/kg và từ cuối tháng 4/2017 đến nay, giá lợn hơi chạm đáy trong vòng 30 năm qua với mức phổ biến từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu khiến cho người chăn nuôi bị thua lỗ 1,5 - 2 triệu đồng/con lợn (loại 100kg)?

Trước khi giá lợn giảm sâu, chăn nuôi lợn giúp nhiều hộ nông dân trong tỉnh vươn lên làm giàu.

Kỳ 2: Giá lợn hơi lao dốc: Vì đâu nên nỗi? 

Con số thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng thịt lợn hơi của cả nước năm 2016 đạt hơn 3,6 triệu tấn; dự kiến năm 2017 sẽ tăng lên 3,76 triệu tấn, tương đương 39,6kg thịt hơi/người/năm. Cân đối với nhu cầu tiêu thụ, hiện nguồn cung trong nước đang dư hơn 200.000 tấn, chưa tính lượng thịt nhập khẩu từ nước ngoài về. Vì tình trạng dư thừa này, cùng với việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu lợn tiểu ngạch khiến giá thịt lợn hơi trong nước thời gian qua giảm mạnh.

Trong bối cảnh đó, tại Thái Bình, theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đàn lợn của tỉnh tại thời điểm tháng 4/2017 đã giảm khoảng 0,76% so với tháng 10/2016. Hiện nay, ước tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng hơn 1 triệu con, trong đó lợn nái khoảng 195.000 con; lợn thịt 843.000 con, còn lại là các đối tượng lợn khác. Riêng đối tượng lợn thịt đạt trọng lượng xuất bán từ 100kg trở lên có khoảng 230.000 - 250.000 con, chiếm 27 - 30% đàn lợn thịt. So với cùng kỳ năm 2016, sản lượng thịt lợn hơi sản xuất ra cao hơn 12 - 15% và  hiện có trên 30.000 tấn thịt lợn hơi đang cần được tiêu thụ. Cung lớn hơn cầu nên giá bán thịt lợn hơi bắt đầu giảm từ tháng 10/2016, sau đó tiếp tục giảm sâu. Hiện tại, so với thời điểm cùng kỳ năm 2016, giá bán thịt lợn hơi giảm từ 16.000 - 20.000 đồng/kg, mỗi con lợn thịt người chăn nuôi đang bị thua lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng.

Ông Quách Thước, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm và trang trại nông nghiệp Thái Bình cho biết: Thái Bình là tỉnh nằm trong tốp 5 tỉnh có đàn lợn lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, khâu chế biến lại là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh hiện nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.600 cơ sở, điểm giết mổ tập trung và nhỏ lẻ, hỗn hợp. Nhìn chung các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm thịt lợn quy mô còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Cùng với đó, thói quen của người tiêu dùng hiện nay là sử dụng thịt tươi, chưa quen sử dụng sản phẩm cấp đông, chế biến nên gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất theo phân khúc thị trường.

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống, tận dụng trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ lớn. Giá đầu vào cao, giá thành sản xuất cao trong khi giá bán sản phẩm bấp bênh không ổn định. Mặt khác, người chăn nuôi vẫn tập trung quá lớn vào khâu sản xuất mà “quên” vấn đề sản xuất theo chiều sâu, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là việc xem xét yếu tố thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Đặng Thế Huyễn, xã Vũ Lăng (Tiền Hải) chia sẻ: Chăn nuôi trong tỉnh vẫn chủ yếu là chăn nuôi gia công. Bên cạnh đó, việc liên kết trong sản xuất chăn nuôi còn yếu, chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nên “đầu ra” cho chăn nuôi khó ổn định.

Với tình hình khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đang tìm mọi cách để giảm đàn lợn. Tuy nhiên, đối với các trại chăn nuôi lợn nái số lượng 50 - 70 con/trại trở lên cũng đang rất khó khăn do không bán được lợn giống. Để ứng phó với khó khăn trong chăn nuôi lợn như hiện nay, nhiều hộ nông dân đã giảm khẩu phần ăn của lợn, cho ăn cầm chứng, sử dụng nguyên liệu có sẵn để phối trộn thức ăn nhằm giảm giá thành chăn nuôi hoặc giảm quy mô đàn lợn nái, tăng tỷ lệ loại thải so với bình thường. Tuy vậy, để có thể “giải cứu” cho đàn lợn hiện nay cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người chăn nuôi.


Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương


Từ tháng 12/2016, Sở Công Thương đã sớm dự báo tình hình hạn chế trong xuất khẩu lợn.  Do người nuôi thiếu quan tâm, chưa thực hiện cảnh báo quyết liệt nên hiện nay sản lượng thịt lợn hơi bán ra trong tỉnh luôn cao gấp 2,5 lần so với nhu cầu. Vì vậy, phần lớn lợn phải tiêu thụ ở tỉnh ngoài trong khi việc tiêu thụ này lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, gây khó khăn cho việc bình ổn thị trường.

Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng 

Tình trạng giá lợn giảm nguyên nhân chủ yếu là do chăn nuôi phát triển “quá nóng”. Quy mô chăn nuôi và sản lượng thịt lợn tăng nhanh vượt xa sức tiêu thụ nội địa. Tổng đàn lợn tăng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối thị trường tiêu thụ. Do nguồn lực đầu tư chăn nuôi cao nên nhiều cơ sở chăn nuôi đang rất cần nguồn vốn để mua thức ăn để duy trì đàn lợn hiện có. Hiện nay một mặt địa phương khuyến cáo người chăn nuôi cần bình tĩnh để ứng phó với khó khăn, mặt khác tích cực tham mưu góp phần cùng chính quyền các cấp đưa ra giải pháp đồng bộ hỗ trợ ngành chăn nuôi.

Ông Phạm Thanh Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thành phố Thái Bình

Nhìn chung chưa có sự khác biệt nhiều giữa sản phẩm được chứng nhận VietGAHP, chứng nhận an toàn thực phẩm với các sản phẩm chưa được chứng nhận. Bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi -  giết mổ - chế biến - tiêu thụ và giám sát chất lượng các sản phẩm từ thịt lợn chưa bảo đảm an toàn thực phẩm nên không thể vào được các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng và có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ.

(còn nữa)

Mai Thư