Thứ 5, 25/04/2024, 20:39[GMT+7]

55 năm từ báo chí truyền thống đến báo chí - truyền thông kỷ nguyên số (Kỳ 1)

Thứ 4, 07/06/2017 | 09:04:23
2,562 lượt xem
Khoa Báo chí được thành lập ngày 16/1/1962, cùng với sự ra đời của Trường Đại học Tuyên giáo, tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay.

Hội báo toàn quốc được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hàng năm. Ảnh: Việt Hùng

Trải qua 55 năm (1962 - 2017), các thế hệ thầy - trò Khoa Báo chí cùng với toàn thể Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng nhịp bước đi lên với nền báo chí cách mạng Việt Nam phấn đấu không mệt mỏi, trưởng thành liên tục và đạt được những thành công tuyệt vời, không chỉ cung cấp cho hệ thống chính trị chúng ta hơn 13.000 cán bộ báo chí - truyền thông mà còn tạo nên những dấu ấn nổi bật và những dấu mốc quan trọng, cũng như đúc kết được những kinh nghiệm hết sức quý báu.

Nếu lấy người học làm trung tâm, lấy đối tượng tuyển sinh, chương trình, chất lượng đào tạo và tiêu chí đầu ra để nhìn lại, có thể phân chia quá trình 55 năm qua thành 4 giai đoạn với một số đặc điểm về dấu mốc phát triển như sau:

1. Trước khi chính thức thành lập năm 1962

Giai đoạn trước khi chính thức được thành lập, với nhóm cán bộ kiêm chức của Trường Đại học Tuyên giáo làm trung tâm kết nối, nhà trường đã được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ báo chí, tuyên huấn, chủ yếu phục vụ sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng miền Nam. Ngoài ra, những năm 1956, 1957, 1960, 1961 nhà trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ báo chí cho các nước láng giềng anh em.

2. Những năm từ 1962 đến trước 1995

Giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1968 chủ yếu được giao nhiệm vụ mở các lớp từ 3 tháng đến 27 tháng, đối tượng đào tạo là những cán bộ trong biên chế các cơ quan báo chí, tuyên huấn ở miền Bắc. Trong điều kiện đất nước bị chia cắt, những người được đào tạo chủ yếu cung cấp cho hệ thống báo chí khu vực miền Bắc, một phần được đưa vào miền Nam trực tiếp phục vụ công cuộc vận động đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bắt đầu từ năm 1968, Khoa Báo chí được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và chiêu sinh đào tạo khóa đại học đầu tiên, khóa 1 (1969 - 1973) với chương trình đào tạo hệ chính quy tập trung 4 năm. Đối tượng gần 200 học viên, chủ yếu là các cán bộ, phóng viên trẻ ở các cơ quan báo chí, cán bộ nhân viên các cơ quan tuyên huấn trong các cơ quan dân sự, lực lượng vũ trang và lực lượng thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nghĩa vụ hoặc lập thành tích xuất sắc; bao gồm cả một số ít những sinh viên mới tốt nghiệp PTTH được các cơ quan gửi đi đào tạo dự nguồn. Một số anh chị em khóa 1 chưa tốt nghiệp PTTH, cho nên buổi tối được nhà trường bố trí cho học bổ túc kiến thức để tốt nghiệp cấp 3. Năm cuối trước khi tốt nghiệp, 53 anh chị em học viên (bao gồm 31 học viên lớp báo chí và 22 học viên lớp xuất bản khóa 1 đã được gọi lên đường nhập ngũ, vào Nam tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972 cho tới giải phóng miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của cơ quan chức trách, tất cả các anh chị em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều người đã lập công xuất sắc, góp phần viết nên những trang sử vàng của Khoa Báo chí, của nhà trường và truyền thống nền báo chí cách mạng Việt Nam…

Và đến năm 1991, có thể nói là dấu mốc quan trọng nữa trong sự phát triển của Khoa Báo chí. Đó là cùng với việc nhà trường đổi tên thành Trường Đại học Tuyên giáo, thực hiện đổi bằng tốt nghiệp đại học từ “dấu vuông” sang “dấu tròn” cho tất cả các cựu sinh viên, lần đầu tiên Khoa Báo chí được chuyển hẳn sang chiêu sinh đào tạo đại học báo chí với đối tượng là học sinh tốt nghiệp THPT. Khóa 11 là khóa đầu tiên tuyển sinh đào tạo cho nhóm đối tượng này…

3. Từ 1995 đến 2003

Năm 1995 là năm đầu tiên trên cả nước, Khoa Báo chí được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chiêu sinh đào tạo thạc sĩ báo chí. Khóa 1 thạc sĩ chiêu sinh được 10 học viên, gồm có 5 nam, 5 nữ. Học viên là những nhà báo đang tác nghiệp ở các cơ quan báo chí và các cán bộ nghiên cứu - giảng dạy được tuyển chọn theo quy chế tuyển sinh sau đại học.

Sau khi xây dựng đề án, chương trình và tờ trình, năm 2003 là năm đầu tiên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chiêu sinh đào tạo tiến sĩ báo chí, chuyên ngành báo chí học. Như vậy, Khoa Báo chí là đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo trình độ tiến sĩ báo chí, cũng là khoa đầu tiên của Học viện được đào tạo trình độ tiến sĩ.

4. Từ 2004 đến nay

Sau năm 2003, nhà trường lại tách khoa báo chí lần thứ hai, thành Khoa Báo chí và Khoa Phát thanh và Truyền hình. Đội ngũ cán bộ cơ hữu từ gần 40 người được chia đôi. Từ đây, công tác thiết kế, quản lý chương trình cũng như mô hình tổ chức đào tạo và phát triển đội ngũ có nhiều vấn đề đặt ra, chủ yếu là những khó khăn thách thức từ bên trong cũng như thách thức từ nhu cầu thực tiễn xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một khoa đào tạo đã được rèn đúc trong gần nửa thế kỷ, với sự hình thành phong cách chuyên nghiệp “bản lĩnh, phong cách, sáng tạo” từ mỗi cán bộ, nhân viên, Khoa Báo chí lại tiếp tục đương đầu với thử thách, tiếp tục vươn lên và có bước trưởng thành mới trong quá trình đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội.

Giai đoạn này, mạng internet cùng với hoạt động truyền thông - quan hệ công chúng (public relations - PR) bùng nổ đặt ra những thách thức gay gắt cho hoạt động báo chí, công tác đào tạo báo chí và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc ổn định quy mô đào tạo đại học hệ chính quy tập trung, Khoa Báo chí không chủ trương mở rộng đào tạo hệ tại chức, mà nắm và đón bắt các vấn đề mới, nhu cầu mới với phương pháp tiếp cận mới theo hướng “đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội”; từ đó phát triển năng lực đào tạo của khoa đáp ứng tình hình và yêu cầu mới của sự phát triển.


55 năm qua, Khoa báo chí đã đào tạo được:
       - 4.680 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy.- Hơn 5.500 sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức (vừa làm vừa học), chủ yếu mở lớp ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh 3 lớp, riêng cho Hà Nội 4 lớp (chuẩn bị mở lớp thứ 5), một số tỉnh 2 lớp.
        - Hơn 3.000 người được đào tạo, tập huấn qua các lớp ngắn ngày theo chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội, trong khuôn khổ các dự án với nước ngoài hoặc đào tạo tại chỗ theo yêu cầu của các cơ quan báo chí...
        - Đào tạo cho Bộ Quốc phòng hàng nghìn lượt học viên, sinh viên các bậc học về báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ lực lượng báo chí - truyền thông cho quân đội.
        - Đào tạo, tập huấn cho các bộ, ngành, các doanh nghiệp và tổ chức trong hệ thống chính trị hàng nghìn lượt người về vấn đề cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến báo chí - truyền thông và ứng xử với báo chí - truyền thông hiện nay.
        - Về đào tạo cao học, từ khóa 1 đến khóa 22 đã có hơn 700 học viên cao học bảo vệ luận văn, nhận học vị thạc sĩ chuyên ngành Báo chí và chuyên ngành Quản lý báo chí - truyền thông; hiện còn hơn 130 học viên đang học.
        - Đã có 13 lớp nghiên cứu sinh với tổng số hơn 70 nghiên cứu sinh chuyên ngành Báo chí học đang tu nghiệp, trong số đó đã có gần 30 người bảo vệ thành công luận án và nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Báo chí học.

(còn nữa)

PGS, TS Nguyễn Văn Dững 
(Giảng viên cao cấp - Trưởng khoa Báo chí)