Thứ 6, 19/04/2024, 21:34[GMT+7]

Chuyện cổ tích thời chiến và mối tình vượt thời gian

Thứ 2, 12/06/2017 | 09:12:38
4,539 lượt xem
"Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu đợt này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa nhau. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại…”

Bà Xơ chăm sóc phần mộ của chồng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Thái (Kiến Xương).

 - Xin trích một đoạn trong lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi về gia đình và người vợ trẻ trước ngày ông hy sinh ba tháng giữa chiến trường Thành cổ Quảng Trị để mở đầu câu chuyện này.

Lá thư đặc biệt
Cuối tháng 5, cái nắng chiều thêm gắt, đổ đầy con đường về nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Thái (Kiến Xương). Tôi chở bà Đặng Thị Xơ - vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, thôn Phú Ân, xã Lê Lợi ra thắp hương cho chồng. Cũng tháng 5 này cách đây 45 năm, chàng trai Lê Văn Huỳnh gác bút nghiên cùng hàng chục nghìn sinh viên Hà Nội lên đường nhập ngũ và 44 năm đã qua, hai vợ chồng bà Xơ mãi mãi chia xa nhau. 

Bà Xơ nhớ lại: Ngày ấy anh Huỳnh còn đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Xây dựng. Chúng tôi yêu nhau là do sự giới thiệu của một người chị họ. Yêu nhau được hơn một năm, tết dương lịch năm 1972, anh Huỳnh từ Hà Nội về quê thông báo với gia đình hai bên sắp nhập ngũ. Đám cưới giản đơn của chúng tôi diễn ra trong mấy ngày tết ngắn ngủi. Tết Nguyên đán năm đó anh được nghỉ thêm 3 ngày và trước khi lên đường nhập ngũ, anh ấy về tranh thủ được 1 ngày. Vậy là từ ngày cưới đến ngày anh ấy hy sinh, vợ chồng tôi được trọn vẹn bên nhau 7 ngày, 7 đêm.

Giữa lúc chiến tranh ác liệt, phương tiện duy nhất giữ mối liên lạc giữa hậu phương với tiền tuyến là những lá thư tay. Những lá thư viết vội trước trận chiến đấu còn vương màu đất cứ đều đều được ông Huỳnh gửi về quê cho gia đình và người vợ mới cưới mỗi tháng. Trong những lá thư ông gửi về từ chiến trường, bao giờ cũng có một phần gửi mẹ, một phần gửi cho các anh chị và một phần gửi cho người vợ mới cưới. Trong số hàng chục lá thư ông Huỳnh gửi về từ chiến trường, có một lá thư rất đặc biệt. Theo bà Xơ, lá thư đặc biệt ấy được viết vào ngày 11/9/1972 khi ông Huỳnh đang làm nhiệm vụ chở lương thực và đưa bộ đội qua sông Thạch Hãn vào Nam chiến đấu. Trong thư ông ấy viết “… Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột…”.

Bà Xơ bồi hồi nhìn về phía bức ảnh thờ của chồng rồi kể lại với tôi: Đúng như dự đoán của anh ấy, sau tết Nguyên đán năm 1973, giấy báo tử của anh về đến địa phương. Vì sợ tôi sốc trước nỗi mất mát quá lớn này nên chị dâu đã xin với chính quyền xã hoãn báo tử lại ba tháng. Đến tháng 5/1973, giấy báo tử mới chính thức được gửi về gia đình cùng toàn bộ quân tư trang của anh. Anh hy sinh vào ngày 2/1/1973, đúng kỷ niệm tròn một năm ngày cưới. 

Trong lá thư đó, anh đã viết cho mẹ “… Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...”. Còn anh ấy viết cho tôi “…Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe những người thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về…”. Dù lá thư viết vào tháng 9 trước lá thư cuối cùng bà nhận được từ ông nhưng phải chờ đến 3 năm sau bà mới cầm trong tay lá thư đặc biệt này của chồng.

 “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”


Thời gian biết tin chồng hy sinh là chuỗi ngày tháng buồn nhất của bà Xơ. “7 ngày làm vợ, một đời thủy chung”, nhớ lời chồng dặn “hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại”, bà đã vực lại tinh thần, tiếp tục lao động sản xuất, chăm sóc mẹ chồng để linh hồn chồng được yên lòng. Khi Lê Văn Huỳnh hy sinh, Đặng Thị Xơ mới là cô gái tuổi vừa 23 đằm thắm. Mẹ chồng thương con dâu, cũng khuyên con tái giá để tìm hạnh phúc riêng cho mình nhưng bà Xơ một mực từ chối. Sau ngày mẹ chồng mất, bà xin gia đình cho được trở về bên ngoại để ở, sắt son, hương khói thờ chồng. Mối tình thủy chung của bà đã trở thành câu chuyện tình yêu nổi tiếng một thời, khiến bao trái tim rung động.

Nhớ lời chồng khi có điều kiện thì vào Nam đón hài cốt ông về. Sau bao ngày khắc khoải chờ mong. Gần 30 năm sau ngày ông hy sinh, hai người mới lại được gặp nhau. Khi đi mái tóc còn xanh, ngày gặp lại thì mái tóc vợ đã bạc, da đã xạm nhăn vì lam lũ cuộc đời. Cái ôm tạm biệt ngày ông lên đường vào Nam chiến đấu còn ấm áp, thổn thức nhịp đập của hai trái tim trẻ đang hừng hực lửa yêu thì hôm nay cái ôm thật nhẹ nhàng, vỗ về, lạnh lẽo. Hình hài của chàng trai Lê Văn Huỳnh tuổi đôi mươi đẹp đẽ, thông minh đã hòa vào với đất sau gần 30 năm cách biệt đằng đẵng hai phương trời.

Bà Xơ kể: Theo sự chỉ dẫn trong thư anh ấy viết “…Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ Thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó…”. Năm 2002, gia đình tôi và đồng đội của anh ấy ở Trung đoàn Công binh 95 (Sư đoàn 325) lần tìm theo địa chỉ trên nhưng không tìm được mộ. Khi tìm đến xóm 2, thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nơi anh và đồng đội hy sinh thì tìm thấy 3 phần mộ, trong đó có mộ của chồng tôi là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. So với địa chỉ anh ấy viết chỉ cách nhau vài cây số nhưng cùng dọc theo bờ sông Thạch Hãn còn ngày hy sinh thì đúng như những gì viết trong lá thư…

15 năm kể từ ngày đưa chồng về với quê hương, bà Xơ thấy mình khỏe ra, không còn suy nghĩ nhiều nữa. “Tôi vẫn đang sống như những gì anh ấy khuyên tôi. Gạt đi nỗi đau, chấp nhận một tình yêu chờ đợi cho đến ngày chúng tôi được gặp lại nhau như câu nói của nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Tôi luôn tự hào về anh ấy, người chiến sĩ Thành cổ hiên ngang trước cái chết để Tổ quốc mãi xanh tươi. Dù chưa có với nhau một đứa con nhưng tôi không phải là người cô đơn. Anh ấy vẫn luôn bên tôi” - bà Xơ chia sẻ.

Ánh nắng chiều tháng 5 chưa vội tắt, bàn tay bà Xơ lại cần mẫn lau từng vết bụi, nhặt từng cây cỏ trên mộ chồng giữa hàng trăm ngôi mộ. Đó là cử chỉ, tình nghĩa của một người vợ, khát khao được yêu thương, chăm sóc chồng con mà bà Xơ chưa có được.

Đã bao lần cầm trên tay lá thư của chồng, bà Xơ nghẹn ngào không đọc nổi. 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị chìm trong lửa đạn, đã có biết bao lá thư viết vội không hẹn ngày về như thế. Cùng với đồng đội của mình, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã ngã xuống với phong thái ung dung, điềm tĩnh trước cái chết để mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Và đúng như lời chồng viết trong thư: “…Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì với bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em…”, mỗi lần cầm lá thư lên đọc là một lần lồng ngực bà Xơ nghẹn ứ, nước mắt trào ra.

Tất Đạt