Thứ 6, 26/04/2024, 03:42[GMT+7]

Dòng sông hát

Thứ 2, 26/06/2017 | 08:34:04
2,985 lượt xem
Tiếng hô vang tới nhà ông Áp, nơi Chi bộ đang họp bàn, tiếng súng điên loạn của quân thù đã cảnh báo cho đồng chí của ông nhanh chóng thoát khỏi sự truy lùng của giặc. Dòng sông Hóa đỏ lựng phù sa dưới trời chiều bỗng sóng cuộn dâng, nghẹn ứ, cồn cào xoáy vào bờ bãi làng An Bái.

Cầu Đá gần ngã ba An Bái, nơi liệt sĩ Phạm Văn Hanh đã anh dũng hy sinh.

 Quân giặc không thỏa mãn bởi sự hy sinh anh dũng của người xã đội trưởng gan dạ, kiên trung Phạm Văn Hanh thà chết chứ không chịu khuất phục, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chúng tràn vào làng bắt mẹ và vợ của ông, vơ vét hết tài sản đem đi rồi đốt trụi cả xóm làng.

Áp dụng những hình thức tra tấn cực kỳ dã man nhưng giặc Pháp không khuất phục được ý chí cách mạng của người cán sự huyện đội kiêm xã đội trưởng An Thọ, huyện Thụy Anh (nay là xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy) Phạm Văn Hanh. Đê tiện hơn, chúng lột hết quần áo của ông, xiên dây thép qua hai bàn tay trói chặt cánh khuỷu và đưa ông ra sông Hóa thủ tiêu. Nhìn dòng sông ngầu đỏ phù sa, nước chảy cuồn cuộn về phía biển, tên chỉ huy tiểu đội lính Pháp hỏi ông: “Trước khi chết, mày có muốn nói gì không?”. Biết không thể thoát được cái chết, xã đội trưởng Phạm Văn Hanh nói nhỏ: “Nhà tao còn súng, lựu đạn và nhiều tài liệu mật, đưa tao về nhà lấy cho”. Quân giặc hí hửng dong ông về làng, đến ngã ba An Bái ông hô to: “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!” rồi lao đầu vào tường miếu tự sát. Bị bất ngờ, giặc Pháp điên cuồng xả đạn vào người ông.

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Hanh sinh năm 1902 tại làng An Bái, tổng An Bái, huyện Thụy Anh (sau đổi thành xã An Thọ), nay là làng An Bái, xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy trong một gia đình có nhiều công lao với cách mạng. Khi biết con trai mình tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, được tổ chức điều động làm cán sự huyện đội Thụy Anh kiêm xã đội trưởng An Thọ và chỉ đạo các xã phía Bắc huyện tuyến sông Hóa, mẹ ông, người chăm lo giáo dưỡng tinh thần yêu nước thương nòi cho ông từ tấm bé có lần buột miệng hỏi ông: “Hanh con, mẹ đã già, đau ốm liên miên, con hoạt động cách mạng thế có sợ địch bắt, địch giết không?”. Ông Hanh nhìn mẹ già đầy thương cảm, nhưng với ông lúc này cách mạng đang cần ông, trận tuyến quân sự rất cần ông, gạt nước mắt ông thưa: “Mẹ ơi, con là con của Đảng, của cách mạng, con phải hoạt động cho cách mạng, dù có phải hy sinh, gian khổ con cũng cam lòng. Con giữ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Bác Hồ, với non sông gấm vóc. Mẹ tha lỗi cho con vì những lúc yếu đau không có con bên cạnh, con phải làm tròn trọng trách của người cách mạng mà chưa lo chu toàn bổn phận làm con, ngàn lần mong mẹ thứ lỗi”. Hai mẹ con cùng ngậm ngùi lau nước mắt.

Năm 1950, giặc Pháp liên tiếp thất bại nặng nề ở chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng, cục diện chung trên chiến trường Đông Dương có nhiều biến động bất lợi cho chúng. Tướng Pháp là Đờ lát - Đờ tatxinhi liền triển khai kế hoạch Xa - lăng, lấy đồng bằng và trung du Bắc Bộ làm chiến trường chính, dồn quân về Thái Bình chọn địa bàn huyện Thụy Anh làm phòng tuyến bảo vệ cảng Hải Phòng. Chúng dựng bốt chĩa hỏa lực vào làng quê yên bình. Riêng xã An Thọ (Thụy Quỳnh nay) giặc còn xây dựng hai tháp canh vệ sĩ (đồn vệ sĩ Công giáo) ở làng Vân Am, Thọ Cách, lập sân bay trung tâm, hình thành một cứ điểm quân sự liên hoàn với ý đồ trấn giữ đường 39, phong tỏa tuyến sông Hóa cùng hệ thống đồn bốt khu Vĩnh Ninh, tạo thế tựa lưng phía sau cho cảng Hải Phòng. Hàng ngày, đội quân Âu - Phi của thực dân Pháp và bọn tay sai phản động quần thảo các làng quê, cướp bóc của cải, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà, dùng thủ đoạn giết người không ghê tay như chặt đầu cắm cọc bêu ở chợ, chôn sống, thả trôi sông... Không những thế, giặc còn tăng cường phòng vệ, tung quân vào làng lùng sục bắt lính, bắt dân làm phu xây dựng công sự, trận địa trong các nhà thờ họ giáo thành các “làng kháng chiến Công giáo” chống lại cách mạng. Chúng còn cài thám báo ở các làng xóm nhằm dò la tin tức hoạt động của các cơ sở cách mạng rồi đánh úp nhằm bắt sống cán bộ Việt Minh. Trước tình thế cam go, thực hiện chỉ thị của Quân khu 3 và Tỉnh ủy Thái Bình về chủ trương bám đất, bám dân để củng cố, giữ vững cơ sở, kết hợp đấu tranh chính trị với mở rộng chiến tranh du kích, lãnh đạo xã An Thọ chủ trương cho cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở, tìm và diệt ác trừ gian. Xã đội trưởng Phạm Văn Hanh được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng, tổ chức lực lượng chống sự quấy phá của giặc đồng thời chặn đánh những tốp lính nhỏ lẻ càn quét, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ ở chợ Kha Lý. Sau một thời gian trà trộn vào đoàn người đi chợ, đội quân do ông Hanh chỉ huy đã tiêu diệt nhiều tên, làm tan rã những toán lính quấy phá của giặc Pháp. Tiếp tục thực hiện chủ trương của cấp trên phải giải tán ngay bọn ngụy quyền ở thôn xóm kết hợp với thành lập đội du kích ngăn chặn hoạt động của lính Pháp không để chúng ngang nhiên càn quét, bắt bớ những người bị tình nghi là người của cách mạng, phát hiện, cô lập và tiêu diệt bọn ác ôn, chỉ điểm, việt gian, không để chúng tiếp tay cho quân giặc đàn áp phong trào cách mạng. Thời điểm này nổi lên tên Phạm Văn Kiên là việt gian, phản động đã thề không đội trời chung với cách mạng, hắn hung hăng chống phá cách mạng quyết liệt, chỉ điểm cho giặc nhiều cơ sở cách mạng trên địa bàn xã An Thọ, gây tổn thất lớn cho phong trào. Chi ủy An Thọ quyết định giao nhiệm vụ quan trọng là bắt sống và di lý tên Kiên ra vùng tự do. Chiều ngày 1/4/1950, ông Hanh đã bắt sống tên Kiên và dẫn giải hắn qua sông Hóa sang huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Không may cho ông, bờ bên kia sông Hóa quân địch phục kích dày đặc, chúng vây bắt cả hai người. Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, ông Hanh nhanh trí dùng dao găm tiêu diệt tên Kiên. Bị bắt, giặc Pháp biết ông Hanh là chỉ huy lực lượng du kích xã An Thọ, chúng lập tức đánh đập, tra tấn ông dã man vừa nhằm tìm ra cơ sở cách mạng vừa trả thù cho thuộc hạ tay sai của chúng.

Làng quê nghèo sinh ra người anh hùng Phạm Văn Hanh bên dòng sông Hóa giờ đây đã đổi thay, hình thành diện mạo làng quê đạt chuẩn nông thôn mới. Sông xưa vẫn hát bản anh hùng ca bất diệt “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà ông mãi là tấm gương rọi sáng như dòng sông muôn đời chảy mãi.


Ông Lê Văn Lềnh, 101 tuổi, lão thành cách mạng, nguyên đội viên du kích xã An Thọ (nay là xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy)

Khi bị giặc Pháp bắt, đồng chí Phạm Văn Hanh đang là cán sự huyện đội Thụy Anh, đồng chí được giao trọng trách xã đội trưởng An Thọ phụ trách các xã phía Bắc huyện tuyến sông Hóa. Nhận nhiệm vụ bắt sống tên Phạm Văn Kiên việt gian, phản động có nhiều nợ máu với cách mạng đưa ra vùng tự do để cách mạng xử lý, đồng chí Hanh đã bị giặc Pháp bắt và tra tấn hết sức dã man nhưng đồng chí đã nhận hết về mình và chấp nhận sự hy sinh để cứu đồng đội, đồng chí của mình. Trước khi chết, đồng chí còn chọn sự hy sinh có ích cho cách mạng, giúp tổ chức an toàn trước sự truy lùng gắt gao của giặc. Đó là hành động anh hùng của một xã đội trưởng anh hùng.



Ông Nguyễn Văn Duy, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Hanh đã nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu, hy sinh vì dân, vì nước đến hơi thở cuối cùng. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhì. Xã Thụy Quỳnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Là địa bàn trọng yếu về quân sự, xã An Thọ xưa, nay là xã Thụy Quỳnh có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Toàn xã có 36 lão thành cách mạng, 254 liệt sĩ, 36 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xã đã xây dựng thành công và về đích nông thôn mới năm 2016. Đảng bộ và nhân dân Thụy Quỳnh kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện để xã quy hoạch khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Hanh để xứng với sự hy sinh anh dũng của ông.



Bà Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐND xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Thụy Quỳnh quyết tâm giữ gìn cảnh quan, môi trường, đặc biệt chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Tuy nhiên, một số di tích, chứng tích chiến tranh đã không còn, do vậy chúng tôi rất mong sự quan tâm của cấp trên tạo điều kiện cho chúng tôi quy hoạch và tiến tới phục dựng di tích, chứng tích có liên quan đến sự hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân Phạm Văn Hanh cùng cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ và nhân dân Thụy Quỳnh.


Quang Viện