Thứ 5, 25/04/2024, 19:45[GMT+7]

Xe quá tải phá nát đê tả Hồng Hà

Thứ 5, 20/07/2017 | 07:53:43
974 lượt xem
Bất chấp quy định về tải trọng, hiện nay, nhiều xe quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông trên các tuyến đê khiến mặt đê bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tuyến đê tả Hồng Hà II, đoạn qua địa phận xã Vũ Bình (Kiến Xương) là một minh chứng…

Mặt đê tả Hồng Hà II đoạn qua địa phận xã Vũ Bình (Kiến Xương) đang bị xuống cấp nghiêm trọng do xe quá tải chở vật liệu xây dựng.

Theo phản ánh của người dân sinh sống ven tuyến đê tả Hồng Hà II, đoạn qua địa phận xã Vũ Bình (Kiến Xương), việc mua bán, vận chuyển vật liệu xây dựng diễn ra cả ngày lẫn đêm là nguyên nhân khiến xe quá tải đổ bộ về đây phá nát tuyến đê này. Tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm khiến tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê bị sụt lún, xuất hiện chi chít “ổ gà”, “ổ voi”. 

Trước tình trạng trên, người dân địa phương đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con… Khi người dân kiến nghị nhiều thì lực lượng chức năng mới tăng cường kiểm tra, xử lý. Sau đó, các lái xe chuyển sang chạy vào buổi trưa hoặc buổi tối nên việc xử lý chưa mang lại hiệu quả. Hiện nay đang bước vào mùa mưa, bão, nếu những vi phạm không được ngăn chặn kịp thời sẽ là nguy cơ đe dọa sự an toàn của các tuyến đê xung yếu.

Có mặt trên tuyến đê tả Hồng Hà II vào giữa tháng 7, theo ghi nhận của phóng viên, gần 2km mặt đê đoạn qua địa phận xã Vũ Bình bị cày nát, hư hỏng nghiêm trọng. Mỗi khi có mưa, nước ngấm xuống mái đê tạo thành các rãnh thoát nước, gây mất an toàn cho thân đê. Mặt đê xuống cấp không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân mà còn phá vỡ kết cấu đê, bao gồm cả mặt đê, thân đê và đường ven đê, từ đó làm giảm công năng của tuyến đê.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Thạo, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Kiến Xương cho biết: Đê tả Hồng Hà II là đê cấp I với chiều dài 14,7km. Đây là tuyến giao thông chính liên xã trong khu vực. Tuyến đê này được đắp, tu bổ qua nhiều thời kỳ nên chất lượng đất đắp đê không được đồng chất. Đoạn đê thuộc địa phận xã Vũ Bình có chiều dài từ K187+100 đến K189+650, trong đó có đoạn từ K187+100 đến K187+935 đã được cứng hóa mặt đê bằng bê tông với bề rộng mặt 6m, hiện còn rất tốt; đoạn từ K187+935 đến K189+650 có bề rộng mặt đê từ 4 - 7m, đã được cứng hóa mặt đê bằng đá dăm và đá láng nhựa từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của thiên nhiên, con người và các loại phương tiện qua lại, đặc biệt là các loại xe cơ giới quá tải trọng cho phép đi trên đê đã làm cho mặt đê cấp phối đá dăm nước và đá láng nhựa bị phá vỡ kết cấu, lún thụt cục bộ thành rãnh, “ổ gà”, “ổ voi” thấp xuống so với mặt đê tự nhiên từ 10 - 20cm, dẫn đến việc giao thông đi lại của nhân dân và công tác phòng, chống thiên tai gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để xử lý khẩn cấp đoạn đê đã bị xuống cấp trên. Đồng thời, đề nghị các cấp chính quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm Luật Đê điều, góp phần bảo đảm và phát huy tốt hiệu quả của công trình phòng, chống lụt, bão. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần lập các trạm gác, barie để ngăn chặn các loại xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép, bảo đảm an toàn cho công trình…

Không chỉ diễn ra tại tuyến đê tả Hồng Hà II, đoạn qua địa phận xã Vũ Bình, thời gian qua, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đê chưa được kiểm soát chặt chẽ đã khiến nhiều tuyến đê xung yếu bị xuống cấp, hư hỏng nặng, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Phạm Hưng