Thứ 6, 29/03/2024, 16:26[GMT+7]

Được mùa - nhờ giống (Kỳ 4)

Thứ 3, 04/07/2017 | 09:06:39
1,727 lượt xem
Từ một trại giống lúa cấp 1, ThaiBinh Seed đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển, nỗ lực vươn xa trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed tại buổi nhận giải vàng chất lượng quốc gia 2016.

Kỳ 4: Hội nhập và phát triển

Với mục tiêu hàng đầu là chất lượng, năm 2016, ThaiBinh Seed là 1 trong 15 doanh nghiệp được nhận giải Vàng chất lượng quốc gia. Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed: Để đạt giải Vàng chất lượng quốc gia - nấc thang cao nhất trong hệ thống giải thưởng chất lượng Việt Nam, ThaiBinh Seed đã phấn đấu liên tục không ngừng nghỉ trong suốt 20 năm qua.

Hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, ThaiBinh Seed nhận định rằng, việc xây dựng thương hiệu của một công ty là vấn đề hết sức quan trọng. Logo đầu tiên do chính Tổng giám đốc Công ty Trần Mạnh Báo vẽ từ năm 1988 được lấy làm logo của Công ty từ năm 1994 - 2015. Đến năm 2016, ThaiBinh Seed quyết định xây dựng lại nhận diện thương hiệu.

Logo mới được kế thừa từ logo cũ, vẫn là hạt lúa nảy mầm nhưng được bàn tay nâng hạt mầm nảy lên. Điều này hàm ý rằng, trước đây chỉ là lúa thôi, bây giờ là giống cây trồng, hạt mầm của sự sống. Đó là sự khác biệt về yêu cầu, đòi hỏi sự phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập.

Logo cũ của ThaiBinh Seed  
Logo mới của ThaiBinh Seed  

           

Việc thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu mới cũng là cách để bảo vệ, phát triển hình ảnh thương hiệu của Công ty hình thành trong nửa thế kỷ qua. Thương hiệu mới thể hiện sự kế thừa, đồng thời mở ra hướng đi mới với 3 mục tiêu: có tầm nhìn xa, năng động và rất gần gũi với bà con nông dân.

Việc xây dựng lại bộ nhận diện thương hiệu cho toàn hệ thống thay cho logo cũ cho thấy đây là bước đi có chủ đích, sẵn sàng cho “cuộc chơi” hội nhập quốc tế của ThaiBinh Seed.

Trung tâm nghiên cứu giống của ThaiBinh Seed tại xã Đông Cường (Đông Hưng).

Tuy nhiên, việc thay đổi logo và nhận diện thương hiệu chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp của ThaiBinh Seed với mục tiêu phát triển. Để hội nhập và phát triển đòi hỏi doanh nghiệp phải có một chiến lược về nhân sự tài chính, khoa học công nghệ, thiết bị, marketing…

Cũng theo ông Báo, định hướng của ThaiBinh Seed là phát triển thị trường toàn quốc và hướng ra nước ngoài. Xa hơn nữa, định hướng của Công ty không chỉ là giống lúa mà còn nhiều loại giống cây trồng khác liên quan đến nông nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, cùng với ứng dụng khoa học công nghệ, ThaiBinh Seed tập trung xây dựng nguồn nhân lực và mở rộng quan hệ hợp tác. Để nhanh chóng tiếp thu được tiến bộ khoa học công nghệ mới, ThaiBinh Seed tập trung đầu tư nâng cao trình độ năng lực, đổi mới nguồn nhân lực của Công ty.

Đến nay, ThaiBinh Seed đã hoàn thành tái cơ cấu và đào tạo lại nguồn nhân lực với gần 50% người lao động có trình độ đại học và trên đại học. Bên cạnh đó, ThaiBinh Seed chú trọng thiết lập mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước.

Mới đây nhất, ThaiBinh Seed đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực giống cây trồng (gồm giống lúa và ngô) với Công ty Cổ phần Hữu hạn Giống cây trồng Khoa Hội (Phúc Kiến, Trung Quốc). Đây là sự hợp tác ở tầm cao mới, quy mô lớn. Qua đó, hai bên sẽ khai thác lợi thế về công nghệ, thiết bị, điều kiện vật chất của nhau để nâng cao hiệu quả hợp tác.

Ký kết với công ty Khoa Hội (Trung Quốc).

Là thành viên Hiệp hội Giống châu Á - Thái Bình Dương (APSA) và có quan hệ với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ThaiBinh Seed khẳng định sẽ vươn xa hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

10 nhất của ThaiBinh Seed:


1. “Đột phá đổi mới cơ chế quản lý” xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa trong nông nghiệp quốc doanh năm 1987.
2. Đi đầu trong việc xóa bỏ chế độ bán hàng theo kế hoạch, tổ chức hệ thống bán lẻ giống cây trồng đến tận tay nông dân (năm 1998).
3. Đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (năm 1989).
4. Chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện hợp tác với nước ngoài theo con đường ngoại giao.
5. Đi đầu và thành công nhất thực hiện chương trình “liên kết 4 nhà” và tiêu thụ nông sản cho nông dân tại Thái Bình.
6. Đơn vị đầu tiên xây dựng, nhượng quyền và bảo vệ thành công thương hiệu giống lúa thuần (TBR-1), làm tiền đề hình thành thị trường bản quyền giống cây trồng hiện nay.
7. Đơn vị đầu tiên thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trực thuộc doanh nghiệp tại Thái Bình và trong ngành giống cây trồng Việt Nam.
8. Đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng Phòng Thử nghiệm quốc gia (Mã số VILAS 110) và thực hiện 3 hệ thống quản lý chất lượng quốc tế (ISO 9001-2015, ISO 17025 và TQM).
9. Tỉnh đầu tiên thực hiện công nghiệp hóa ngành giống cây trồng ở Việt Nam.
10. Là người đưa ra ý tưởng và là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA).




Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Với uy tín và chất lượng các bộ giống lúa, thời gian tới, ThaiBinh Seed sớm đưa các bộ giống đã được chọn tạo, thử nghiệm thành công cung ứng cho nông dân gieo trồng. Bên cạnh đầu tư chuyên sâu trong lĩnh vực chọn tạo giống mới, ThaiBinh Seed cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tăng giá trị trên đơn vị diện tích, giúp nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo, xây dựng thành công nông thôn mới trên phạm vi cả nước.


Ông Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Với hơn 80% dân cư sống ở nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chủ trương và chính sách lớn để phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. ThaiBinh Seed là doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh làm tốt việc liên kết với nông dân và các tổ chức của nông dân gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân.


Bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức như sức cạnh tranh của nông sản Việt thấp; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm; thiếu thông tin về hội nhập… Điều này đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tổ chức sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian tới ThaiBinh Seed tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, xây dựng doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Xây dựng chiến lược phát triển ThaiBinh Seed từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp mới. Tiếp tục xây dựng và bảo vệ thương hiệu lúa giống Thái Bình, xây dựng và phát triển thành công thương hiệu gạo Thái Bình; phát triển thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.


Phan Lợi - Mai Thư - Lưu Ngần