Thứ 5, 25/04/2024, 21:32[GMT+7]

Xử lý ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa

Thứ 6, 21/07/2017 | 08:23:22
2,398 lượt xem
Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy 80.000ha lúa mùa, chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh.

Nông dân huyện Kiến Xương tỉa dặm lúa gieo thẳng.

Vũ Thư là một trong những địa phương hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa mùa sớm nhất tỉnh. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, nông dân trong huyện đang tập trung tỉa dặm để bảo đảm mật độ và tiến hành làm cỏ, sục bùn, bón thúc cho lúa. 

Bà Nguyễn Thị Hòa, xã Dũng Nghĩa cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi gieo cấy hơn 4 sào lúa. Để lúa sinh trưởng, phát triển nhanh, trước khi gieo cấy, do không có phân chuồng, tôi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ cho hoai mục, sử dụng phân tổng hợp NPK để bón lót, sau gieo cấy 5 ngày, tôi tiếp tục bón thúc, kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ ốc bươu vàng gây hại lúa. Với cách làm như vậy, cây lúa phát triển ngay từ khi mới cấy, cứng cây, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết.

Cũng như Vũ Thư, thời điểm này, nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc lúa mùa, đặc biệt khắc phục ảnh hưởng do mưa úng gây ra. Một trong những khó khăn trong sản xuất vụ mùa là tình trạng cây lúa bị ngộ độc hữu cơ. Nguyên nhân do chuyển vụ gấp, thời gian từ làm đất đến gieo cấy ngắn, đất làm sổi, rơm rạ chưa kịp hoai mục. Sau khi gieo cấy lúa mùa, lượng rơm rạ trong đất tiếp tục phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ sản sinh ra các khí H2S, CH4… 

Tuy chỉ xảy ra cục bộ song hiện tượng này khiến nhiều nông dân nhầm lẫn, chăm bón không đúng kỹ thuật dẫn tới lúa sinh trưởng phát triển kém, lùn lụi, thậm chí chết. Triệu chứng của ngộ độc hữu cơ trên lúa là sau cấy từ 15 - 20 ngày, khi lúa đang đẻ nhanh rộ thì lá lúa biến vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít. Nhổ cây lúa lên kiểm tra thấy bộ rễ thối đen, có mùi tanh hôi, rễ mới không phát sinh. Ngộ độc hữu cơ thường thấy ở vùng đất trũng thấp, ngập nước, nhiều sét, cày vùi nhiều rơm rạ. 

Ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Tây Tiến (Tiền Hải) cho biết: Từ nhiều năm nay, nông dân xã Tây Tiến chủ yếu sử dụng máy gặt để thu hoạch lúa, vì vậy lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn, cộng với địa hình úng trũng rất dễ gây ngộ độc hữu cơ trên lúa. Tuy nhiên, nhờ chú trọng khâu làm đất, xử lý rơm rạ bằng các chế phẩm như Trichoderma, Emunic… và sử dụng vôi bột để cải tạo đất nên từ nhiều vụ nay Tây Tiến không còn tình trạng ngộ độc hữu cơ trên lúa.

Ngoài biện pháp làm đất, khâu điều hành nước cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ. Sau khi cấy xong cần giữ nguyên mực nước giúp cho mạ hồi nhanh sau đó điều tiết nước ở trạng thái chỉ có ở dấu chân trên mặt ruộng từ 5 - 7 ngày rồi tiếp tục lấy nước vào ruộng ở mức 3 - 5cm. Biện pháp này giúp cung cấp oxy cho đất, hỗ trợ rễ phát triển, giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, cây lúa ít bị đổ. Bên cạnh đó, nông dân cần tuân thủ đúng nguyên tắc bón phân vụ mùa: bón cân đối, tập trung, bón lót sâu, bón thúc sớm. Khi ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ cần ngừng ngay bón phân, bón 15 - 20kg vôi bột/sào rồi sục bùn thay nước khử độc. Sau đó đưa nước mới vào ruộng, bón lân supe hoặc phân vi sinh, nếu có điều kiện phun thêm các chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho lúa, giúp bộ rễ phục hồi nhanh. Tuyệt đối không bón đạm u rê khi lúa bị ngộ độc.

Nhờ thu hoạch lúa xuân sớm hơn từ 7 - 10 ngày so với cùng kỳ nhiều năm nên khâu làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa được thực hiện kỹ càng hơn. Đây là tiền đề để nông dân trong tỉnh có được một vụ mùa năng suất, sản lượng cao.

 Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày