Thứ 6, 19/04/2024, 15:16[GMT+7]

Nặng nghĩa tri ân

Thứ 2, 24/07/2017 | 09:44:42
714 lượt xem
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập... Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” - đó là lời khẳng định quyết tâm sắt đá của cả dân tộc trong ngày Quốc khánh 2/9/1945.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Minh Đức

Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đã làm nên những chiến thắng vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những chiến thắng được đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu hòa bình, trong đó có Thái Bình - đất nghèo mà kiên cường, anh dũng!

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Thái Bình luôn là tỉnh dẫn đầu miền Bắc về đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa hơn 50 vạn lượt người con tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả; đóng góp 100 triệu ngày công phục vụ kháng chiến và trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm. Thái Bình có gần 100 tập thể và 78 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; hơn 5.000 mẹ liệt sĩ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; hơn 26 vạn người được thưởng huân chương, huy chương kháng chiến.

Thanh niên Quỳnh Phụ lên đường tòng quân đánh Mỹ.

Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quê hương Thái Bình báo công: hơn 50.000 liệt sĩ, gần 33.000 thương binh, bệnh binh, 34.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, hàng nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hàng vạn người khác mắc các bệnh tật do nhiều năm hoạt động cách mạng trong điều kiện khó khăn, gian khổ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chế độ đãi ngộ người và gia đình có công với cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn nêu cao truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ bằng cả lương tâm và trách nhiệm.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hàng chục năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đến nay, tất cả các huyện, thành phố đều có đền thờ liệt sĩ, bia tưởng niệm, đài tưởng niệm liệt sĩ. Kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, kinh phí hàng năm chi cho người có công trên địa bàn tỉnh trên 1.600 tỷ đồng.

Thật cảm động khi nhiều địa phương tuy còn khó khăn nhưng bằng sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã và đang hỗ trợ người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng nghìn ngôi nhà của gia đình chính sách được hỗ trợ sửa chữa; mỗi năm có thêm nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây mới tặng gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin...

Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, trong kháng chiến chống Mỹ Thái Bình đã chi viện hàng nghìn tấn thóc cho tiền tuyến. Ảnh tư liệu.

Trên khắp dải đất hình chữ S, từ Lũng Cú, Hà Giang đến đất mũi Cà Mau, từ Điện Biên Phủ đến Trường Sơn, từ Khe Sanh, đường 9 đến Củ Chi, miền Tây Nam Bộ đỏ phù sa sông nước Mê Kông, đâu đâu cũng có dấu chân của những người con Thái Bình kề vai sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên bao chiến công huyền thoại. Máu của họ thấm vào mạch ngầm đất nước, cho xanh mầm, cho hoa trái ngát hương.

Vậy nên mới có những người Thái Bình mang quê hương vào cho đồng đội.

Quê hương là nước sông Trà lắng đọng phù sa châu thổ. Là đất trong vườn nhà nơi “cắt rốn chôn nhau”, nơi nâng bước chân của anh giải phóng quân vạn dặm. Là biển Đông kết tinh bằng muối Diêm Điền mặn mòi và thủy chung nghĩa tình dân - nước!

Vậy nên, mới có lá thư tiên đoán thần diệu ngày chiến thắng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; mới có những người như cựu chiến binh Lê Văn Cam ở xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình hơn 20 năm lặng lẽ làm “quân bưu” của hàng vạn liệt sĩ!

Mang trong mình bản lĩnh người Thái Bình, nhiều gia đình chính sách tự giác hiến đất, hiến công, đóng góp hàng chục, hàng trăm triệu đồng để xây dựng nông thôn mới.

Nhiều gia đình liệt sĩ nén đau thương, mất mát, vượt khó vươn lên, động viên con cháu làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ công dân.

May mắn trở về sau cuộc chiến, nhiều thương binh, bệnh binh “tàn mà không phế”, trở thành doanh nhân tiêu biểu, vừa vượt khó làm giàu vừa tri ân những người đồng đội đã ngã xuống.

Biết bao tấm gương bình dị mà cao quý, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.

Tri ân những người và gia đình có công với nước là đạo lý nghìn đời của dân tộc Việt Nam. Đối với Thái Bình, dù còn khó khăn nhưng bằng tất cả lòng thành kính, mỗi người dân ở mảnh đất mang trầm tích phù sa châu thổ đã, đang và sẽ làm hết sức mình để thực hiện thật tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Bởi đó là tính nhân văn sâu sắc, là tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây” - đạo lý làm nên sức mạnh từ cội nguồn dân tộc để đất mẹ trường tồn!

Trần Nam

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày