Thứ 6, 29/03/2024, 18:14[GMT+7]

Nước sạch về quê (kỳ 3)

Thứ 2, 07/08/2017 | 15:59:04
6,384 lượt xem
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn được cấp nước sạch, 100% dân cư sử dụng nước sạch. Để hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh Thái Bình đã xác định phải đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung, từ đó giúp các địa phương đạt chỉ tiêu nước sạch của tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Công ty Cổ phần Casaro miền Bắc lắp đặt đường ống dẫn nước sạch tại xã Thái Dương (Thái Thụy).

Kỳ 3: Xã hội hóa các công trình nước sạch

“Mở cửa” đón doanh nghiệp

Chỉ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 12, Thái Bình đã thu hút được 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 23 công trình phục vụ cấp nước cho 137 xã với tổng vốn đầu tư 1.384 tỷ đồng, gấp 2 lần tổng vốn đầu tư cho các công trình nước sạch nông thôn từ trước cho tới năm 2012. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 12 còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế nên ngày 29/4/2014 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012 - 2015. Điểm điều chỉnh căn bản là hỗ trợ đầu tư. Nếu như Quyết định số 12, Thái Bình hỗ trợ doanh nghiệp sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động thì với Quyết định số 19 việc hỗ trợ được thực hiện theo tiến độ dự án, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ lần đầu tiên khi giá trị khối lượng đầu tư đạt tối thiểu 50% tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay ngân hàng thương mại để đầu tư tài sản cố định trong 3 năm đầu kể từ ngày vay vốn và được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề cho lao động. Với cơ chế hỗ trợ đó, tỉnh đã thu hút được ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia đầu tư cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.

Ông Ngô Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh cho biết: Hiện nay, Hội có 28 doanh nghiệp với 32 nhà máy kinh doanh nước sạch. Từ khi Thái Bình có chính sách mở cửa đón các doanh nghiệp nước sạch vào đầu tư, số lượng các công trình, nhà máy nước sạch trên địa bàn nông thôn ngày càng nhiều. Chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư vào công trình nước sạch nông thôn là cú hích lớn đối với doanh nghiệp, trong đó với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và người dân với phương châm “một cái bắt tay, ba nhà hưởng lợi”. Nếu không có sự phối hợp này thì mục tiêu phủ kín nước sạch trên địa bàn nông thôn vào năm 2020 của tỉnh Thái Bình khó thực hiện được. Trong liên kết này, nhà nước hỗ trợ 20%, người dân tham gia đóng góp 15%, doanh nghiệp đối ứng và hoàn thành khối lượng công trình, bảo đảm cung cấp nước sạch đến người dân…

Vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Ngoài cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thì sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tích cực đầu tư công trình nước sạch nông thôn. Ngay sau khi tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, các cấp, các ngành, các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để các dự án sớm được triển khai thực hiện. 

Niềm vui khi có nước sạch.

Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh gồm 22 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phạm Văn Ca làm Trưởng ban và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 21 người, định kỳ hàng tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư nước sạch và bàn phương hướng, giải pháp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn thường xuyên nắm bắt tình hình các doanh nghiệp đầu tư nước sạch để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

 

Giải ngân nguồn vốn chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

UBND tỉnh cũng có nhiều giải pháp giúp các doanh nghiệp nước sạch có vốn đầu tư xây dựng công trình như: chỉ đạo ngành Ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn; chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, đánh giá, thẩm định, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch theo cơ chế của tỉnh. Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh đã giúp doanh nghiệp chủ động triển khai dự án, sớm cung cấp nước sạch cho người dân. Ngoài ra, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo còn biên soạn tài liệu “Hỏi - đáp về thực hiện đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn” gồm 32 câu hỏi và phần trả lời, nội dung chủ yếu xoay quanh những vấn đề mà người dân, địa phương và doanh nghiệp chưa rõ hoặc đang vướng mắc. 




Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Không chỉ đẩy mạnh tiến độ cấp nước cho nhân dân trong toàn tỉnh, Thái Bình còn chú trọng nâng cao chất lượng nước sinh hoạt nông thôn. Toàn ngành Nông nghiệp đã thực hiện kiểm tra 53 dự án, công trình cấp nước sạch của 30 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, các dự án cấp nước đều có hệ thống thiết bị cấp hóa chất khử trùng đạt yêu cầu kỹ thuật; hóa chất do các doanh nghiệp sử dụng có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; công nghệ xử lý nước của tất cả các cơ sở cấp nước được đánh giá đạt, bảo đảm yêu cầu chất lượng nước phục vụ nhân dân

Ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Các công trình nước sạch ra đời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với người dân sống ở vùng nông thôn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng, ổn định cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, trên 90% hội viên Hội Nông dân tỉnh đã sử dụng nước sạch. Để người dân nông thôn sử dụng nước sạch với tỷ lệ cao, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân ở nông thôn. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hơn 25.500 hội viên vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng số tiền hơn 267 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh phấn đấu đến hết năm 2017, 100% hội viên của Hội sử dụng nước sạch.

Ông Hoàng Quốc Lập, Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh

Nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước, của tỉnh thì doanh nghiệp khó có thể đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Cùng với những quyết sách kịp thời và sáng tạo của UBND tỉnh, còn có sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng trong việc giúp doanh nghiệp nước sạch tiếp cận nguồn vốn vay. Một yếu tố quan trọng góp phần giúp doanh nghiệp thành công là sự đồng hành, ủng hộ của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Thái Bình trong việc đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của chủ trương xã hội hóa nước sạch nông thôn, từ đó đồng thuận và hưởng ứng tham gia.


Đến hết tháng 5/2017:

 - UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 45 công trình cấp nước sạch nông thôn với tổng kinh phí gần 326 tỷ đồng; trong đó 18 công trình đầu tư mới hoặc nâng cấp, mở rộng (kinh phí 266,3 tỷ đồng), 26 công trình chuyển giao (kinh phí 58,6 tỷ đồng) và 1 công trình tại xã Thụy An, huyện Thái Thụy (kinh phí 836 triệu đồng)
 - Tổng số kinh phí đã phân bổ hỗ trợ 156,16 tỷ đồng
 

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày