Thứ 3, 23/04/2024, 18:14[GMT+7]

Tiền Hải: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, xuất hiện gia đình có 6 người nghi mắc bệnh

Thứ 4, 16/08/2017 | 15:02:42
19,702 lượt xem
Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải, có một buồng bệnh đang điều trị cho 6 người trong một gia đình cùng nghi mắc sốt xuất huyết.

Hai mẹ con chị Vũ Thị Vân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải.

Bà Trần Thị Nhiềm cùng con trai và 4 cháu nội đều nhập viện có chung triệu chứng: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, trên da nổi mẩn đỏ. Trong đó, cháu lớn nhất 14 tuổi và bé nhất mới 9 tháng tuổi. Duy nhất trong gia đình còn người con dâu không mắc bệnh, vì vậy việc chăm sóc cả nhà ở bệnh viện do mình chị con dâu cáng đáng, ngoài ra phải nhờ thêm sự hỗ trợ từ gia đình bên ngoại.

Theo thống kê, các ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở huyện Tiền Hải đều là người từ vùng có dịch trở về, hoặc trong gia đình có người từ vùng dịch trở về. Trường hợp 2 mẹ con chị Vũ Thị Vân là một điển hình, chị Vân trở về từ Hà Nội – là địa phương có dịch sốt xuất huyết với số ca mắc nhiều thứ nhì trong cả nước. Chị Vân nhập Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải và được xác định mắc sốt xuất huyết. Sau 10 ngày điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đến nay cả 2 mẹ con chị Vân đều đã ổn định sức khỏe và chuẩn bị được ra viện.

Bác sĩ điều trị bệnh cho bà Trần Thị Nhiềm -  bà mẹ trong gia đình có 6 người nghi mắc sốt xuất huyết.

Tính từ ngày 15/7 tới nay, riêng tại Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải đã tiếp nhận 40 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. 

Bác sỹ Phạm Duy Mạnh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải cho biết: Thời gian gần đây bệnh nhân đến khám do nghi sốt xuất huyết đông. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3 đến 6 bệnh nhân. Khoa Truyền nhiễm đã phải tăng cường thêm phòng bệnh, giường bệnh và nhân lực phục vụ cho công tác điều trị được tốt hơn. Như trường hợp gia đình bà Trần Thị Nhiềm cùng lúc có tới 6 người cùng nhập viện, Khoa đã tạo điều kiện bố trí riêng một phòng để tiện cho cán bộ, bác sỹ và người nhà chăm sóc, điều trị. Để phòng lây chéo lan truyền dịch bệnh, Bệnh viện Đa Khoa Nam Tiền Hải cũng đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi, tổng vệ sinh môi trường, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống sốt xuất huyết cho người bệnh và người nhà khi đến viện khám, chữa bệnh. 

Bác sỹ Phạm Duy Mạnh cũng cho biết thêm: Bệnh sốt xuất huyết không trừ một ai và người mắc bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn tới tử vong trong các trường hợp bệnh nặng mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ không quá nguy hiểm nếu biết cách phòng tránh và người mắc bệnh được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Vì vậy, người nghi mắc sốt xuất huyết không nên tự điều trị tại nhà mà nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Cán bộ y tế đến tận nhà dân hướng dẫn vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tiền Hải đã ghi nhận 80 ca sốt xuất huyết lâm sàng, rải rác ở 29 xã, thị trấn. Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải cho biết: Ngoài số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải, hiện Khoa Truyền nhiễm cũng đang điều trị cho 14 bệnh nhân, đa số bệnh nhân trở về từ vùng dịch. 

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết gia tăng và diễn biến phức tạp, UBND huyện Tiền Hải và Ban Chỉ đạo bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện đã chỉ đạo ngành y tế cùng các đơn vị thành viên tăng cường giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Không để bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, đồng thời có các biện pháp quây vùng dập dịch không để lây lan ra diện rộng. 

Bác sĩ Phạm Đồng Chí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiền Hải cho biết: Trung tâm Y tế huyện đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức; giám sát, khoanh vùng và tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng chống dịch. Cũng từ nhiều ngày nay, Trung tâm chỉ đạo các trạm y tế xã cử nhân viên y tế đến tận các hộ gia đình trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy để loại trừ nguồn lây truyền sốt xuất huyết. Tại các trạm y tế đã xây dựng các phương án phòng chống dịch, chuẩn bị các đội cấp cứu cơ động, phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo phòng chống dịch để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

HÀ DUNG

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày