Thứ 7, 20/04/2024, 06:01[GMT+7]

Cảnh báo tình trạng cháy, nổ nhà ống

Thứ 2, 11/09/2017 | 08:46:55
1,209 lượt xem
Tình trạng cháy, nổ, nhất là cháy, nổ nhà ống trên cả nước nói chung, tại Thái Bình nói riêng ngày càng có chiều hướng gia tăng, gây nhiều thiệt hại cả về người và tài sản. Để hiểu rõ đặc điểm, nguyên nhân cũng như các giải pháp hạn chế tình trạng trên, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Bá Y, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh.

Thực hành sử dụng bình chữa cháy dập tắt đám cháy.

Phóng viên: Ông có thể cho biết tình hình cháy, nổ nhà ống trên cả nước nói chung và tại tỉnh ta nói riêng trong thời gian qua; nguyên nhân, đặc điểm của tình trạng này?

Thượng tá Nguyễn Bá Y: Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, trong năm 2016 cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy, trong đó 1.290 vụ cháy nhà dân, làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1.240,11 tỷ đồng; xảy ra 23 vụ nổ, làm chết 7 người, bị thương 48 người, thiệt hại về tài sản 1.420 triệu đồng. Tại Thái Bình, năm 2016 xảy ra 25 vụ cháy, trong đó 4 vụ cháy nhà dân, làm bị thương 3 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,5 tỷ đồng; xảy ra 2 vụ nổ làm 4 người chết, 13 người bị thương. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 904 vụ cháy nhà ở của gia đình, làm chết 47 người, bị thương 79 người, thiệt hại về tài sản 43 tỷ đồng; toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy, trong đó 2 vụ cháy nhà dân, 2 vụ là hộ kinh doanh, không xảy ra vụ nổ nào. Nguyên nhân của các vụ cháy chủ yếu do chập điện, sơ suất trong quá trình sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, do sự cố máy móc, vi phạm quy trình, quy định an toàn.

Đặc điểm chung của các vụ cháy là do tụ khói ở tất cả trong các phòng, các tầng do không có nơi thoát khói, lượng oxy giảm rất nhanh, cháy dẫn đến thiếu oxy sinh ra khí oxit cacbon CO2 rất độc, khói, khí độc, muội gây ra rất lớn. Khi xảy ra cháy, nhiệt độ tăng lên rất nhanh, các vật dụng tài sản bắt cháy trong thời gian rất ngắn do bức xạ nhiệt, cháy lan sang các phòng, cháy từ tầng dưới lên tầng trên. Khi cháy thời gian kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của các cấu kiện nhà dẫn đến sụp đổ công trình. Bên cạnh đó, cháy tác động đến con người rất lớn bởi nhiệt độ, khói, khí độc làm ngạt, rối loạn thần kinh, không làm chủ được hành vi gây bỏng đường hô hấp không kịp thoát nạn, thời gian tử vong rất nhanh.

Công tác cứu nạn, cứu hộ đối với cháy nhà ống gặp rất nhiều khó khăn; việc khống chế đám cháy, chống cháy lan, dập tắt đám cháy rất phức tạp, việc di chuyển tài sản có trường hợp gần như không thể. Khi xây dựng nhà ống, hầu hết lối thoát nạn chỉ có một cửa ra vào làm cửa xếp, cửa cuốn; trên các ban công, sân thượng sử dụng sắt thanh, inox tạo thành hàng rào kín không lối thoát, vì vậy khi có cháy không thoát được ra ngoài dẫn đến tử vong.

Vụ cháy xảy ra ngày 27/9/2015 tại số nhà 326, phố Lý Thường Kiệt, thành phố Thái Bình.


Phóng viên: Đối với nhà ống sử dụng làm văn phòng, nhà nghỉ, quán karaoke, những đặc điểm nguy hiểm cháy như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Nguyễn Bá Y: Ngoài những đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ như nhà ống làm nhà ở, nhà ống sử dụng làm văn phòng, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh có những đặc điểm sau: sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện dụng cụ, tài sản vật chất dễ cháy như vật liệu cách âm (xốp, nhựa, vải, gỗ); đồ dùng chăn ga gối đệm; bàn ghế sa lông, mút; hệ thống nghe nhìn; thảm, xốp trải hành lang, máy điều hòa. Khi xảy ra cháy, ngọn lửa lan rất nhanh sang các phòng, các tầng sinh ra nhiều khói, khí độc, tụ khói.

Hệ thống điện sử dụng nhiều cho các thiết bị dễ bị chập cháy quá tải có thể xảy ra tai nạn điện giật. Do các phòng kín tách biệt khi xảy ra cháy ở một phòng phát hiện cháy chậm, khi cháy lớn lan rộng mới biết có cháy, do vậy thoát nạn chậm hoặc không kịp thoát. Văn phòng, nhà nghỉ, quán karaoke là những nơi nhiều người hoạt động, làm việc, vui chơi, nghỉ ngơi, khi xảy ra cháy thoát nạn khó khăn hoặc hỗn loạn không tìm được lối thoát, chưa kể lối thoát nạn không đủ (thường là một lối) không bảo đảm thoát nạn, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn thoát nạn không có hoặc có nhưng không hoạt động làm cho nạn nhân không tìm được lối thoát nạn. Biển quảng cáo rào chắn ở ban công, sân thượng không có cửa, lối thoát ra ngoài hoặc sang các nhà kế bên, không thoát nạn được. Công tác cứu nạn, chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Kỹ năng thoát nạn của nhiều người còn hạn chế hoặc thiếu kỹ năng thoát khỏi đám cháy dẫn đến tử vong hoặc tử vong nhiều người.

Phóng viên: Giải pháp để bảo đảm an toàn cháy, nổ nhà ống, thưa ông?

Thượng tá Nguyễn Bá Y: Đối với xây dựng nhà ở hay sử dụng để kinh doanh khi thiết kế, xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng các chất dễ cháy như mút xốp, nhựa thảm để trang trí, trải nền. Tường nhà, tường ngăn, cửa ngăn các phòng là vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Nhà có một cầu thang bộ đặt giữa nhà đi lên các phòng nên làm cầu thang kín (không làm cầu thang hở) tránh không phải là ống khói khi cháy. Có giải pháp cho các tầng chống tụ khói. Bố trí có hai lối thoát nạn có đủ đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn. Nếu lắp đặt hàng rào bằng kim loại ở ban công, sân thượng bảo đảm thông thoáng bố trí ô cửa để thoát nạn ra phía ngoài hoặc sang các hộ liền kề.

Không lắp đặt các biển quảng cáo che hết mặt tiền của tòa nhà; không để chung hàng hóa, vật liệu dễ cháy trong phòng bếp. Không tích trữ xăng, dầu trong nhà. Khu vực thờ cúng bố trí nơi riêng biệt; tường, trần nhà là vật liệu không cháy; đèn, nến sử dụng phải có đế không cháy đặt chắc chắn không đổ vỡ. Bố trí phương tiện chữa cháy cho từng tầng như bình khí, bình bột, ít nhất mỗi tầng hai bình, chăn chiên chữa cháy. Có các phi, thùng dự trữ nước phục vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra. Bố trí dụng cụ phá dỡ như búa, xà beng và dụng cụ thoát nạn như thang dây, dây thả chậm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các bước xử lý khi có cháy xảy ra


- Hô có cháy xảy ra, nhanh chóng thông báo cho mọi thành viên trong gia đình và những người có mặt trong nhà biết, hô hoán cho mọi người xung quanh biết để trợ giúp, tổ chức thoát nạn.
- Nhanh chóng cắt điện khu vực bị cháy để tránh tai nạn điện khi chữa cháy và cứu tài sản.
- Sử dụng các dụng cụ, phương tiện để nhanh chóng dập tắt đám cháy (nước, chăn, bình chữa cháy).
- Báo cho cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114 máy cố định, 0227114 máy di động, báo cháy ở địa chỉ (số nhà, tổ dân phố, đường, thôn, xóm, xã, phường, thị trấn); chất cháy, nhà ở, nhà kinh doanh, nhà tầng, người bị kẹt trong đám cháy (nếu có).
- Tổ chức cứu người bị nạn (nếu có) do bị thương hoặc không thoát ra khỏi đám cháy.
- Tổ chức cứu tài sản, di chuyển tài sản chưa bị cháy xung quanh khu vực cháy đưa ra ngoài, huy động mọi người xung quanh trợ giúp.


Nguyễn Cường

(thực hiện)