Thứ 5, 25/04/2024, 02:05[GMT+7]

Hạnh phúc là sẻ chia

Thứ 2, 18/09/2017 | 09:15:17
608 lượt xem
“Hạnh phúc của tôi là được giúp đỡ người khác, đến bao giờ mình không còn khả năng nữa thì thôi” - đó là chia sẻ của chị Trần Thị Mỵ, hội viên phụ nữ Công giáo thôn Nguyệt Lãng, xã Minh Khai (Vũ Thư).

Chị Mỵ và bà Gái.

Hơn 17 giờ, chị Mỵ tất tả từ ngoài đồng về nấu cơm, nấu thức ăn mang sang căn nhà nhỏ nằm trong khu vườn của nhà mình cho một cụ bà 80 tuổi, chân đã yếu, mắt đã mờ. Nhìn chị vừa thổi cơm cho nguội vừa dịu dàng dỗ cụ ăn cứ ngỡ đây là mẹ hoặc người thân trong gia đình chị. Nhưng đó lại là một cụ bà cô đơn, không nơi nương tựa được chị và gia đình đón về phụng dưỡng từ năm 1994. Bữa cơm chiều xong sớm, cụ bà tiếp chuyện những người bạn già trong xóm. 

Bà kể: Bà là Phạm Thị Gái, sinh năm 1938, quê ở Việt Hùng (Vũ Thư). Năm 13 tuổi bà theo cha di cư đến Nguyệt Lãng để tránh sự kìm kẹp của giặc Pháp. Cũng trong khoảng thời gian đó, mắt bà Gái bị mờ dần. Năm 1954, bố qua đời, anh em họ hàng không có ai, bà Gái sống không nơi nương tựa, có khi nhờ kho HTX, lúc lại tá túc ở trạm bơm, rồi đi hành khất để sống qua ngày. Cuộc sống của bà cứ lặng lẽ trôi đi nếu không gặp chị Mỵ. Thấy hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bà, năm 1994, chị Mỵ đã xin phép bố mẹ, bàn bạc với chồng, con để đón bà về nuôi.

Chị Mỵ nhớ lại những ngày đầu đón bà Gái về ở cùng gia đình: Khi đó nhà nghèo, đông con, dù phải lam lũ nuôi con ăn học, mình phải khéo léo dàn xếp để giữ ổn định gia đình. Thấy chị vất vả nhưng vẫn kiên trì, quyết tâm nên chồng, con, bố mẹ thông cảm, thương chị rồi chung tay nuôi bà Gái, coi bà như người thân trong gia đình, cùng chia sẻ ngọt bùi. Năm 1998, cùng với sự trợ giúp của hàng xóm, gia đình chị xây cho bà Gái ngôi nhà 20m2 lợp ngói, nền lát gạch hoa, công trình phụ khép kín trên mảnh đất nhà mình. Chị Mỵ sắp xếp các vật dụng cần thiết ngăn nắp nên trong nhà sạch sẽ, ấm cúng. Hàng ngày, vợ chồng chị và các con đều tới thăm, chăm sóc, các bữa ăn, có bữa thì chị Mỵ, bữa thì chồng hoặc các con mang đến cho bà. Khi bà Gái có chế độ trợ cấp của Nhà nước, bà giữ lại một ít tiền để ăn sáng còn lại giao cho chị Mỵ để có thêm điều kiện chăm sóc bà. 

Bà Gái cho biết: Nếu không có gia đình bác Mỵ thì không biết tôi còn sống để lang bạt ở nơi nào nữa không. Cả nhà bác Mỵ coi tôi như người ruột thịt. Tôi cảm ơn gia đình bác Mỵ, cấp ủy, chính quyền và dân làng nhiều lắm!

Không chỉ giàu lòng nhân ái, chị Mỵ còn là người mẹ hiền, người vợ đảm đang.

Chị Mỵ là thành viên tích cực trong Hội từ thiện của Giáo xứ Nguyệt Lãng từ nhiều năm nay. Tết Trung thu, chị ủng hộ gạo, tự nấu cơm mang đến trại cho các cháu liên hoan; chị cũng ủng hộ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở khu dân cư. Việc giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc “Lá lành đùm lá rách” luôn là “chìa khóa” để xây dựng một gia đình hạnh phúc và cũng là cách mà theo chị Mỵ dạy dỗ con cái hiệu quả nhất. Hiện vợ chồng chị đang chung sống đầm ấm, hạnh phúc bên các con cháu, các thành viên trong gia đình đều tự nguyện tận tình chăm sóc bà Gái. 

Bà Nguyễn Thị Quế, thôn Nguyệt Lãng cho biết: Nhà chị Mỵ ai cũng tốt tính, sống hòa thuận. Mặc dù bà Gái không phải họ hàng nhưng cả vợ chồng, con cháu chị Mỵ coi bà như người mẹ, người bà của mình. Điều này rất đáng quý, gia đình chị là tấm gương sáng để mọi người noi theo. 

Chị Mỵ chia sẻ: Tôi chỉ nghĩ, cuộc sống cần có sự sẻ chia, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn. Mình không có nhiều tiền, mình chia sẻ bằng tình thương. Bà Gái không còn sức lao động, không có chỗ để nương tựa lúc tuổi già. Gia đình tôi không giàu có về tiền bạc nhưng có thời gian, còn sức khỏe, tôi và gia đình vẫn tình nguyện giúp đỡ bà để bà ấy yên tâm sống tiếp phần đời còn lại.

Không chỉ giàu lòng nhân ái, chị Mỵ còn đảm đang gánh vác việc gia đình. Chị Mỵ luôn tất bật, khi thì ở nhà thờ, khi làm cỏ, chăm sóc lúa, hoa màu, rồi vườn hòe. Chồng chị là anh Trần Quyết Định, là thương binh chống Mỹ thường đau yếu luôn nên chị gách vác mọi việc. Không chỉ cấy diện tích ruộng của gia đình, chị nhận thêm ruộng của một số gia đình để cấy lúa lấy thóc chăn nuôi. Bên cạnh đó, với 2 sào vườn, chị trồng hòe, chè xanh và các loại cây ăn quả... Trước đây, gia đình chị nghèo khó, nay kinh tế khá giả, thiết bị tiện nghi trong nhà đầy đủ, đời sống được nâng lên rất nhiều.

Câu chuyện của chị Trần Thị Mỵ là hình ảnh đẹp về tình yêu thương của con người. Có thể họ còn nghèo về vật chất nhưng khi sống với tình yêu thương và sự sẻ chia chân thành, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Xuân Phương